Trao đổi về quy định tại khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015

22/12/2016 04:44

(kiemsat.vn)
Sau khi nghiên cứu bài viết “Một số ý kiến về khoản 2, Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015” và bài viết: “Quy định tại khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 là bất lợi cho người bị buộc tội”, đăng trên Kiemsat.vn, tôi xin có một số ý kiến cùng trao đổi về vấn đề này như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015, thì việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, được tiến hành như sau:
“2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:
a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh”.
Theo quy định này, thì rõ ràng chưa có sự tách biệt giữa việc xác định ngày, tháng sinh của người bị buộc tội và người bị hại.
Theo một phần ý kiến của tác giả Tống Văn Hiện, thì “việc quy định như khoản 2 Điều 417 nêu trên chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội, vì theo nguyên tắc có lợi cho họ và vấn đề này đã được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Liên ngành Trung ương…
Đối với cách xác định ngày, tháng sinh của người bị hại, nếu quy định chung trong cùng khoản 2, Điều 417 sẽ gây bất lợi cho người bị buộc tội trong một số trường hợp cụ thể mà tuổi của người bị hại sẽ quyết định là có tội hay không có tội”.
Còn tác giả Nguyễn Thành Giang thì cho rằng quy định tại khoản 2, Điều 417 BLTTHS năm 2015 là bất lợi cho người bị buộc tội. Chúng tôi cũng tán đồng với các quan điểm này. Bởi lẽ, giả sử như trên thực tế người bị hại có ngày sinh trước ngày của ngày cuối cùng của tháng (hoặc của tháng trong quý…), nhưng do cơ quan chức năng không xác định được chính xác trên thực tế; trong khi đó, vì muốn người bị buộc tội phải chịu khả năng hình phạt cao hơn mà bị hại hoặc người có liên quan không trung thực trong việc khai báo ngày sinh, thì điều đó sẽ gây khả năng nguy cơ bất lợi cao hơn cho người bị buộc tội. Đây là một trường hợp hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế.
Còn nếu đã xác định ngày, tháng sinh của người bị buộc tội mà lại xác định ngày, tháng sinh của người bị hại, ngược lại so với quy định tại khoản 2 Điều 417, thì người bị hại cũng sẽ bị thiệt thòi.
Do vậy, chúng tôi cho rằng nếu áp dụng khoản 2 Điều 417 của BLTTHS năm 2015 thì cần lưu ý đến 03 trường hợp có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, trường hợp không xác định được rõ, ngày, tháng sinh của người bị buộc tội, thì sẽ có lợi hơn cho người bị buộc tội.
Thứ hai, trường hợp không xác định được rõ, ngày, tháng sinh của bị hại, thì sẽ bất lợi hơn cho người bị buộc tội. Còn giả sử, nếu áp dụng như Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011, thì sẽ gây thiệt thòi hơn cho bị hại.
Thứ ba, nếu cả người bị buộc tội và người bị hại không thể xác định ngày, tháng sinh, mà áp dụng khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 thì nhìn chung về cơ bản cũng sẽ bảo đảm được tính khách quan, công bằng (mặc dù không thể xem là công bằng hoàn toàn) cho cả phía người bị hại và người bị buộc tội. Vì theo chúng tôi, đây là phương án giải quyết tốt nhất trong trường hợp này.
Như vậy, trong một số trường hợp nếu áp dụng khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015, thì bắt buộc phải chấp nhận lợi ích cũng như thiệt thòi sẽ hơi nghiêng về phía người bị buộc tội hoặc người bị hại. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi, đối với trường hợp thứ nhất, cần xem xét phương án buộc người bị buộc tội phải bù đắp, bồi thường thêm về vật chất, tinh thần cho phía người bị hại. Còn trong trường hợp thứ hai, có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt của người bị buộc tội.
Trên đây là một số ý kiến cùng trao đổi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các tác giả cùng bạn đọc của Kiemsat.vn./.
Trương Thế Nguyễn
Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

VKSND thành phố Hà Nội tập huấn BLTTHS và BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) – Ngày 16/10, VKSND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn BLTTHS và BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và được truyền trực tuyến đến 30 điểm cầu VKSND hai cấp.

TAND tối cao ra mắt Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

(Kiemsat.vn) - Ngày 06/10/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã chính thức bấm nút khai trương Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang