Sập bẫy nhân viên công ty môi giới nhà đất

27/02/2017 07:10

Thị trường đất nền tại các khu vực lân cận TPHCM đang lên cơn sốt do có nhiều thông tin tốt về các dự án kết nối hạ tầng. Do vậy, cũng xuất hiện nhiều nhân viên các công ty môi giới lợi dụng điều này thổi phồng giá và qua mặt khách hàng để ăn tiền chênh lệch.

Nhập nhằng thông tin, chênh lệch giá bán

Theo đơn phản ánh của ông Đỗ Quý Toàn (Q.Gò Vấp TPHCM), đầu tháng 1 năm 2017, ông được bà Kim Ngân (Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát) giới thiệu đi xem dự án Centre Point tại khu vực quận 2 mở rộng, tại đây nhân viên này khẳng định đã có quyết định đất là khu vực quận 2 mở rộng.
Chính vì tin tưởng, ông Toàn đặt cọc và ký vào hợp đồng góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thế nhưng, một tuần sau ông mới nhận lại hợp đồng thì “tá hỏa” khi ký với chủ đầu tư là một Cty khác (thành lập tháng 11/2016), dù khi tư vấn cho ông Toàn, bà Ngân khẳng định ông được ký hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát. Hơn nữa, tờ rơi quảng cáo của Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát ghi rõ đất quận 2 mở rộng, nhưng trong hợp đồng lại ghi dự án tại khu đô thị mới Phước An, Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Nhiều nhân viên các công ty môi giới nhà đất đã tự thổi phồng giá và qua mặt khách hàng để ăn tiền chênh lệch.
Nhiều nhân viên các công ty môi giới nhà đất đã tự thổi phồng giá và qua mặt khách hàng để ăn tiền chênh lệch.
“Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát sử dụng nhân viên kinh doanh tư vấn không đúng sự thật về dự án, cả công ty chủ đầu tư. Vì vậy, muốn rút lại quyết định mua đất cũng không được vì hợp đồng ghi “không thanh toán đầy đủ và đúng hạn thì sẽ mất toàn bộ số tiền đã nộp”, ông Toàn bức xúc.
Chung tình trạng trên, đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Loan (Phú Nhuận) cho biết, ngày 10.6.2016, bà nhận được điện thoại của nhân viên tên Tân của Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát giới thiệu Công ty có bán dự án đất nền giá rẻ 100 m2 giá 300 triệu đồng ở đường Trần Văn Giàu (quận 6) và mời đến tập trung ở Đầm Sen để có xe chở đi coi đất. Đồng thời, nhân viên này cũng không quên “dặn” nhớ đem theo 20 triệu đồng để đặt cọc. Tuy nhiên, điểm “coi đất” không phải ở đường Trần Văn Giàu mà ở… xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, Long An.
Đến ngày 13.6.2016, bà Loan đến Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát để xem giấy tờ pháp lý của khu đất thì được biết Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát chỉ là công ty môi giới còn chủ đầu tư là một Cty khác. Quá bất ngờ, bà Loan đến UBND huyện Đức Hòa tìm hiểu thì được cho biết Công ty chủ đầu tư chưa thể chuyển nhượng được vì Nhà nước chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Trước đó, Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát cũng dính vào vụ lùm xùm với chủ đầu tư một dự án (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), do nhân viên Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát đã tự ý nâng mức giá nền đất cao hơn nhiều so với giá chủ đầu tư công bố, cung cấp thông tin sai lệch, yêu cầu ký hợp đồng tư vấn với mức phí cao bất thường… để “ăn tiền” khách hàng…
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Hoàng Lâm (Phòng pháp chế của công ty Kim Phát), cho biết: “Chúng tôi khẳng định Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát là công ty môi giới cho rất nhiều dự án tại các khu vực Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Chúng tôi không phải là chủ đầu tư các dự án đó. Việc nhân viên tư vấn có nói quá là “chủ đầu tư” thì đó chỉ là ý kiến của khách hàng. Còn công ty Địa ốc Kim Phát chưa nghe phản ánh sự việc này. Chúng tôi sẽ cho rà soát lại toàn bộ sẽ trả lời sau. Tôi khẳng định rằng, Kim Phát chưa bao giờ hướng dẫn nhân viên mình nói là “chủ đầu tư”. Chắc có khi khách hàng nghe nhầm, hoặc chưa hiểu ý truyền đạt từ các nhân viên tư vấn đó. Còn các vấn đề riêng của từng khách hàng, tôi sẽ tổng hợp lại và trả lời phóng viên sau…”.

Khách hàng cần tỉnh táo

Trước sự việc, nhiều khách hàng của Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát gửi đơn khiếu nại lên Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) “phản ánh hành vi kinh doanh gian dối, lừa đảo và chiếm dụng tiền” của nhân viên công ty này. HoREA đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai để đề nghị xem xét, giải quyết đơn tố cáo theo thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, chiểu theo các quy định của Luật Kinh doanh BĐS, sàn giao dịch không có quyền ký hợp đồng mua bán, hợp đồng cọc hay thu tiền của khách hàng. Trong trường hợp sàn giao dịch muốn nâng giá bán sản phẩm, phải có thỏa thuận riêng với chủ đầu tư và thỏa thuận này phải được thể hiện trong hợp đồng tư vấn giữa hai bên. Bởi vậy, việc sàn giao dịch tự nâng giá bán mà không thông qua chủ đầu tư, khách hàng mua sản phẩm sẽ gặp thiệt thòi lớn khi phần chênh lệch này không được ghi vào trong hợp đồng mua bán.
Theo ông Châu, hạn chế trong Luật Kinh doanh BĐS hiện nay là chưa quy định mức xử phạt đối với những hành vi tư vấn sai thông tin dự án, tự động nâng giá bán của sàn giao dịch. Thế nên, nếu gặp đơn vị môi giới làm ăn chụp giật, khách hàng và chủ đầu tư sẽ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất. “Tuy nhiên, với những sàn giao dịch làm ăn mất uy tín như vậy, họ chỉ có thể kiếm được chút lợi ích trước mắt, nhưng thất bại trên đường dài khi các chủ đầu tư thì nghi ngại, còn khách hàng thì không dám mua những sản phẩm do họ môi giới, tư vấn trên thị trường” – ông Châu nhận định.
Theo ý kiến của Luật sư Trần Thanh Nhã, Cty Luật TTN thì khách hàng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin dự án và chủ đầu tư, nhất là thông tin của đơn vị môi giới trước khi quyết định mua sản phẩm để tránh những rủi ro không đáng có. Theo luật sư Nhã, người mua nhà nên tìm hiểu kỹ thông tin để “chọn mặt gửi vàng”, bởi trong nhiều trường hợp, rất khó để khởi kiện đơn vị môi giới.
“Khách hàng khi ký hợp đồng tư vấn với đơn vị môi giới phải chú trọng đến các nội dung cơ bản của đợp đồng tư vấn như: Giá của bất động sản muốn giao dịch (trước thuế, sau thuế,…); Phương thức thanh toán; Giai đoạn thanh toán Các giai đoạn thực hiện hợp đồng (rõ thời gian, địa điểm giao dịch, ai giao dịch…); Công việc tư vấn là gì, cần mô tả rõ, khi nào được xem là công việc kết thúc, và đặc biệt, công việc tư vấn phải thể hiện bằng văn bản, email… chứ không phải bằng lời nói, điện thoại. Thông thường, khó tách bạch giữa việc giới thiệu bất động sản với việc tư vấn môi giới.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, khác biệt cơ bản sẽ là: Đối tượng của hợp đồng, chủ thể giao dịch, công việc hoàn thành, thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp đơn vị môi giới chưa hoàn thành trách nhiệm của mình (được ghi trong hợp đồng) như đã nói ở trên thì khách hàng có thể khởi kiện…” – luật sư Nhã khuyến cáo.
Theo B.Chương – Thanh Vy/ LDO
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang