Từ tục bắt vợ, tảo hôn: Làm thế nào để luật “đi vào” lòng dân?

24/02/2017 04:36

(kiemsat.vn)
Để hạn chế hệ luỵ từ những biến tướng của tục bắt vợ, đã đến lúc thay đổi việc tuyên truyền pháp luật theo kiểu hô khẩu hiệu, cứng nhắc, không phù hợp với các tập quán, thói quen, suy nghĩ và văn hoá của người H’mông.

Tục bắt vợ đã nhuốm màu… “thời đại”

Phong tục bắt vợ có thể diễn ra quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa Xuân, khi khắp núi đồi hoa nở khoe sắc. Với bộ áo, váy xúng xính, e ấp, các chàng trai, cô gái người H’mông có dịp tỏ tình, tìm hiểu yêu đương và có nhiều đôi lên duyên vợ chồng bằng phong tục kéo vợ. Đây là một phong tục đẹp tạo nên bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu. Khi mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” thì kéo vợ là để đốt cháy giai đoạn; khi chàng trai, cô gái không được gia đình hai bên ưng thuận, hoặc chàng trai không có đủ tiền thách cưới.

Từ tục bắt vợ, tảo hôn ở các vùng dân tộc thiểu số, đã đến lúc thay đổi cách truyền thông pháp luật. Ảnh: Internet.
Từ tục bắt vợ, tảo hôn ở các vùng dân tộc thiểu số, đã đến lúc thay đổi cách truyền thông pháp luật. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Kiemsat.vn, PGS.TS Trịnh Hoà Bình – Viện Xã hội học Việt Nam đánh giá: Một số hình ảnh bắt vợ xuất hiện trên truyền thông thời gian gần đây đã cho thấy có yếu tố không lành mạnh, mang tính chất bao lực. Đối phương đã chống đối kịch liệt cho thấy sự khấp khểnh, chẳng ăn nhập gì với giá trị của thời đại mới trong khi chúng ta đang cố gắng tiến đến xây dựng những giá trị tốt đẹp trên nền tảng những giá trị con người trong xã hội được tôn trọng. Thực tế này dễ bị đối tượng buôn bán phụ nữ lợi dụng để thực hiện tội phạm; mặt khác, gia tăng tình trạng tảo hôn và ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và chăm sóc sức khoẻ trẻ em…

Biến tướng của tục lệ này như là cướp giật một thứ tài sản, giành giật về mình một cơ may mà không “đếm xỉa” đến lợi ích, nguyện vọng, không cần biết đến trạng thái tinh thần, cũng như trạng thái thể chất của đối tác…

Theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình, tục bắt vợ ngày nay đã có yếu tố “băng hoại” của thời đại mới. Ảnh: Internet.
Theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình, tục bắt vợ ngày nay đã có yếu tố không lành mạnh, mang tính chất bao lực. Ảnh: Internet.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình cũng cho rằng, đứng trên bình diện chung, những biến tướng này đẩy người bị bắt làm vợ vào vị trí hứng chịu nỗi buồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm người phụ nữ, tuyệt đối hoá sự bất bình đẳng giới. Bởi trên thực tế, với địa hình đồi núi hiểm trở, các em gái dân tộc thiểu số thường ít tham gia việc học hành, giao tiếp với xã hội bên ngoài và khả năng nói tiếng phổ thông rất kém, khó có thể kêu cứu hay nhờ sự trợ giúp từ những cơ quan chức năng.

Bắt vợ, tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV Kiemsat.vn, Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nhấn mạnh, theo quy định pháp luật, người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn thì phạt đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Theo Luật Sư Nguyễn Thế Truyền, uy tín của già làng, trưởng bản là kênh quan trọng để truyền thông pháp luật.
Theo Luật Sư Nguyễn Thế Truyền, uy tín của già làng, trưởng bản là kênh quan trọng để truyền thông pháp luật.

Điều 148 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn quy định: Người nào có một trong các hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ cách tuyên truyền pháp luật

Để hạn chế hệ luỵ từ những biến tướng từ tục bắt vợ, tảo hôn và duy trì, bảo vệ nét đẹp văn hoá truyền thống, tục lệ của người H’mông, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ cách tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận thông tin pháp luật đầy đủ chính xác, cần phải thay đổi cách làm từ trước đến nay, tránh việc tuyên truyền pháp luật theo kiểu hô khẩu hiệu, cứng nhắc, không phù hợp với các tập quán, thói quen, suy nghĩ và văn hoá của người H’mông.

Trước hết, phải có các chương trình tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức khác nhau, sân khấu hoá, hiện thực hoá thông qua các phiên toà giả định, qua các loại hình văn hoá dân gian của chính dân tộc H’mông.

Một kênh rất quan trọng khác đó chính là uy tín của già làng, trưởng bản. Với người dân tộc thiểu số họ thường có niềm tin tuyệt đối vào người thủ lĩnh tinh thần này, hoàn toàn tin cậy vào các luật tục, cái lý, lệ của dân tôc họ.

Cuối cùng là phải chuyển hoá được các quy định pháp luật thành các hương ước, thành các quy ước làng xã, thôn bản trên cơ sở luật tục. Việc áp dụng, sử dụng các tập quán hay tương tự pháp luật trong giới hạn địa bàn hay cộng đồng dân cư là điều hoàn toàn có thể làm được để bảo đảm tính xuyên xuốt của pháp luật, vừa bảo đảm được luật tục, tập quán của người dân cũng như phát huy tối đa quy định của pháp luật  trong cuộc sống.

Loan Bảo

Xem thêm>>>

Vụ “cướp vợ” tại Nghệ An: Chủ tịch huyện và Luật sư lên tiếng
Clip:Thiếu nữ gào khóc vì bị nhóm thanh niên đi xe máy “bắt vợ”
Gửi đơn kiện qua Internet: Cải cách tư pháp bắt nhịp kịp thời với yêu cầu thời đại
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang