Tín ngưỡng thờ mẫu của Việt Nam trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

02/12/2016 01:26

Tối qua (1/12), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam đã chính thức được Unesco công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhận loại.


Đoàn đại biểu Việt Nam tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ

về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 11 của Unesco.

Theo nguồn tin của Cục Di sản văn hoá, vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Theo thư tịch và huyền thoại, Bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao, v.v. thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và TP.HCM mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng trong một buổi hầu mẫu.

Là người tâm huyết với đạo mẫu trong nhiều năm qua Nghệ nhân Dân gian Hoàng Tiến Hưng là người theo sát những Thông tin từ phiên họp cho biết: “Ngay từ khi được hầu đồng được đề cử đủ năm tiêu chí đánh giá bỏ phiếu, tôi cũng như nhiều thanh đồng đạo quan đã bày tỏ cảm xúc của mình về sự thành công của hội nghị và tôn vinh hoàng dương đạo mẫu. Khi biết được thông tin lá cờ Việt Nam được giương cao tại hội nghị và được thế giới công nhận thì đó là hạnh phúc khôn tả của những người con của mẫu”.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng cũng chia sẻ thêm, việc UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Trước đây, Đạo Mẫu và Hầu đồng bị xã hội thành kiến và bị xếp vào “mê tín dị đoan”. Từ khi đất nước đổi mới, nhờ vào tinh thần bền bỉ bảo tồn giá trị văn hoá của cộng đồng thực hành là các nghệ nhân, thủ nhang, thanh đồng, cung văn, tín hữu; Nhờ vào sự dũng cảm và dấn thân của các nhà khoa học, các nhà quản lý đã dần làm thay đổi nhận thức xã hội và các cơ quan quản lý. Năm 2012 nhà nước đã tôn vinh Tín ngưỡng thờ Mẫu và Nghi lễ Chầu văn là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

HOÀNG NAM/vov.vn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang