Từ 01/6/2017, đơn giản nhiều thủ tục bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh?

Ngày đăng : 03:37, 12/03/2017

(Kiemsat.vn) – Đó là tinh thần được thể hiện trong Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc lĩnh vực y tế, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2017.

Chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân

Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT (không cần xuất trình thẻ) hoặc xuất trình thẻ BHYT. Đối với trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ như: Thẻ căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân (bao gồm cả chứng minh quân đội), hộ chiếu, thẻ học sinh – sinh viên học viên) hoặc các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi nếu không xuất trình thẻ BHYT, vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế hoặc người được thủ trưởng cơ sở y tế ủy quyền và cha, mẹ, người giám hộ của trẻ phải ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.

Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT. Ảnh: Internet.
Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh chỉ cần cung cấp số thẻ BHYT. Ảnh: Internet.

Trường hợp không mang thẻ, cũng không cung cấp các thông tin trên thì thanh toán chi phí khám, chữa bệnh như đối với người không có thẻ BHYT và chỉ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT kể từ thời điểm xuất trình thẻ.

Đặc biệt, các cơ sở y tế, tổ chức BHXH không được quy định thêm thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT và không được tạm giữ thẻ BHYT của người bệnh.

Đơn giản thủ tục chuyển tuyến

Theo dự thảo, trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.

Trường hợp người bệnh đến cơ sở KCB không phải là cơ sở KCB BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.

Được phép gia hạn giấy chuyển tuyến

Theo dự thảo, giấy chuyển tuyến có giá trị tối đa 30 ngày thay vì trước đây, chỉ có giá trị 10 ngày kể từ ngày ký. Trường hợp người có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 12 tháng. Trường hợp thời gian chuyển tuyến chuyển tiếp qua 02 năm thì người bệnh có trách nhiệm thông báo với cơ sở khám, chữa bệnh về tình trạng hiệu lực của thẻ y tế, trừ đối tượng hưu trí.

Việc không cần xuất trình thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh áp dụng cho cả những người không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc, nhưng có thẻ BHYT và những đối tượng áp dụng khám giám định lần đầu (là cơ sở để chi trả BHXH, BHYT) như: Các bệnh mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục; nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý toàn thân; không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh.

Loan Bảo

Xem thêm>>>

Bệnh nhân sắp được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế y học cổ truyền!?
Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế
Truy tố người đàn ông đạp xích lô chở tôn làm chết cháu bé