VKSND cấp cao tại Đà Nẵng: Hai năm nhìn lại

19/06/2017 05:29

(kiemsat.vn)
Sau hai năm đi vào hoạt động, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đa số các chỉ tiêu công tác của đều đạt và một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, nổi bật nhất là công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm.

1. VKSND cấp cao tại Đà Nẵng qua 2 năm hoạt động

Cùng với VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/6/2015, tiền thân là Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (gọi tắt là Viện Phúc thẩm 2). Cơ cấu tổ chức gồm Ủy ban kiểm sát, 03 Viện nghiệp vụ: Viện THQCT và kiểm sát giải quyết án hình sự (Viện 1), Viện kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Viện 2), Viện kiểm sát việc giải quyết án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Viện 3) và Văn phòng. Phạm vi địa hạt công tác kiểm sát trải dài trên địa bàn 12 tỉnh miền Trung- Tây nguyên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk).

Số lượng công chức, người lao động những ngày đầu mới thành lập là 33 đồng chí. Sau 2 năm hoạt động đến nay tăng lên 63 đồng chí, trong đó có 20 Kiểm sát viên (KSV) cao cấp; nguồn công chức đơn vị đa số từ các VKSND địa phương được điều động về.

Trụ sở VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

Do đơn vị mới được thành lập nên VKSND cấp cao tại Đà Nẵng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo VKSND tối cao về tổ chức bộ máy và hoạt động, nguồn kinh phí, chuyên môn nghiệp vụ.

Ngay sau khi mô hình VKSND cấp cao đi vào hoạt động, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-VKSTC-V15 ngày 20/7/2016 về việc thành lập bộ máy làm việc của VKSND cấp cao; tiếp đến là Quyết định số 26/QĐ-VKSTC-VC ngày 20/11/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao làm cơ sở pháp lý, khoa học cụ thể cho việc tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. Để giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất lớn từ VKSND tối cao chuyển về và đây cũng là thẩm quyền mới của VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tối cao cũng đã sớm quan tâm ban hành Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 8/3/2016 về tăng cường công tác quản lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại các VKSND cấp cao, trong đó yêu cầu các VKSND cấp tỉnh tăng cường KSV, Kiểm tra viên cho các VKSND cấp cao dưới hình thức biệt phái có thời hạn.

Trên cơ sở đó, VKSND 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Trung – Tây Nguyên đã tăng cường cho VKSND cấp cao tại Đà Nẵng được 31 công chức biệt phái làm việc tối đa trong thời gian 02 năm để giải quyết những đơn giám đốc thẩm, tái thẩm phát sinh trước ngày 01/6/2015 tại địa phương; Đến nay, đã giải quyết được trên 90% số đơn thụ lý, giải quyết (gồm kháng nghị, không kháng nghị hoặc trả lời Tòa án đã thụ lý, giải quyết đơn…). Qua đó cũng đã đóng góp tích cực cho VKSND cấp cao tại Đà Nẵng trong việc giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm(*) .

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã tạo điều kiện, khuyến khích các VKSND cấp cao tổ chức hội thảo chuyên đề, như Hội thảo về “kỹ năng giải quyết đơn, án giám đốc thẩm, tái thẩm” do VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức tháng 11/2015, Hội nghị chuyên đề về “một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác ban hành quyết định hành chính và kiểm sát giải quyết án hành chính khu vự miền Trung – Tây Nguyên” do VKSND tại Đà Nẵng tổ chức tháng 2/2017… là những hội thảo rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong công tác của VKSND cấp cao. VKSND tối cao phân công 01 Lãnh đạo Viện trực tiếp lãnh đạo công tác của 03 VKSND cấp cao, tăng cường các cuộc giao ban định kỳ 03 VKSND cấp cao để nắm sát tình hình, kết quả công tác và chỉ đạo kịp thời…

Trong mối quan hệ với VKSND địa phương, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với VKSND 12 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, giải quyết nhanh chóng kịp thời chính xác những trường hợp thỉnh thị nghiệp vụ; trong công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bên cạnh việc tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao và sự phối hợp công tác của VKSND 12 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã có rất nhiều nỗ lực cố gắng, nêu cao tinh thần quyết tâm. Do ý thức nhiệm vụ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm là khâu công tác mới, với khối lượng công việc nhiều nhất và rất quan trọng, phức tạp, nên ngay từ đầu năm 2016, 2017 đơn vị đã chọn “khâu đột phá” trong năm công tác là “Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Sau 02 năm đi vào hoạt động, trong thời gian từ (01/6/2015) đến ngày 31/3/2017, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã đạt được kết quả đáng khích lệ:
– Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án phúc thẩm: Tổng thụ lý: 971 vụ, việc, đã giải quyết: 810 vụ, việc

– Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm: Tổng thụ lý: 310 vụ việc, đã giải quyết: 216 vụ việc

– Công tác thụ lý, giải quyết đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: Tổng số đơn, công văn VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý giải quyết: 3.843 đơn/2.472 việc đã giải quyết: 2.325 đơn/1.315 việc.

Như vậy, đa số các chỉ tiêu công tác đều đạt và một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, thành tựu nổi bật nhất (cũng là khâu công tác đột phá) của đơn vị là công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù mới tiếp nhận nhiệm vụ mới, song đơn vị giải quyết đạt tỷ lệ lên đến trên 50% (các VKSND cấp cao khác cũng đạt trên 50% tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm).

Với những kết quả trên, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ: “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” trong năm 2015 và năm 2016 được nhận cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” do Viện trưởng VKSND tối cao tặng. Từ kết quả hoạt động của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cho thấy, chủ trương cải cách tư pháp trong việc thành lập và đi vào hoạt động của mô hình VKSND cấp cao bước đầu đã thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả cao, giải quyết được khối lượng rất lớn công việc, đặc biệt là đơn giám đốc thẩm, tái thẩm khi phân vùng, phân định cụ thể trách nhiệm về cho các VKSND cấp cao, TAND cấp cao.

2. Những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị

Thuận lợi

Môi trường làm việc của VKSND cấp cao có tính chuyên môn sâu, ổn định lâu dài, công chức trong đơn vị có điều kiện tiếp xúc, giải quyết nhiều loại án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật ở nhiều cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của nhiều cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có nhiều loại án rất phức tạp, khối lượng hồ sơ hàng chục ngàn bút lục. Qua đó các đồng nghiệp sẽ thực sự được tôi luyện “giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật”, trình độ, năng lực công tác chuyên môn sẽ được tích lũy, nâng cao lên rất nhiều.

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là mô hình mới được thành lập và đi vào hoạt động nên đơn vị nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất của lãnh đạo và các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao.

Cơ chế thi tuyển KSV theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014 tạo điều kiện cho VKSND cấp cao có được nguồn KSV sơ cấp, trung cấp tại chỗ (đối với những đồng chí đã làm việc tại VKSND cấp cao trong thời gian dài từ chuyên viên lên Kiểm tra viên, KSV sơ cấp, KSV trung cấp thì có thể được xét tham gia thi tuyển chọn và bổ nhiệm KSV cao cấp).

Khó khăn

Về công tác chuyên môn: Công tác thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và công tác THQCT và kiểm sát xét xử giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm là công tác mới, rất phức tạp đối với nhiều công chức đơn vị, nhiều đồng chí trước đây công tác tại VKSND địa phương chưa từng làm công tác này, nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng ban đầu trong quá trình giải quyết.

Theo lịch xét xử phúc thẩm xử lưu động tương đối dày đặc của TAND cấp cao tại Đà Nẵng mỗi đợt xét xử liên tục tại 02 đến 03 tỉnh miền Trung- Tây nguyên (trung bình từ 20 – 30 vụ kéo dài một tuần hoặc 10 ngày, trong đó xét xử tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm), một KSV cao cấp được phân công phải tham gia tất cả những phiên tòa nói trên. Trong khi đó mỗi loại án có yêu cầu, đòi hỏi riêng về tố tụng, nội dung quan hệ tranh chấp cũng rất đa dạng, phức tạp, theo từng lĩnh vực chuyên ngành riêng, nên một KSV tham gia tất cả các phiên tòa nói trên vừa nhiều (trong khi đó về phía Tòa án có 3 Thẩm phán chia 3 số lượng án cho mỗi Thẩm phán giải quyết và còn có thư ký giúp việc), vừa đa dạng các loại án, nên khó bảo đảm tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực kiểm sát.

Trong mối quan hệ công tác giữa VKSND tối cao – VKSND cấp cao – VKSND cấp tỉnh chưa phân định rõ trong giai đoạn xét xử trường hợp nào VKSND cấp tỉnh thỉnh thị xin đường lối giải quyết án lên VKSND cấp cao, trường hợp nào thỉnh thị lên VKSND tối cao, trường hợp nào VKSND tối cao kiểm tra hoạt động của VKSND cấp tỉnh, trường hợp nào VKSND cấp cao kiểm tra hoạt động của VKSND cấp tỉnh trong phạm vi địa hạt tư pháp dễ dẫn đến chồng lấn công việc và thực tế đã xảy ra điều đó.

Về công tác nhân sự: Số lượng công chức, người lao động trong đơn vị còn quá khiêm tốn lúc đầu chỉ có 33 người, mà đặc thù có tính khắt khe về nguồn công chức của đơn vị yêu cầu đa số phải là những công chức, KSV có kinh nghiệm, đã từng trải qua nhiều vị trí công tác ở địa phương, qua nhiều khâu công tác từ THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự, đến kiểm sát giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động (do xuất phát từ nhiệm vụ giải quyết các loại án ở giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của đơn vị là những giai đoạn sau của quá trình tố tụng, nên cần người làm việc phải trải qua thời gian làm việc ở giai đoạn đầu: giai đoạn sơ thẩm để nắm được qui trình công việc) nên đa số phải tuyển chọn từ nguồn VKSND địa phương, nhưng nhiều VKSND địa phương hiện nay cũng thiếu người, nhất là những công chức có năng lực, kinh nghiệm công tác, nên việc cung cấp nguồn nhân lực cho VKSND cấp cao sẽ nhiều khó khăn.

Về điều kiện làm việc: Trụ sở VKSND cấp cao tại Đà Nẵng hiện nay được tiếp quản từ trụ sở Viện THQCT và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng, được thiết kế cho số lượng khoảng 30 – 40 người làm việc theo mô hình cũ, mô hình mới với khối lượng công việc tăng gấp ba, số lượng định khung biên chế 130 người, hiện nay có 63 người, nên nhiều phòng làm việc khoảng 15m2, nhưng phải chứa đến 03 người, vì vậy trụ sở làm việc ngày càng quá tải khi tiếp tục tiếp nhận thêm công chức mới, ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện làm việc, chất lượng công tác.

Phương tiện phục vụ công việc: Hiện na, số lượng ô tô công còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu công việc, điều kiện công tác, đặc biệt mỗi đợt xét xử lưu động phải huy động 03 xe đi các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên địa hình hiểm trở, trải dài, nơi xa nhất trên 500km trong thời gian 1 tuần đến 10 ngày.

Giải pháp củng cố, kiện toàn mô hình VKSND cấp cao

Qua thực tiễn 02 năm hoạt động, trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố và tăng cường mô hình này thông qua những giải pháp cơ bản sau:

– Xây dựng quy chế về mối quan hệ giữa VKSND tối cao – VKSND cấp cao – VKSND cấp tỉnh trong hoạt động nghiệp vụ để phân định rạch ròi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tránh sự trùng lắp, nhất là trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, quy định rõ trường hợp nào VKSND cấp tỉnh thỉnh thị lên VKSND cấp cao, trường hợp nào VKSND cấp tỉnh thỉnh thị lên VKSND tối cao; trường hợp nào VKSND tối cao kiểm tra hoạt động của VKSND cấp tỉnh, trường hợp nào VKSND cấp cao kiểm tra hoạt động của VKSND cấp tỉnh. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của VKSND cấp dưới trong việc phát hiện, báo cáo kịp thời những vi phạm của Tòa án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xử lý kịp thời.

– Cần có giải pháp đột phá trong xây dựng hệ thống nhà công vụ với đầy đủ tiện nghi, chất lượng cao, đa dạng cho từng cấp Kiểm sát viên và cần có thêm chế độ đãi ngộ thích đáng khác.

– Có cơ chế tuyển mới một số công chức là những cử nhân Luật tốt nghiệp loại khá, giỏi từ những trường Đại học Luật có uy tín, có định hướng phát triển lâu dài lực lượng công chức trẻ này. Sau khi được bổ nhiệm KSV sơ cấp, KSV trung cấp cần tăng cường xuống một số địa phương để trực tiếp tham gia THQCT, kiểm sát xét xử tại các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để làm nguồn tại chỗ cho việc bổ nhiệm KSV cao cấp sau này.

– Tăng cường phối hợp với Toà án nhân dân cấp cao tổ chức nhiều phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp để các đồng chí trong đơn vị tham gia góp ý, học tập, phân tích đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử.

– Tạo điều kiện tiền đề về cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động của mô hình VKSND cấp cao, đề nghị VKSND tối cao cần có cơ chế chính sách ưu tiên đặc biệt cho các VKSND cấp cao, trong đó có VKSND cấp cao tại Đà Nẵng về việc khẩn trương xây dựng trụ sở mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại… vì đây là mô hình mới được thành lập, còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng lại có vai trò vị trí rất quan trọng trong hệ thống VKSND.

(*) Hiệu quả của công tác biệt phái công chức để giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tại các VKSND cấp cao. Tạp chí Kiểm sát số 05/2017.

Ths. Thái Văn Đoàn
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang