Vĩnh biệt “bà đỡ” của nền tài chính cách mạng Việt Nam ngày đầu độc lập

07/11/2017 09:52

(kiemsat.vn)
– 23:32’ ngày 05/11/2017, cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người được nhiều người gọi thân thiết là “bà đỡ” của nền tài chính cách mạng trong những ngày đầu Việt Nam giành độc lập đã qua đời, hưởng thọ 104 tuổi.

Ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang

Khi biết phong trào Việt Minh, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã quyên góp tiền và đứng ra ủng hộ để cống hiến cho Nhà nước. Từ đó ngôi nhà số 48 Hàng Ngang trở thành cơ sở hoạt động bí mật, đảm bảo an toàn cho cán bộ cách mạng hoạt động. Theo cụ Trịnh Văn Bô, để tránh bị phát hiện và soi mói, người của Việt Minh ra vào ngôi nhà này đều đóng giả là người mua hàng tơ lụa, vải sợi như người đi buôn. Vì thế mà các thế lực thù địch không thể ngờ được, tiệm kinh doanh buôn bán vải, tơ, lụa của gia đình Trịnh Văn Bô lại là nơi tập kết của Việt Minh.

Vĩnh biệt cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Tuổi trẻ

Ngày 21/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình cụ Trịnh Văn Bô chăm lo chỗ ăn ngủ chu đáo. Đến ngày 24/8, ông Trường Chinh gặp cụ Hoàng Thị Minh Hồ nói: “Chị thu xếp chỗ ở, có ông cụ ở quê lên chơi”. Cảm nhận đây là việc quan trọng, gia đình cụ thu xếp chỗ ở chuẩn bị đón khách. Đến 6 giờ chiều cùng ngày, ông cụ cùng hai người nữa đi lối 35 Hàng Cân vào nhà (mặt sau ngôi nhà quay sang phố Hàng Cân), rồi lên căn phòng gác ba, nơi cụ Minh Hồ đã chuẩn bị sẵn. Chiếc giường ngủ của hai cụ được nhường lại cho “ông cụ ở quê lên” nằm nghỉ. Nghỉ được 3 tối, Bác xuống ở tầng 2 vừa là nơi làm việc, vừa là nơi nghỉ của các đồng chí ở Trung ương Đảng cho gần gũi với mọi người. Suốt 1 tháng 3 ngày (từ ngày 24/8 đến 27/9), gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Sau này Bác Hồ xúc động bày tỏ: “Gia đình cô là ân nhân của cách mạng”.

Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ ngày trẻ (tư liệu gia đình cụ Trịnh Văn Bô)

Năm 1970, ngôi nhà được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp ứng tình cảm của nhân dân dành cho Bác và đến năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia. Tầng 2 của ngôi nhà được giữ nguyên làm khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến thời gian làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang được rất nhiều các cá nhân, tổ chức đến tham quan, tìm hiểu về những ngày Bác sống và làm việc tại đây, tìm hiểu di tích gắn với sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.

Hiến hơn 5000 cây vàng cho cách mạng

Tính từ ngày trước khởi nghĩa, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 8 vạn rưỡi đồng Đông Dương trị giá 212,5 lạng vàng. Đến ngày tổng khởi nghĩa, được vinh dự bầu vào Ban vận động Quỹ Độc lập, cụ Hoàng Thị Minh Hồ tiếp tục ủng hộ 20 vạn đồng tương đương với 500 lạng vàng, vận động cho quỹ được hơn 1 triệu đồng Đông Dương.

Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam – Ảnh: tư liệu gia đình cụ Trịnh Văn Bô

Nhân dịp mừng thọ cụ Hoàng Thị Minh Hồ tròn 100 tuổi năm 2013, Bộ Tài Chính đã tổ chức Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam. Tại Hội thảo, ông Trịnh Cần Chính (con trai thứ 6 của cụ Trịnh Văn Bô) đã chia sẻ “Khi nghe Bác Hồ sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập và phong trào Tuần lễ vàng vợ chồng bà đã ủng hộ 117 lạng vàng, tiếp tục vận động trong giới công thương được thêm 4 nghìn lạng. Cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình nhà tôi đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng”.

Khi nước nhà độc lập, toàn bộ ngân khố của Chính phủ chỉ có hơn 1,2 triệu đồng Ðông Dương, trong đó rất nhiều tờ bạc rách nát khó lưu thông. Theo các tài liệu ghi nhận, trước và sau khi thành lập nước, riêng gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Cách mạng lượng vàng tương đương 2 triệu đồng Ðông Dương. Nhiều người đã nói đùa cụ Hoàng Thị Minh Hồ là “bà đỡ” của nền tài chính cách mạng Việt Nam, là “Bộ trưởng tài chính” của Việt Minh.

Được Bác Hồ đặt tên Là con gái nhà nho yêu nước Hoàng Đạo Phương, bà Hồ có tên khai sinh là Hoàng Thị Hồ. Khi làm dâu gia đình cụ Trịnh Văn Bô, bà quen được gọi là bà Bô, theo tên chồng. Tại 48 Hàng Ngang, có lần được Bác hỏi tên, bà Hồ đáp: “Thưa Bác, cháu là Trịnh Văn Bô ạ”. Bác cười: “Trịnh Văn Bô là tên chú, Bác biết rồi. Bác muốn hỏi tên của cô”. “Dạ, cháu là Hoàng Thị Hồ”. Bác nói: “Cháu là người thông minh, tham gia việc nước, đảm đang việc nhà. Cháu nên đệm thêm chữ “Minh” trước tên của mình”. Bà Hồ vâng lời, cải tên là Hoàng Thị Minh Hồ như hiện nay.

Sơn Tùng

Tài liệu tham khảo>>>

  1. Ban Quản lý Di tích – danh thắng Hà Nội: phòng trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang – nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập”
  2. Các tham luận của PGS.TS Phạm Xanh, Đại tá, TS. Trần Văn Thức, TS. Đinh Quang Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế … trong Tọa đàm khoa học: Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam
  3. Tư liệu cá nhân của ông Trịnh Cần Chính (con trai thứ 6 của cụ Trịnh Văn Bô).

Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác Kế hoạch – Tài chính ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017

(Kiemsat.vn) - Ngày 08/8/2017, tại thành phố Ninh Bình, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác Kế hoạch - Tài chính ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị.

Những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Kiemsat.vn) - Mỗi cán bộ Kiểm sát cần có trình độ khoa học pháp lý, trình độ nghiệp vụ, nhưng trước hết phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có cái tâm trong sáng, luôn thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang