Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (16/10 – 20/10)

21/10/2017 09:25

(kiemsat.vn)
Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong tuần qua.

1. VKSND tối cao kỷ niệm 87 năm ngày Phụ nữ Việt Nam

Ngày 17/10/2017, VKSND tối cao tổ chức Lễ Kỷ niệm 87 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2017). Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao tới dự.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi lễ

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Kiểm sát nhân dân; đại diện Công đoàn viên chức Việt Nam; Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VKSND tối cao.

Toàn cảnh buổi lễ

Tại buổi Lễ, thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể chị em phụ nữ ngành Kiểm sát nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, những thành tích của Viện kiểm sát các cấp đạt được từ khi thành lập Ngành đến nay, có sự đóng góp tích cực của các nữ cán bộ, công chức qua các thời kỳ. Đồng chí mong muốn phụ nữ toàn Ngành sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất và truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; không ngừng học tập nâng cao trình độ, luôn có hoài bão ước mơ và tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri tại TP. Hồ Chí Minh trước thềm kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV

Đồng chí Lê Minh Trí – Ủy viên Trung ương Đảng – Viện trưởng VKSNDTC, cùng các đại biểu thuộc Tổ đại biểu Quốc hội Cụm 6 đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận 5, 10, 11, TP. Hồ Chí Minh để báo cáo Bản Dự kiến nội dung tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV; trả lời những ý kiến đóng góp và kiến nghị của cử tri.  Vien truong VKSNDTC Le Minh Tri tiep xuc cu tri tai TP. Ho Chi Minh truoc them ky hop thu 4, Quoc hoi Khoa XIV - Anh 1

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tại buổi tiếp xúc cử tri

Qua 3 hội nghị tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao Bản Dự kiến nội dung được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV khai mạc vào ngày 23/10/2017 sắp tới. Đã có 18 ý kiến đóng góp của cử tri đề cập đến các vấn đề như: Các công trình BOT (những bất cập trong khâu quản lý, đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng) cử tri kiến nghị Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả các dự án lớn, các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, thất thoát; vấn đề môi trường sống đang bị đe dọa như: nạn lấn chiếm đất rừng, phá rừng; tình trạng thực phẩm bẩn vẫn còn tràn lan trên thị trường, đã đến mức báo động; vấn đề thiếu đồng bộ trong việc quản lý, triển khai các công trình của 3 ngành (điện lực, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông), gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của người dân thành phố (đào lấp đường, dây cáp chằng chịt, gây ngập lụt..); tình trạng lãng phí quỹ đất chung (đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào khai thác sử dụng) tại một số quận, huyện ngoại thành; vấn đề “đội vốn” trong xây dựng tuyến đường Metro, vấn nạn kẹt xe, ngập lụt ở TP. Hồ Chí Minh (nguyên nhân, giải pháp khắc phục); về chính sách trợ cấp cho người cao tuổi tròn 80 tuổi.

Đặc biệt, phần đông ý kiến cử tri bày tỏ trăn trở và bức xúc về vấn nạn tham ô, tham nhũng hiện nay, khi phát hiện sai phạm cần thu hồi toàn bộ số tiền này về nộp ngân sách phục vụ an sinh xã hội; việc quản lý và cơ chế hoạt động của các Ban chỉ đạo khu vực, nhất là một số sai phạm nghiêm trọng của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trong thời gian qua; việc kiểm kê, kê biên tài sản của cán bộ đương chức còn chưa rõ ràng, thiếu công khai, minh bạch. Ngoài ra, còn một số bất cập trong việc sửa đổi, thi hành một số luật, dự luật khi đưa vào áp dụng thực tiễn tại nước ta…

Vien truong VKSNDTC Le Minh Tri tiep xuc cu tri tai TP. Ho Chi Minh truoc them ky hop thu 4, Quoc hoi Khoa XIV - Anh 2 Tổ đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử tri

Phát biểu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí thay mặt tổ Đại biểu Quốc hội cảm ơn cử tri đã có nhiều ý kiến có trách nhiệm, nêu những nội dung không chỉ về dân sinh, chất lượng cuộc sống ở địa phương mà còn đề cập nhiều vấn đề lớn của Đảng và Nhà nước.

3. VKSND tối cao tập huấn công tác văn phòng, tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng năm 2017

Trong hai ngày 19, 20 tháng 10 năm 2017 tại TP Đà Lạt, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn công tác văn phòng, tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng năm 2017. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNMD tối cao, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, VKSQS trung ương, các VKSND cấp cao, VKSQS cấp Quân khu và VKSND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Về phía địa phương có đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đến dự.

Chánh văn phòng VKSNDTC trình bày báo cáo tổng kết công tác văn phòng

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng thường trực Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh, việc tổ chức  Hội nghị toàn ngành về các khâu công tác văn phòng, tổ chức cán bộ và thi đua – khen thưởng là hết sức cần thiết, vì đây là các hoạt động quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự thành công trong công tác của VKSND các cấp. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự tập trung nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ để từ đó đóng góp ý kiến, đề ra các giải pháp, kiến nghị góp phần khắc phục những tồn tại, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng – Vụ trưởng Vụ 3 trình bày tham luận

Báo cáo tóm tắt sơ kết 02 năm thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 tại hội nghị cho thấy trong thời gian vừa qua công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ, xây dựng ngành của ngành Kiểm sát nhân dân bước đầu gặt hái được nhiều thành công. Biên chế toàn ngành đến nay gần đạt chỉ tiêu, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý, rèn luyện, giáo dục thanh tra cán bộ luôn được tăng cường; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ toàn ngành.

Tương tự trong 05 năm vừa qua, công tác văn phòng của VKSND các cấp đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào công tác quản lý chỉ đạo điều hành của toàn bộ cơ quan, đơn vị và của ngành Kiểm sát nói chung. Văn phòng VKSND các cấp thực sự là đầu mối kết nối, giúp tăng cường hiệu quả thông tin và đảm bảo phối hợp giữa các đơn vị, tạo điều kiện thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mỗi đơn vị để hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra.

Đại biểu tham gia hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Viện trưởng Lê Minh Trí đánh giá cao vai trò của công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng cũng như hoạt động văn phòng nói chung. Hội nghị lần này là cơ sở để cán bộ công chức làm công tác tổ chức cán bộ, văn phòng và thi đua khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân có dịp gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, nhằm hoàn thiện năng lực chuyên môn của mình.

4. Trao quyết định bổ nhiệm 12 Kiểm sát viên cao cấp

Sáng 19/10/2017 tại Tp. Đà Lạt, VKSND tối cao tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp đợt 1 năm 2017.  Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo buổi Lễ.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi Lễ

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao, VKSQS trung ương, các VKSND cấp cao, VKSND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và VKSQS cấp quân khu.

Tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ đã công bố các quyết định Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp cho 12 đồng chí là Vụ trưởng và tương đương, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển chọn đợt I năm 2017.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao các quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Trí đánh giá việc bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp cho 12 đồng chí là kết quả của công tác đào tạo cán bộ của Ngành trong thời gian qua, là cơ sở giúp các đồng chí thực hiện các quyền năng tư pháp, làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình. Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu các đồng chí được bổ nhiệm phải ý thức được đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề nên phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động của đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ

Giao nhiệm vụ cho 12 đồng chí vinh dự được bổ nhiệm lần này, đồng chí Lê Minh Trí yêu cầu các đồng chí cần giữ gìn đoàn kết nội bộ, quan tâm phát huy dân chủ và vai trò người đứng đầu nhằm đảm bảo công bằng cũng như tạo niềm tin trong đơn vị, giúp nâng cao chất lượng hiệu quả công việc và thực thi ngày càng tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ; góp phần nâng cao vai trò của ngành kiểm sát trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tư pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao phó.

5. Khai mạc Hội thảo kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các nước Đông Nam Á

Sáng 17/10, tại Hà Nội, VKSND tối cao phối hợp với UNAFEI tổ chức Hội thảo khu vực lần thứ 11 về quản trị nhà nước hiệu quả cho các nước Đông Nam Á với chủ đề “Kinh nghiệm tốt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng – Một thập kỷ xây dựng thể chế và thực tiễn ở khu vực Đông Nam Á”.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Keisuke Senta, Viện trưởng UNAFEI;  ông Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng đại biểu của 10 nước Đông Nam Á và các diễn giả đến từ Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á – Viễn Đông của Liên Hợp Quốc (UNAFEI), Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn chia sẻ, tại Việt Nam, phòng, chống tham nhũng được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền. Với quyết tâm tấn công tội phạm tham nhũng mạnh mẽ, trong thời gian qua, VKSND các cấp đã truy tố nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ án xảy ra ở các tập đoàn, tổng công ty thuộc sở hữu Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề, được dư luận cả nước quan tâm. Với vai trò là cơ quan trung ương về hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, VKSND tối cao mong muốn được tăng cường hợp tác với các cơ quan tư pháp các nước nói chung và của các nước trong khu vực nói riêng nhằm xử lý có hiệu quả tội phạm, đặc bệt là tội phạm về tham nhũng trong thời gian tới.

Ông Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam 

Ông Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hợp tác của VKSNDTC Việt Nam trong thời gian qua với UNAFEI nói chung và với Viện Công tố Nhật bản nói riêng và chúc Hội thảo khu vực lần thứ 11 về quản trị nhà nước hiệu quả cho các nước Đông Nam Á tại Hà Nội thành công tốt đẹp.

6. Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137) và các Hội nghị liên quan tại Saint Peterbourg, Liên bang Nga, từ ngày 14-15/10/2017 và thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 16- 18/10/2017.

Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko và Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin.

Thành viên chủ động, tích cực trong IPU 

Việc tham dự các hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích sát sườn của Việt Nam, tham khảo quan điểm quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức.

Các hoạt động này góp phần thông tin quảng bá về Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều vấn đề, nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Tháng 4/1979, Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Từ đó tới nay, cùng với khuynh hướng mở rộng dân chủ tại Liên minh Nghị viện thế giới, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm cùng Chủ tịch IPU Saber Chowdhury

Thông qua diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính châu Á-Thái Bình Dương và nhóm ASEAN +3 trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (năm 2006, 2010 và năm 2016). Tháng 10/2007, Kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành-Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh Nghị viện thế giới.

7. Công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát: Cần làm ngay và làm thực chất

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) – cho rằng, Ban Bí thư đưa ra Quyết định 99 về công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát là rất tốt, việc này cần làm và phải làm sát sao.

Ông Phạm Trọng Đạt  – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: báo Lao động 

Việc kê khai tài sản được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, thông qua hoạt động của MTTQ…

“Không có gì khó khăn”

Theo ông Phạm Trọng Đạt, việc công khai tài sản của lãnh đạo không có gì khó khăn, thậm chí còn giúp cho việc chống tham nhũng được dễ dàng hơn. Khi kê khai tài sản, càng minh bạch càng tốt.

Cũng theo ông Đạt, việc kê khai tài sản dựa trên tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm. Khi kê khai mà che giấu thì rất khó để biết được tài sản “ngầm” của họ nên trước tiên mỗi cán bộ cần phải trung thực. Những trường hợp che giấu, sau này nếu phát hiện được phải xử lý thật nghiêm. Việc xử lý đã có trong luật và Nghị định 78.

Ông Trần Ngọc Vinh – Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XII, XIII, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hải Phòng – cho rằng, yêu cầu kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã có từ lâu nhưng quy định công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị… thì đúng là một nét rất mới, là một chủ trương rất tốt, rất đúng đắn.

Cần giám sát cả tài sản của vợ con, người thân người có chức quyền

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Vinh, để làm được điều này còn một số khó khăn bởi hiện nay nước ta đang tiêu tiền mặt, do vậy chưa quản lý được việc chi tiêu. Ở nước ngoài, hầu hết đều chi tiêu qua thẻ và khi bắt đầu vào bất cứ công việc nào đó đã phải kê khai tài sản. Như vậy, hằng năm cơ quan quản lý sẽ rất dễ kiểm tra tài sản tăng thêm.

Góp ý cho việc triển khai thực hiện, ông Vinh cho rằng: Trước tiên, cần có bộ phận thực hiện từ chủ trương sang hành động một cách chặt chẽ, giám sát nghiêm minh và có định kỳ. Ngoài ra, cần có giám sát cả tài sản của vợ con, người thân của người có chức, có quyền.

“Thực tế, có nhiều người để khối tài sản mang tên vợ, tên con, tên người thân, vì thế cần phải có chế tài đối với các đối tượng liên đới. Mặt khác, theo quy định của ngân hàng hiện nay thì thông tin của khách hàng được bí mật. Vì thế, cần có quy định với đối tượng nhất định, ngân hàng phải cung cấp cho các cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra. Khi phát hiện ra, cần tính đến hậu xử lý như thế nào, thu hồi tài sản ra sao” – ông Vinh cho hay.

Nhận định về đối tượng cần kiểm tra kê khai tài sản, ĐBQH khoá XII, XIII cho rằng ngoài những người có chức quyền, cần có thêm cả những người làm công việc nhạy cảm, có liên quan đến kinh tế.Theo ông Vinh, nếu làm tốt chủ trương này có thể ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi dụng quyền hạn, chức vụ để thu vén riêng, tích lũy tài sản. Bên cạnh đó, còn thể hiện sự công bằng trong xã hội.

8. Hội nghị Cấp cao APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 được tổ chức năm 2017 tại Đà Nẵng và các thành phố lớn khác như Hà Nội, Nha Trang, Vinh, Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam) với chủ đề : “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức hội nghị này (lần đầu vào 2006 tại Hà Nội). Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại chủ nhà Việt Nam với thành phố đại diện là Đà Nẵng và Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ 5 – 11/11/2017.

Công tác chuẩn bị cho Tuần Lễ cấp cao APEC 2017 (internet)

Trước đó, các hoạt động của Hội nghị đã diễn ra với Hội nghị không chính thức của các quan chức cao cấp (ISOM). Tiếp theo, đó là Hội nghị các quan chức cao cấp SOM1, SOM2, SOM3 diễn ra từ 18/02 đến 30/8 với gần 200 cuộc họp, hội thảo và đối thoại cùng hàng nghìn đại biểu đại diện tham dự.

Hội nghị đã trao đổi, thống nhất và thông qua bốn ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC trong năm 2017, đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế cũng đã thảo luận sôi nổi nhằm làm rõ nội hàm của bốn ưu tiên, với những đề xuất và sáng kiến mới và thiết thực, gắn với quan tâm của người dân và doanh nghiệp của khu vực.

Cùng với đó, còn nhiều các hoạt động bên lề khác đã diễn ra. Tại đây, các nhà lãnh đạo du lịch APEC đã thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC; các Kế hoạch hành động thực hiện chương trình khung nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu; Kế hoạch thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn – đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu…

9. Ông Trump sẽ gây áp lực lên ông Tập để kiềm chế Triều Tiên

Tổng thống Mỹ dự kiến gây áp lực lên Chủ tịch Trung Quốc để kiềm chế Bình Nhưỡng, sau khi ông Tập củng cố quyền lực tại Đại hội đảng. Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên cho rằng Tổng thống Donald Trump tin Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn để làm việc về vấn đề Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Ông Tập đang trong kỳ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, một sự kiện được kỳ vọng sẽ giúp ông củng cố quyền lực, có thể nắm quyền tới sau năm 2022, khi đại hội tiếp theo diễn ra.

“Quan điểm của Tổng thống là giờ bạn có ít cớ thoái thác hơn”, quan chức nói. “Ông ấy sẽ không bước nhẹ chân”.

Ông Trump rời Mỹ vào ngày 3/11 để tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây sẽ là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng một, với ưu tiên lớn là ngăn cuộc đối đầu với Triều Tiên vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ông Trump muốn Trung Quốc hợp tác nghiêm túc để hoặc thuyết phục Triều Tiên thay đổi quyết định hoặc tước hết nguồn lực của nước này, khiến Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoại trừ thay đổi hành vi, quan chức nói.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc nhằm giành được sự hợp tác của Bắc Kinh và kiềm chế thực hiện những biện pháp trừng phạt kinh tế lớn.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, ông Trump nói ông muốn “giữ vấn đề thật lặng lẽ” với ông Tập cho tới khi lãnh đạo Trung Quốc xuất hiện sau Đại hội đảng.

“Tôi tin ông ấy có quyền lực để làm một điều gì đó rất ý nghĩa về vấn đề Triều Tiên. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra. Nói thế nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng cho bất cứ điều gì. Chúng tôi đã sẵn sàng đến mức bạn không tin được đâu”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn phát hôm 15/10.

Anh Minh

(tổng hợp)

Xem thêm>>>

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (09/10 – 13/10)

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (30/9 – 07/10)

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (6/11 – 10/11)

(Kiemsat.vn) - Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong tuần qua.

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (30/10 – 03/11)

(Kiemsat.vn) - Hoàn thành vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc; Thảo luận sôi nổi tại các phiên họp Quốc hội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga; thiệt hại vì bão Damrey... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang