“Thích – Chia sẻ – Bình luận” trên facebook và vấn đề quyền nhân thân

17/03/2017 03:50

(kiemsat.vn)
Đôi khi hành động “Thích”, “Chia sẻ”, “Bình luận” của người dùng mạng xã hội lại vô tình xâm phạm đến quyền, lợi ích của đối tượng được hướng đến, đặc biệt trong những trường hợp lên án một người cụ thể, ví dụ như nhân vật N.T.Đ trong vụ bé gái lớp 1 nghi bị xâm hại ở Sài Gòn.

Ảnh minh họa: Internet

Tóm tắt vụ việc

Sáng 15/2, Công an P. Bình Thọ nhận được tố giác, kêu cứu của bà T.T.M.C (SN 1979, ngụ P. Linh Xuân, Q.Thủ Đức) về việc con gái là cháu N.T.P.N, học sinh lớp 1/8 tại trường tiểu học Lương Thế Vinh, bị xâm hại tại lớp học vào trưa 14/2.

Ngày 11/3/2017, một số trang báo mạng đưa tin vụ việc này. Theo lời kể của bé thì vào trưa ngày 14/2/2017, sau khi ăn trưa xong về lại lớp để ngủ trưa, bé bị 1 đối tượng xâm hại ngay tại lớp. Chị C đã nhanh chóng đưa bé N. đi khám tại bệnh viện Từ Dũ và nhận được kết luận ban đầu nghi bị xâm hại vùng kín. Đến sáng 15/2, chị C đã báo cho công an phường Bình Thọ, công an quận Thủ Đức để tiến hành điều tra vụ việc. Đến ngày 4/3, sau khi bé C. nhớ ra người đàn ông xâm hại tên Đ, hay lui tới trong trường giao nước cho các cô, vụ việc tiếp tục được chuyển lên công an điều tra.

Ngày 13/3/2017, ông an Q. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả xác minh, điều tra ban đầu liên quan đến nghi án này. Theo đó, Công an Q.Thủ Đức thông báo kết quả giám định ban đầu: “Thông báo ban đầu của cơ quan pháp y cho biết, màng trinh của cháu N không bị rách, không có xác tinh trùng trong vùng kín”. Lãnh đạo Công an Q.Thủ Đức khẳng định: “Chúng tôi đang khẩn trương điều tra, sẽ làm đến cùng sự thật, giải tỏa cho trường Lương Thế Vinh có hay không vụ việc này? Cùng với đó, sẽ thông tin với báo chí rõ ràng, sớm nhất sau khi có kết quả. Hiện vụ việc này đang trong vòng điều tra, chưa có kết luận chính thức”.

Cư dân mạng nhanh chóng cung cấp thông tin về nghi phạm

Trong khi cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức, trên mạng xã hội facebook đã liên tiếp xuất hiện các lượt đăng, chia sẻ về hình ảnh, tên gọi, địa chỉ, người thân của người được cho là nghi phạm trong vụ việc bé N bị xâm hại. Đặc biệt, những thông tin này nhận được hàng ngàn lượt “Thích”, “Chia sẻ” và “Bình luận” của người dùng facebook, trong đó không ít những bình luận lên án gay gắt người đàn ông tên Đ.

Một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là các trang mạng xã hội là kênh tiếp cận thông tin cũng như thể hiện quan điểm cá nhân của người dùng một cách nhanh chóng, đa dạng và phổ biến. Tuy vậy, chính điều này đôi khi khiến người dùng chịu ảnh hưởng không nhỏ của “tâm lý đám đông”, dễ dàng tiếp nhận và bày tỏ thái độ một chiều, thiếu kiểm chứng. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người, trong đó có nhân vật N.T.Đ tuy chưa có bằng chứng xác thực hay công bố của cơ quan điều tra về hành vi xâm hại bé N của người này, đã phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, nhân phẩm của bản thân, gia đình chỉ bởi thông tin, hình ảnh của bản thân anh Đ trở thành tiêu điểm của những click vội vã của người dùng mạng xã hội.

Quyền tự do ngôn luận và Quyền nhân thân

Quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhân tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy vậy, khi thực hiện quyền này cũng chịu những giới hạn nhất định để đảm bảo quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân không bị xâm hại trái pháp luật theo quy định tại khoản 2, 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013: “2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác;…4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Về quyền nhân thân, Hiến pháp năm 2013 trong chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã ghi nhận: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” (khoản 1 Điều 20) và “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” (Khoản 1 Điều 21).

Cụ thể hóa điều này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, đồng thời quy định phương thức bảo vệ khi những quyền này của cá nhân bị xâm hại:

“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

  1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
  2. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

  1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
  2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình….
  3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
  4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
  5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Vì vậy, ranh giới giữa thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin của công dân với việc tôn trọng quyền về hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, quy tín của cá nhân khác đôi khi rất cần sự tỉnh táo, khách quan của mỗi người, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội, bởi có lúc, sự lên án cái ác một cách vội vã, thiếu căn cứ lại vô tình xâm phạm quyền nhân thân của người khác.

Ngọc Nga

Cán bộ thuế nhập vai người mua để xử lý ‘kinh doanh chui’ trên Facebook

Cơ quan thuế không loại trừ khả năng đóng tài khoản đối với chủ trang web, Facebook… có hoạt động kinh doanh nhưng không kê khai nộp thuế.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang