Xử lý thấu đáo nạn trộm cắp sò huyết ở Năm Căn

28/07/2017 05:43

(kiemsat.vn)
Trong thời gian qua, một số hộ dân sinh sống ven biển gần khu vực rừng ngập mặn khu vực Bãi bồi thuộc xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để bắt trộm sò huyết của các hộ gia đình, các hợp tác xã được phép nuôi gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các chủ nuôi.

Tình trạng này vẫn thường xuyên tái diễn, chưa có vụ việc nào bị đưa ra xử lý hình sự nên gây bất bình trong nhân dân.

Ngày 17-18/7/2017, Tòa án nhân dân huyện Năm Căn đã đưa ra xét xử vụ án trộm cắp tài sản đối với 09 bị cáo về tội trộm cắp tài sản là sò huyết nuôi tại Phân khu bảo tồn biển thuộc khu vực Bãi Bồi, xã Lâm Hải. Để có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cơ quan tiến hành tố tụng, các ngành huyện Năm Căn, trong đó công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được đẩy mạnh, thường xuyên, chặt chẽ và đã phát huy hiệu quả thiết thực trong quá trình giải quyết các vụ án, đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án đảm bảo khách quan, nhanh chóng, chính xác, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các bị cáo tại phiên tòa

Vào cuối năm 2015, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt cho phép Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thực hiện phương án mở rộng nuôi sò huyết tại Phân khu bảo tồn biển thuộc khu vực Bãi Bồi, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. Để thực hiện dự án, Vườn Quốc gia tiến hành hợp đồng, liên kết với 14 tổ chức và cá nhân khác trên địa bàn tỉnh để triển khai mở rộng khu nuôi sò huyết với tổng diện tích 400ha trên khu vực Bãi Bồi. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi hợp đồng với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau sẽ được nhận vị trí đất để khoanh nuôi sò huyết tại khu vực cho phép.

Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2016, tại khu vực Bãi Bồi xuất hiện nhiều đối tượng ban đêm dùng vỏ máy xâm nhập vào khu vực khoanh nuôi sò của các doanh nghiệp để cào trộm sò với số lượng lớn, gây thiệt hại cho việc nuôi trồng thuỷ sản, làm mất an ninh trật tự, được báo đài phản ánh.

Ngày 06/7/2016, doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Lộc có đơn trình báo các cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý đối với các đối tượng trộm. Qua xác minh đã xác định được có nhiều đối tượng có liên quan đến việc trộm cắp và tiêu thụ sò huyết, phần lớn là ngư dân sinh sống ven vùng Bãi Bồi, lợi dụng đêm khuya, địa hình bùn lầy khó di chuyển, tự phát theo từng nhóm riêng lẻ xâm nhập vào các bầu khoanh nuôi sò của doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Lộc dùng vợt lưới cào, xúc trộm đem về bán lại cho người thả nuôi khác để thu lợi. Vụ việc có tính chất phức tạp, dư luận sự quan tâm, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây dư luận xấu.

Ngay từ khi tiếp nhận đơn tố giác của người bị hại, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phối hợp cử Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành xác minh, khoanh vùng làm việc với các đối tượng. Qua công tác này, thì tình hình trộm cắp sò huyết được tạm ổn. Lãnh đạo hai ngành thường xuyên theo dõi tiến độ thu thập chứng cứ vụ án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Vấn đề đặt ra là công tác thu thập chứng cứ, xác định tài sản thiệt hại phải đảm bảo hợp pháp và đúng trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên cơ sở chứng minh được giá trị thiệt hại quy định giá trong tố tụng hình sự, vụ án đã được khởi tố và các bị can lần lượt bị khởi tố để điều tra.

Các hoạt động điều tra như thu thập ghi lời khai bị hại, bị can; công tác khám nghiệm hiện trường, xác định vị trí địa điểm trộm cắp cũng như dựng hiện trường thực nghiệm điều tra; công tác khám xét, thu giữ vật chứng, phương tiện phạm tội… được tiến hành khẩn trương. Một mặt phải yêu cầu cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau … cung cấp các thông tin liên quan đến khu Ramsa, tọa độ vị trí khu vực thả nuôi sò tại khu vực bãi bồi…

Nhờ công tác phối hợp tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được duy trì, chặt chẽ và đúng pháp luật, các bị cáo đã phải hầu Tòa, vừa tâm phục khẩu phục, xin nộp lại thu lợi và xin pháp luật khoan hồng… Trên cơ sở hành vi và hậu quả của vụ án, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, Tòa án tuyên phạt 08 bị cáo mức án từ 03 đến 07 tháng tù giam, 01 bị cáo mức án cải tạo không giam giữ. Thông qua vụ án này nổi lên vấn đề về chính sách đảm bảo ổn định, phát triển cuộc sống của những người dân ở vùng bãi bồi ven biển. Trong vụ án này, các bị cáo bị đưa ra xét xử đều là thành phần lao động nghèo khó, thất học, thiếu hiểu biết về pháp luật, sống ven biển xung quanh khu vực bãi bồi, không có đất sản xuất, không có vốn đầu tư, lấy việc bắt ốc mò cua làm nghề mưu sinh như là “cha truyền con nối”. Đời sống của họ phụ thuộc nguồn lợi thủy sản ven biển sẵn có… Thu lợi có được từ việc trộm sò huyết được các bị cáo xác định sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt gia đình như đóng tiền học phí cho con, mua sách vở cho con đi học, mua sữa cho con uống hàng ngày, mua lưới, trả nợ …

Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo này đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, thừa nhận lỗi, mong muốn khắc phục hậu quả. Điều này cho thấy nguyên nhân dẫn đến việc các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội cơ bản do cuộc sống mưu sinh khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, không có tư liệu sản xuất.

Thiết nghĩ rằng để phát huy giá trị của vùng bãi bồi ven biển, cũng như để bảo vệ môi trường thiên nhiên bền vững, đồng thời để hạn chế và chấm dứt tình trạng bắt trộm sò huyết khoanh nuôi, cá tôm… phòng ngừa đối với loại tội phạm này thì cần phải có chính sách phát triển kinh tế bền vững hài hòa vừa bảo tồn được giá trị khu vực Bãi bồi vừa giải quyết căn cơ chính sách xã hội của các cấp các ngành quan tâm.

Bài học kinh nghiệm được rút ra từ công tác phối hợp đó là công tác phối hợp phải được duy trì thường xuyên, đồng bộ, kịp thời và đúng pháp luật, đúng chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành.  Đối với Viện kiểm sát vừa là nhiệm vụ, là trách nhiệm góp phần chống oan sai và không để bỏ lọt tội phạm, góp phần ổn định chính trị địa phương.

                                 Phạm Thị Hồng Yến

                                                                   VKSND huyện Năm Căn

Phải làm gì khi không đòi được tiền theo quyết định của Tòa án?

Theo Quyết định của Tòa án thị xã N (tháng 3/2016) thì bà T phải trả cho tôi số tiền: 50 triệu đồng. Đến nay, bà T chưa trả cho tôi đồng nào. Vậy tôi phải gửi đơn đến cơ quan nào để được giải quyết? Hiện bà T vẫn ở nơi cư trú nhưng tài sản bà đã tẩu tán hết. Tôi có thể khởi kiện bà T được không?

Điểm mới của tội Cố ý gây thương tích theo quy định của BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) - So với quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 thì quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đã rõ ràng cụ thể hơn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang