Tản mạn đầu Xuân về đạo đức người làm báo ngành Kiểm sát

18/01/2017 04:52

(Kiemsat) - Trong những ngày đầu xuân mới, người làm báo cả nước đón nhận một sự kiện, đó là Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) công bố Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi họp báo công bố Quyết định số 483/QĐ-HNBVN ngày 16/12/2016: “Việc công bố 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ngày hôm nay là kết quả của một đợt sinh hoạt chính trị và nghề nghiệp sâu rộng của giới báo chí cả nước, đáp ứng được mong đợi của những người làm báo và dư luận xã hội, đồng thời cũng thể hiện nỗ lực lớn của HNBVN và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Cũng như mỗi người dân Việt Nam, báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống chính trị và cuộc sống đời thường của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó có sự góp phần của những sản phẩm báo chí của ngành.

Quá trình hình thành và phát triển, các cơ quan báo chí ngành Kiểm sát nhân dân luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, chức trách, nhiệm vụ được giao đã có những đóng góp tích cực tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về Viện kiểm sát và hoạt động của ngành Kiểm sát, về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đến nay, báo chí ngành Kiểm sát đã có những bước trưởng thành đáng ghi nhận với 3 loại hình báo chí: Báo in (Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và Tạp chí Khoa học Kiểm sát) và những ấn phẩm chất lượng, hấp dẫn; các trang thông tin điện tử của VKSND tối cao (Văn phòng, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, 2 trường Kiểm sát) và của các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; báo hình (Truyền hình Kiểm sát nhân dân).

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp, sâu sắc và quyết định đến chất lượng của tác phẩm báo chí, tập trung ở 5 tiêu chí cơ bản là: Phẩm chất chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức công vụ, phẩm chất đạo đức cá nhân, phẩm chất đạo đức công dân của người làm báo. Người làm báo là công dân của nước Việt, phải biết trân trọng, yêu quý quê hương, đất nước, cội nguồn nơi mình đã sinh ra và lớn lên, phải thể hiện rõ thái độ, trách nhiệm đối với đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người làm báo dù thực hiện bất cứ công việc gì trong nghề báo, thuộc bất kỳ lĩnh vực và hoàn cảnh nào cũng phải hướng về mục tiêu cao cả đó.  Tình cảm và trách nhiệm của người làm báo phải thể hiện ngay trong sản phẩm báo chí mà họ sáng tạo ra, có được những tác phẩm báo chí tốt chính là sự thể hiện lòngtrung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Điều 25 Luật Báo chí năm 2016: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.

Người làm báo là chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có vai trò định hướng tư tưởng cho công chúng. Vì vậy, hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Hiến pháp, pháp luật là tiền đề, cơ sở quan trọng để người làm báo ngành Kiểm sát hành nghề đúng khuôn khổ pháp luật, phải hiểu sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của ngành, pháp luật liên quan đến Viện kiểm sát. Bên cạnh đó, còn phải thực hiện đúng quy định của Luật Báo chí, Luật Bản quyền; thực hiện tôn chỉ mục đích; nội quy, quy chế của đơn vị (Điều 2).

Viện kiểm sát là cơ quan thực thi pháp luật, bảo vệ công lý và lẽ phải nên quy định tại Điều 3 “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”, người làm báo ngành Kiểm sát phải khắc ghi trong suy nghĩ và hành động. Đây chính là yêu cầu hàng đầu của đạo đức người làm báo, đồng thời cũng là nguyên tắc căn bản, cốt lõi trong hoạt động báo chí của người làm báo nói chung cũng như người làm báo ngành Kiểm sát nói riêng. Để thực hiện điều này, thiết nghĩ mỗi người làm báo ngành Kiểm sát cần phải có cái tâm với nghề nghiệp (tâm là gốc của đạo đức, của đạo lí làm người). Người làm báo ngành Kiểm sát nhân dân cần phải có tâm huyết với ngành, dùng cây bút của mình để bảo vệ công lý, lẽ phải, đó là thể hiện trách nhiệm đối với ngành, đưa hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát đến gần với nhân dân.

Yêu cầu không vụ lợi đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay để người làm báo giữ được đạo đức công vụ của mình trong hoạt động nghề nghiệp, đồng thời tự miễn dịch với những cám dỗ, cạm bẫy trong xã hội. Khoản c, điểm 3, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định nhà báo có nghĩa vụ: “Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật”; phải vì đất nước, vì nhân dân, tôn trọng quyền con người. Bên cạnh đó, tinh thầnnhân văn của báo chí Việt Nam được dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức.

Một số báo mạng hiện nay đưa tin nhạy cảm hoặc khai thác đời tư cá nhân, đưa thông tin sai lệch để giật gân, câu khách mà không lường đến hậu quả. Người làm báo ngành Kiểm sát không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí (Điều 4). Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Về tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” khi tham gia mạng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ để định hướng dư luận xã hội. Điều này yêu cầu nhà báo phải thống nhất phát ngôn trên báo viết, trên mạng thông tin xã hội và cả khi phát ngôn ở bên ngoài cuộc sống. Nhà báo phải có nhận thức và đánh giá đúng với những thông tin của mình nêu ra và tự giác thực hiện.

Bảo vệ bí mật quốc gia là vấn đề tối quan trọng đối với người làm báo, đặc biệt là người làm báo khoác trên mình màu áo thiên thanh bảo vệ công lý. Cơ quan báo chí của ngành cần chú trọng quản lý đội ngũ phóng viên, báo chí trong việc thực hiện Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”; chấp hành quy chế quản lý, sử dụng tài liệu mật, đưa tin,… không để “vô tình” lộ, lọt bí mật quốc gia, đưa thông tin sai lệch. Bảo vệ bí mật của nguồn tin cũng là một trong những khía cạnh cơ bản, quan trọng trong đạo đức của người làm báo nhằm góp phần giữ gìn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của các đối tượng (cơ quan, tổ chức, cá nhân) đã cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật.

Muốn có những sản phẩm chất lượng, những thông tin quý giá, mang đến niềm tin yêu cho người dân, mang lại lợi ích cho ngành, cho đất nước, người làm báo phải không ngừng phấn đấu học tập rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết về trình độ chính trị, nghiệp vụ (pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ báo chí), ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm, phát huy năng lực sở trường và sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Như vậy, đòi hỏi người làm báo phải cẩn trọng đối với từng con chữ, từng số liệu, từng tấm ảnh, khuôn hình… sao cho chuẩn xác, đảm bảo tính thẩm mỹ. Vấn đề cần quan tâm nữa đó là phải đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, vì đó là chìa khóa dẫn tới thành công của những sản phẩm báo chí, nhất là những sản phẩm đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người.

Ngoài ra, Quy tắc đạo đức nghề báo còn đòi hỏi người làm báo phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thể hiện ý thức, tinh thần coi trọng bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp và truyền thống đặc sắc của dân tộc và con người Việt Nam, tránh bị nguy cơ ngoại lai trên báo chí, nhưng cũng nên học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trí tuệ, văn hóa, văn minh của nhân loại để báo chí Việt Nam hội nhập với báo chí khu vực và toàn cầu./.

Nguyễn Thị Mai Nga

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang