Nạn rải đinh quốc lộ – nỗi lo còn đó

12/09/2017 11:16

(kiemsat.vn)
Đinh tặc từ lâu đã trở thành vấn nạn nhức nhối trên nhiều tuyến đường quốc lộ. Những chiếc đinh rải dày đặc trên đường khiến hàng loạt phương tiện lưu thông bị sập bẫy, gây nguy hiểm cho tính mạng con người.

Nhiều năm trở lại đây nạn đinh tặc đã trở thành mối đe dọa, gây ảnh hưởng đến trật tự tham gia giao thông và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Tuần trước, hàng loạt phương tiện giao thông dính bẫy đinh hình chữ U, làm bằng thép trắng sử dụng trong việc thi công lắp mái tôn trên đoạn đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Mặc dù, qua điều tra, không có có nhân nào cố tình rải đinh xuống đường mà do một phương tiện đã bất cẩn để đinh rơi xuống trong quá trình vận chuyển.

Nghề rải đinh

Đinh hình chữ U trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang (ảnh internet)

Tuy nhiên, theo thông tin từ Báo Lao động, hàng loạt chủ xe phải gọi “cứu hộ” theo số điện thoại để lại hai bên lan can đường và chịu mức giá cắt cổ từ 150.000 – 200.000/ chiếc săm, 1 miếng vá 50.000 đồng đối với xe máy.

Ngày 13/7/2017, Báo mới đưa tin “Lộ diện cỗ máy “chém” lốp xe tải độc nhất vô nhị tại Việt Nam”. Không phải đinh nữa mà là “chông tặc” lộng hành trên tuyến đường tỉnh lộ 186 nối hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang khiến cánh lái xe phải lạnh xương sống khi lần đầu tiên chứng kiến những bàn chông đinh chém nổ lốp nhiều xe tải hạng nặng.

Trong năm 2016, bẫy đinh dày đặc lộng hành trên Quốc lộ 51, con đường huyết mạch nối 2 tỉnh Đồng nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây được xem là sào huyệt của những kẻ rải đinh. Hằng ngày, xe hút đinh thu gom được vài kí. Và hàng loạt vụ án đinh tặc khác nữa.

Đinh, vật nhọn được rải trên các đoạn đường nhằm chọc thủng lốp xe của người tham gia giao thông để trục lợi của những người sửa chữa xe ven đường. Khi săm, lốp bị đâm thủng bắt buộc chủ xe phải gọi điện thoại cứu hộ hoặc vào ngay tiệm sửa chữa ven đường và phải chịu phí cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Không phải chỉ mất mấy chục nghìn cho chi phí vá săm mà chủ xe phải cắn răng chịu mức giá “cắt cổ” từ vài trăm nghìn để thay săm, thay lốp. Thử hỏi lương tâm con người của họ để đâu?

Nghề rải đinh

Vá ô tô trên đường quốc lộ (ảnh: internet)

Đâu chỉ mất tiền, người tham gia giao thông có thể gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng nếu săm, lốp bị thủng khi đang đi trên đường. Một khi xe bị dính đinh, việc điều khiển xe bị mất cân bằng khiến lái xe mất lái, không làm chủ được phương tiện gây tai nạn, có thể dẫn đến tử vong. Vậy nên, rải đinh không chỉ là hành vi kiếm tiền bất chính mà còn là một âm mưu giết người.

Cán phải đinh do các đối tượng rải trên đường thực sự là nỗi kinh hoàng với tất cả các phương tiện giao thông. Chế tài xử lý “đinh tặc” có đủ sức răn đe, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tai nạn rủi ro cho tài xế khi tham gia giao thông?

Đinh cắm vào lốp xe ô tô (Ảnh internet)

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sửa đổi Điều 261 “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định rõ:

Thứ nhất, người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Thứ hai, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Trong trường hợp, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Thiết nghĩ, Nhà nước và các cơ quan chức năng nên thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn “dịch” rải đinh như: Lắp đặt camera theo dõi trên các đoạn đường cao tốc, quốc lộ, đoạn đường giao thông trọng điểm, đoạn đường vắng; tuyên dương, khen thưởng kịp thời các trường hợp phát hiện, tố cáo hành vi rải đinh cũng như những người tình nguyện hút đinh trên các tuyến đường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.

Đan Thanh

(tổng hợp) 

Khó quản thuốc gia truyền trên mạng xã hội

(Kiemsat.vn) – Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ cần ở đâu giới thiệu chữa bệnh hiệu quả thì người bệnh sẽ lập tức tìm đến ngay mà không cần biết kết quả ra sao. Mạng xã hội đang dần trở thành thị trường buôn bán thuốc gia truyền thuận tiện, nhanh chóng.

Đèn chiếu xa, vô tình gây tai nạn

(Kiemsat.vn) – Từ lâu, việc bật đèn chiếu xa vô tội vạ khi tham gia giao thông trong đô thị, ngõ ngách, trên đường cao tốc, các tuyến đường lớn nhỏ đã trở thành ác mộng với rất nhiều người. Không những gây bức xúc, mà nguy hiểm hơn khi nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra do đèn chiếu xa gây lóa mắt, dẫn tới lạc tay lái.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang