Vị “Tướng già” năm xưa…

21/07/2017 08:33

(kiemsat.vn)
Cái mà ông truyền cho chúng tôi là lòng yêu ngành nghề, ý chí tiến công dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, dám làm và tự chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của bản thân.

Chuẩn bị Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, Lãnh đạo VKSND tỉnh Nghệ An quyết định viết cuốn Lịch sử ngành kiểm sát tỉnh. Tôi vinh dự được Lãnh đạo Viện cử vào tổ biên soạn.

Tổ biên soạn chúng tôi toàn là người hậu sinh, phải gặp gỡ, phỏng vấn, lấy tư liệu, gặp các nhân chứng lịch sử… nhất là những lớp người “đi mở cõi” từ những năm sáu mươi. Chúng tôi lên Nghĩa Đàn gặp ông Trần Mạnh Quỳ, nguyên Viện trưởng VKSND huyện Nghĩa Đàn, nổi tiếng một thời ở miền Tây xứ Nghệ.

Do có điện báo trước nên khi chúng tôi đến ông đã đứng sẵn ở cổng chờ. Vẫn xềnh xoàng như xưa thôi. Nhà cửa chật chội. Ông pha nước mời chúng tôi, giở cuốn sổ ông viết và nói: Vào cuối năm 1961 tôi được tổ chức điều động từ Công an vũ trang về VKSND huyện Nghĩa Đàn. Lúc bấy giờ đồng chí Trương Văn Pháp là Viện trưởng, tôi là cán bộ duy nhất của Viện. Cuối năm 1963 đồng chí Pháp chuyển lên VKSND huyện Quỳ Hợp thì tôi thay đồng chí Pháp đảm nhận chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Nghĩa Đàn, đến 1989 tôi về nghỉ hưu theo chế độ. Đã bảy mươi ba tuổi đời, hai mươi sáu năm làm Viện trưởng, có biết bao chuyện buồn vui.

Còn nhớ là vào đầu năm 1971, Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát và các ban ngành của huyện Nghĩa Đàn nhận được nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo Hoàng Hường, Dương Kính (là chủ nhiệm và kế toán trưởng) ở HTX Quy Mô 1 – xã Nghĩa Khánh – huyện Nghĩa Đàn có hành vi khai khống các nhân khẩu đi khai hoang từ Hưng Nguyên lên vùng này để tham ô. Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện cử 3 đoàn của 3 ngành là lương thực, nông nghiệp, thanh tra vào kiểm tra HTX này nhưng không phát hiện được vi phạm. Sau khi các đoàn kiểm tra này kết luận thì đơn thư lại nhiều gấp bội, sự bất bình và khiếu nại trong đơn thư lại càng gia tăng. Lúc bấy giờ đồng chí Nguyễn Lê Bân – Bí thư Huyện uỷ mời tôi sang. Đồng chí Bân nói với tôi “Bây giờ phải mời tướng Quỳ vào trận. Huyện uỷ giao cho VKS vào kiểm tra HTX này và phải kết luận rõ vấn đề. Quần chúng gửi đơn nhiều, có nhiều điểm cụ thể, không thể không có vi phạm”. Tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là được cấp uỷ tin tưởng, nhưng lo là 3 đoàn vào kiểm tra đã xới tung hồ sơ, xác minh, kết luận không có vi phạm, nay kiểm sát vào cuộc liệu có phát hiện được gì thêm. Ngay tại buổi làm việc đó tôi có đề xuất với đồng chí Bí thư trưng cầu một số chuyên viên ở các ban, ngành của huyện; cụ thể cá nhân nào do tôi lựa chọn, đồng chí Bí thư nhất trí.

Ngoài cán bộ ngành kiểm sát tôi chọn 3 cán bộ có năng lực tài chính tham gia đoàn kiểm tra. Thế là đoàn kiểm sát được thành lập. Ngay ngày hôm sau tôi dẫn đoàn đến xã Nghĩa Khánh tổ chức họp Đảng bộ, nhân dân, ra mắt Đoàn kiểm tra, đồng thời tuyên bố và thực hiện việc thu sổ sách, tài liệu, niêm phong quỹ tiền mặt. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đoàn đã vận động quần chúng nhân dân tiếp tục tố cáo, thu hồi một số sổ sách mà Hường và Kính cất giấu, đi sâu xác minh cụ thể người đi phải khai hoang và số tài sản HTX nhận, phát hiện 2 đối tượng này khai man 58 hộ (gồm 157 nhân khẩu) đi khai hoang, tham ô 5.929,1 kg gạo, 17 con trâu bò, 19 chiếc chum và nhiều tài sản khác. Mặc dù chứng cứ và vi phạm đã rõ nhưng Hường, Kính không chịu nhận sai phạm, tiếp tục làm đơn gửi Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, VKS tỉnh cho rằng tôi kết luận oan, sai. Qua nhiều lần kiểm tra lại, Tỉnh uỷ và VKS tỉnh thống nhất với kết luận của VKS huyện. Sau đó, VKS huyện khởi tố vụ án hình sự để cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Một thời gian sau Toà án nhân dân tỉnh xử phạt Hường 3 năm, Kính 2 năm tù giam về “tội tham ô tài sản XHCN”.

Ông nói: “Lúc bấy giờ là cuộc chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn khốc liệt, vào năm 1968. Có một vụ án liên quan đến thời chiến. Đó là vụ Lê Minh Liên ở xã Nghĩa Hội – huyện Nghĩa Đàn phạm tội “tuyên truyền phản cách mạng”. Liên là người theo đạo Thiên chúa giáo, nguyên là đội trưởng của HTX Đồng Trường. Do thiếu minh bạch trong chấm công lao động và ăn chia sản xuất nên Liên bị xã viên phế truất chức đội trưởng, bầu đồng chí Ngại lên thay. Từ đó Liên bất mãn ra mặt và ra sức tuyên truyền phản động. Liên đưa ra một số câu hỏi và tự trả lời có tính chất xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Hậu quả là một bộ phận nông dân ở Nghĩa Hội và một số xã thiếu tin tưởng vào sự tồn tại và hoạt động của HTX nói chung và cán bộ nói riêng, gây hoang mang và nghi ngờ trong nội bộ nhân dân… Trước tình hình đó tôi đề nghị cơ quan công an triệu tập Liên lên làm việc để hỏi rõ việc làm của bản thân y. Đồng thời tôi trực tiếp đạp xe về xã Nghĩa Khánh lấy lời khai 15 nhân chứng, phản ánh rõ luận điệu tuyên truyền của Liên. Sau khi có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự, tôi đề nghị VKS tỉnh ra lệnh bắt giam Liên và chuyển hồ sơ về tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Vào cuối năm 1968 vụ án được xử lưu động ngay tại quê của Liên, mức án dành cho y là 3 năm tù giam. Tình hình xã Nghĩa Hội trở lại yên ổn, bà con vừa đào hầm trú ẩn, vừa hăng hái sản xuất phục vụ tiền tuyến”.

Vào giữa năm 1981, VKSND huyện Nghĩa Đàn nhận được đơn thư quần chúng phản ánh một đồng chí cán bộ huyện có hành vi cố ý làm trái và tư lợi. Lợi dụng là cán bộ lãnh đạo, ông này mua nhiều hàng như sắt, thép, xi măng, gỗ với giá bao cấp để xây nhà 2 tầng cho bản thân. Sau khi báo cáo và được sự thống nhất của Thường trực Huyện uỷ, VKSND huyện kiểm sát tại chỗ UBND huyện về việc thực hiện quản lý vật tư, tiền vốn. Kết quả kiểm sát phát hiện nhiều vi phạm trong việc quản lý kinh tế tài chính của người cán bộ nọ, nên VKS kiến nghị HĐND huyện bãi miễn chức vụ của ông ta. Cái khó của vụ việc này không phải ở phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm mà ở chỗ dám vào kiểm sát, không nể nang, hữu khuynh; khi phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Trước, trong và sau khi kiểm sát có nhiều ý kiến “chặn đường”, không cho làm, không xử lý. Khi thấy thái độ tôi làm kiên quyết thì quay sang ngọt nhạt, mua chuộc. Tất cả cái đó không làm lung lay ý chí của tôi. Rất hạnh phúc các anh ạ, hồi đó hễ có việc gì phức tạp, nghiêm trọng hoặc cần tham mưu về mặt pháp luật thì Huyện uỷ đều yêu cầu VKS trực tiếp giải quyết hoặc có chính kiến. Hai mươi sáu năm làm Viện trưởng, vụ việc còn nhiều, tôi chỉ kể những vụ còn nhớ kỹ”.

Thấy ông còn rất vui chuyện tôi mạnh dạn hỏi “Thế thành tích của đơn vị và cá nhân ông như thế nào?”. Ông không muốn trả lời mà nói qua quýt “Lâu ngày tôi không nhớ rõ nữa”. Anh Vũ Trọng Đoàn – Phó Viện trưởng VKSND huyện Nghĩa Đàn có mặt hôm đó xen vào: “Trong thời kỳ ông Quỳ làm Viện trưởng đơn vị 8 năm đạt danh hiệu tổ đội lao động XHCN, trong đó năm 1985 là lá cờ đầu của ngành kiểm sát tỉnh Nghệ An. Riêng ông Quỳ 8 năm được VKSND tối cao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua; vào các năm 1972, 1974, 1976 ông được đi báo cáo điển hình toàn quốc tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành”. Khi nói về chế độ dành cho những người ở thế hệ ông, anh Đoàn đầy băn khoăn: “Ngày ông Quỳ về hưu không dành cho mình một đặc quyền gì riêng, không bàn, không ghế, không giường tủ, mặc dầu ở trên địa bàn giàu lâm sản như Nghĩa Đàn. Chia tay ông về nghỉ, anh em “tậu” một con gà, cút rượu, bác – cháu, anh – em liên hoan ôn kỷ niệm nhiều năm chung sống với nhau. Ông dặn dò các đồng nghiệp đương nhiệm phải giữ vững chức năng, nhiệm vụ của ngành và bản lĩnh của người kiểm sát. Điều day dứt của ông trước khi nghỉ là chưa xây được trụ sở làm việc 2 tầng cho đơn vị. Thực ra hồi đó ngành đã phê duyệt kế hoạch xây dựng cơ bản cho VKS Nghĩa Đàn, nhưng có đơn vị bạn trụ sở làm việc quá tạm bợ nên ông nhường cho đơn vị bạn thực hiện trước”.

Tôi hỏi ông “Thế từ ngày về hưu đến nay ông có tham gia hoạt động ở địa phương không”. Ông tươi cười, vui vẻ đáp: “Tôi làm nhiều việc, mấy năm đầu làm Chi hội trưởng hội bảo thọ xóm Trung cấp – xã Nghĩa Hoà, từ 1995 đến nay là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nghĩa Hoà, kiêm chấp hành Ủy ban mặt trận tổ quốc xã. Về công tác Đảng hiện là Phó ban kiểm tra Đảng của Đảng bộ xã. Từ năm 1993 đến năm 2000, Hội người cao tuổi của Nghĩa Hòa năm nào cũng đạt đơn vị xuất sắc, được UBND huyện tặng giấy khen, Ủy ban MTTQ tỉnh cấp bằng khen cho đơn vị từ 1998 đến nay. Còn sức thì còn đóng góp chút ít cho cuộc đời. Hết giờ làm việc thì về với gia đình, vui vẻ cùng con cháu. Mừng là các con của tôi đều trưởng thành, đều là công dân tốt, trong đó có 2 cháu là cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thế hệ chúng tôi không có điều kiện học hành như bây giờ, chủ yếu là vừa làm, vừa học. Thế hệ các anh được đào tạo cơ bản, qua trường lớp chính quy, hiệu quả công tác đạt cao hơn…”.

Thấm thoát hơn 3 tiếng đồng hồ, được trò chuyện với ông mà tôi ngỡ mình đang ngồi trước mặt một vị “tướng già”, với đôi mắt quắc thước, nghiêm nghị, tuy tuổi cao nhưng giọng ông vẫn còn thanh trong, sang sảng. Cái mà ông truyền cho chúng tôi là lòng yêu ngành nghề, ý chí tiến công dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, dám làm và tự chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của bản thân.

Khi viết những dòng này lòng tôi trào lên cảm xúc gửi về ông: Thưa ông, trong cuộc chạy tiếp sức này, chúng cháu rất may mắn và hạnh phúc được tiếp bước truyền thống của những người ở thế hệ đầu tiên của ngành, đã xây dựng ngành với nền móng vững chắc, rất đỗi tự hào – thì dẫu còn khó khăn, gian khổ, thậm chí còn khuyết điểm, nhưng thế hệ chúng cháu xin hứa sẽ phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin và công sức của lớp người đi trước./.

Trần Thanh Thủy

VKSND tỉnh Nghệ An

Trích “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành KSND” – VKSNDTC – 2010

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang