“Vị thuyền trưởng vượt khó” của VKSND huyện vùng biên Mèo Vạc

20/09/2017 08:19

(kiemsat.vn)
28 năm trong ngành Kiểm sát, cũng từng ấy năm gắn bó với các huyện vùng cao Hà Giang, biết bao nhiêu kỷ niệm gắn liền với mảnh đất vùng biên này, nhưng với Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc Trần Ngọc Ánh thì kỷ niệm đặc biệt sâu sắc mà tới giờ vẫn không thể quên là chuyến công tác đầu tiên khi anh mới bén duyên với nghề.

Thời điểm cuối năm 1989, khi mà chiến sự vùng biên giới vẫn còn đang diễn ra, chàng Kiểm sát viên trẻ Trần Ngọc Ánh – sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, vừa tốt nghiệp trường CĐ Kiểm sát Hà Nội được phân công công tác tại ngành Kiểm sát tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang), được VKSND tỉnh Hà Tuyên điều động lên VKSND huyện Đồng Văn công tác.

Lúc bấy giờ, nơi đây, điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, trong khi nơi công tác lại xa trung tâm tỉnh lỵ và gia đình hơn 300km nhưng với tình yêu nghề, yêu ngành và tinh thần trách nhiệm, chàng Kiểm sát viên trẻ ấy đã làm quen, thích nghi và hoà nhập với cuộc sống người đồng bào vùng cao.

Với Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc Trần Ngọc Ánh, kỷ niệm đặc biệt sâu sắc là chuyến công tác đầu tiên khi anh mới bén duyên với nghề.
Với Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc Trần Ngọc Ánh, kỷ niệm đặc biệt sâu sắc là chuyến công tác đầu tiên khi anh mới bén duyên với nghề.

Kỷ niệm ban đầu khó quên!

Hồi tưởng lại thời kỳ đầu “bén duyên” với ngành Kiểm sát, một chuỗi những kỷ niệm, vui có, buồn có nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên với KSV Trần Ngọc Ánh mỗi khi nhắc tới.

Đó là, sau khi nhận công tác 01 tuần tại VKSND huyện Đồng Văn (một trong bảy huyện biên giới của tỉnh Hà Tuyên lúc bấy giờ), KSV Trần Ngọc Ánh được đồng chí Lăng Đức Quang – khi ấy là Kiểm sát viên phụ trách đơn vị cử đi kiểm sát việc tuân theo pháp luật về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (ngày 20/11/1989).

Ngày đầu công tác trong thời tiết giá rét và sương mù giăng dày đặc, đi vội đôi dép tông lỳ men theo đường mòn trơn trượt, chàng KSV trẻ cùng đoàn công tác, gọi là đoàn cho oai nhưng thực ra chỉ có 02 anh em, đến điểm công tác là UBND xã Sà Phìn (Khu dinh thự nhà Vương bây giờ).

Đến một ngã ba, do trời tối và sương mù, tầm nhìn bị hạn chế nên hai anh em đã không xác định được phương hướng. Hỏi thăm một vài người dân tộc địa phương đi ngang nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên chỉ nhận được câu trả lời là “Chi pâu” (nghĩa là không biết).

Sau khi cân nhắc, đồng chí Quang quyết định chọn một lối mòn dân sinh để đi. Mất 09 giờ đồng hồ, 02 anh em theo đường mòn dân sinh, vượt dốc tổng cộng hơn 30km trong “cái” đói, “cái” rét khắc nghiệt của thời tiết vùng cao, rồi thì nơi cần đến cũng đã đến nơi. Hỏi mọi người mới biết hóa ra 02 anh em đã đi lạc, từ ngã ba đến điểm công tác chỉ còn 4 km nữa thôi (từ ngã ba đến nhà Vương).

Sau những chuyến công tác, Kiểm sát viên Trần Ngọc Ánh đã tự rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm khi sống và làm việc ở các huyện vùng cao, một trong những điều cần thiết đó là cần phải học và hiểu được tiếng địa phương vì người dân tộc thiểu số chiếm phần đa trên các huyện vùng cao; có hiểu, có nói được tiếng người dân nơi đây thì cuộc sống và công việc tại vùng biên giới mới thuận lợi.

Xứng đáng là “Vị thuyền trưởng”

Gần 30 năm hoạt động trong ngành và gặp không biết bao nhiêu khó khăn trong nghề, KSV Trần Ngọc Ánh – Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc đã đúc rút cho bản thân mình nhiều kinh nghiệm làm việc.

Đặc biệt để xây dựng ngành, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao thì theo anh ngoài bản thân mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải có quyết tâm cao, tự khắc phục những khó khăn, thì sự gắn kết tập thể thành một khối thống nhất là quan trọng.

Các cán bộ VKSND huyện Mèo Vạc trực tiếp kiểm sát Kế hoạch việc thi hành án phạt tù tại UBND xã Thượng Phùng, năm 2017.

Để được vậy, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở đơn vị, đảm bảo công khai minh bạch, xây dựng một nội bộ đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tập thể, là lãnh đạo phải gương mẫu về mọi mặt từ trong công tác lẫn trong sinh hoạt, tạo được lòng tin và uy tín đối với anh em trong đơn vị.

Đối với các huyện vùng cao, phải hiểu được phong tục tập quán của người địa phương, cố gắng học tiếng địa phương, phục vụ cho công tác cũng như sinh hoạt. Vì nhận thức của người dân tộc địa phương còn thấp nên việc am hiểu pháp luật còn hạn chế, rất dễ bị tác động bởi những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, tuyên truyền dụ dỗ của những phần tử xấu. Việc am hiểu phong tục tập quán cũng như ngôn ngữ, lối sống của người dân tộc địa phương phần nào giúp ích trong việc nắm bắt tình hình, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc xảy ra.

Bên cạnh công tác nghiệp vụ, vị thuyền trưởng VKSND huyện vùng biên Mèo Vạc luôn chăm lo đời sống, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Từ những kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân, vị thuyền trưởng ấy luôn trao đổi, truyền đạt lại với anh em cán bộ mới vào ngành, giúp anh em hoàn thiện mình hơn về cả chuyên môn, nghiệp vụ lẫn lối sống, xây dựng cho ngành đội ngũ cán bộ chuyên sâu. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua, tập thể cán bộ VKSND huyện Mèo Vạc đã gắn kết thành một khối thống nhất, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kề vai, sát cánh, chung sức xây dựng nông thôn mới

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, những cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Mèo Vạc còn tích cực làm công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con, vận động bà con tăng gia sản xuất. Trong đó, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Cán Chu Phìn, các cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Mèo Vạc đã quyên góp tiền để giúp người dân mua phân, đạm bón ngô trong vụ mùa.

Trong năm 2016 – 2017, được VKSND tỉnh Hà Giang giao giám sát thi công cung ứng vật liệu để xây dựng nhà lưu trú cho học sinh của trường Tiểu học bán trú dân nuôi xã Cán Chu Phìn và ủy quyền cung ứng vật liệu làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông đi thôn Cán Lủng, xã Cán Chu Phìn, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc Trần Ngọc Ánh, các cán bộ KSV đã phân công, luân phiên nhau hàng tuần trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát việc thi công công trình, và cung ứng vật liệu kịp thời; đến nay, cả 02 công trình đều đã đi vào sử dụng.

VKSND huyện Mèo Vạc cùng chung sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, lãnh đạo Viện kiểm sát huyện Mèo Vạc đã vận động cán bộ, Kiểm sát viên tham gia ngày công lắp đặt hệ thống điện và sơn nhà lưu trú cho 54 học sinh nữ, đảm bảo chất lượng đúng thời gian để các cháu khai giảng năm học mới có thêm chỗ sinh hoạt.

Những kết quả khả quan trên chính là niềm khích lệ, động viên những cán bộ, KSV VKSND huyện Mèo Vạc tiếp tục kề vai, sát cánh cùng Đảng uỷ, chính quyền và quần chúng nhân dân trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.

Dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của “vị thuyền trưởng” Trần Ngọc Ánh, trong những năm qua, VKSND huyện Mèo Vạc đã vinh dự được VKSND tối cao tặng cờ “Tập thể dẫn đầu khối thi đua” trong 02 năm liền, năm 2014 và năm 2015, đồng thời được khen tặng là tập thể xuất sắc năm 2016.

Là tỉnh địa đầu tổ quốc, Hà Giang có 7 huyện biên giới gồm: Vị Xuyên, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Xí Mần và Hoàng Su Phì. Nơi đây, tập trung chủ yếu là người thiểu số với 90% dân số là đồng bào dân tộc H’Mông.Những vụ án phức tạp đã được VKSND tỉnh Hà Giang nói chung và VKSND các huyện biên giới nói riêng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật trong thời hạn luật định, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Huyện Mèo Vạc nói riêng và các huyện biên giới nói chung còn muôn vàn những khó khăn, gian khổ nhưng những thế hệ cán bộ Kiểm sát trên vùng đất này đã kề vai sát cánh cùng các cấp Uỷ Đảng, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương vượt qua mọi thử thách, chông gai để giữ vững an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Loan Bảo

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang