Quốc hội thông qua nhiều Luật và Nghị quyết quan trọng

20/06/2017 03:00

(kiemsat.vn)
– Trong tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội đã thông qua hàng loạt các Luật và Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về sân bay Long Thành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Chiều 20/6, Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015.

Thông qua Nghị quyết về Dự án sân bay Long Thành

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Do đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần để thực hiện trước nhằm bảo đảm tiến độ của Dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Với vị trí thuận lợi của Dự án, quỹ đất đã thu hồi sẽ được sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Với 403/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 82,08%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015

Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 quyết nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016.

Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 195.900 tỷ đồng; vay ngoài nước 67.235 tỷ đồng.

454/461 đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015

Tại Hội trường, với 454/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,46% trong tổng số đại biểu, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Thông qua Luật Du lịch (sửa đổi)

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) với 415 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 91,85% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 438 đại biểu tán thành, chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội; 10 đại biểu không tán thành, chiếm 2,04%; 3 đại biểu không biểu quyết, chiếm 0,61% tổng số đại biểu.

Gồm 9 chương, 82 điều, Luật Du lịch (sửa đổi) thông qua quy định về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Đối tượng áp dụng của Luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.

Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018

Tại phiên họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật thủy lợi với 457/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 93,08% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật thủy lợi gồm 10 chương, 60 Điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

Luật thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 458/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,28% tổng số đại biểu.

Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi gồm 6 chương, 60 điều, quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Với 93,28% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Luật có 8 chương, 51 điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý phải tuân thủ nguyên tắc: kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, Luật quy định nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các dự án hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác (nếu có). Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thực hiện do nguồn lực của tổ chức, cá nhân bảo đảm. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Với 92,46%, số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)

Luật có 9 chương 78 điều, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Luật quy định nguyên tắc bồi thường của nhà nước được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng.

Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật này.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính…

Sơn Tùng

Lương cơ sở tăng lên 1.39 triệu đồng/tháng từ 01/7/2018

(Kiemsat.vn) – Sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2018, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.3 triệu đồng/tháng lên 1.39 triệu đồng/tháng.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao là thiết chế góp phần làm trong sạch nền tư pháp

(Kiemsat.vn) – Sáng 7/11, tại phiên thảo luận tại Nhà Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã trả lời những vấn đề mà các ĐBQH, dư luận quan tâm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang