Sự kiện nổi bật tuần qua (26/6 – 30/6)

Ngày đăng : 09:15, 02/07/2017

(Kiemsat.vn) - Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời nhiều câu hỏi của cử tri Quận 5 và Quận 11; VKSND tối cao tiếp Đoàn Ủy ban Tư pháp Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Tuyên bố chung Việt Nam-Belarus; Trục xuất Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam; Nga tuyên bố đã tiêu hủy 99% vũ khí hóa học... là những tin tức, sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời nhiều câu hỏi của cử tri Quận 5 và Quận 11

Ngày 26/6/2017, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cùng Tổ đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 4 đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại Quận 5 và Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh.

Tại hai địa bàn nói trên, các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và trả lời nhiều câu hỏi, kiến nghị của đông đảo cử tri về nhiều vấn đề cử tri quan tâm trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…

Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc với cử tri Quận 11

Trả lời cử tri Lê Minh Cường, trú tại phường 15, Quận 11 với những bức xúc về tình trạng tham nhũng, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định đấu tranh phòng chống tham nhũng luôn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và nhà nước ta hiện nay. Thực tế thì công tác đấu tranh với tội phạm này vẫn đang tiếp tục và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cơ chế phát hiện và kiểm soát tội phạm này hiện vẫn còn những lỗ hổng cần phải cải thiện.

Cử tri Quận 5 

Giải đáp những thắc mắc của cử tri về các vấn đề liên quan đến tình hình tội phạm, đồng chí Lê Minh Trí khẳng định với tư cách một đại biểu Quốc hội luôn tăng cường công tác kiến nghị kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; với tư cách Viện trưởng VKSNDTC, đồng chí luôn chỉ đạo các đơn vị kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thăm hỏi cử tri Quận 5 bên lề Hội nghị 

Đồng chí Lê Minh Trí hứa sẽ tiếp tục đóng góp tiếng nói của mình để truyền tải đầy đủ những tâm tư nguyện vọng của người dân thành phố đến diễn đàn Quốc hội.

2. Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm VKSND tỉnh, Tp. khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên

Ngày 27/06, tại Tp. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác 06 tháng đầu năm 2017 của 22 VKSND cấp tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Trần Công Phàn.

Ban lãnh đạo VKSND tối cao chủ trì Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá tinh thần làm việc tập trung, nghiêm túc của toàn thể đại biểu tham dự cũng như biểu dương các kết quả đã đạt được trong 06 tháng đầu năm 2017. Bên cạnh đó, đồng chí Viện trưởng cũng đề ra một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong 06 tháng cuối năm 2017: “Nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí và trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung rà soát, điều chỉnh và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực, phẩm chất và trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu công việc; chú trọng và đề cao công tác thanh tra, được ví là “ Kiểm sát của kiểm sát” như một phương tiện hữu hiệu để lãnh đạo Viện quản lý, điều hành; tiếp tục triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp đã ban hành cũng như chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành ngay sau khi các bộ luật, luật về hình sự có hiệu lực; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy địa phương, đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.

Cùng ngày, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC có buổi làm việc với tập thể Ban giám hiệu Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh về tình hình công tác 6 tháng đầu năm 2017.

Tại buổi làm việc đồng chí Phó Viện trưởng đã nghe đại diện nhà trường báo cáo về tổ chức, hoạt động và kết quả công tác 6 tháng đầu năm. Theo đó, nhà trường triển khai giảng dạy 03 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát với tổng 384 học viên; ngoài ra, còn phối hợp với VKSND các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu với tổng số 600 học viên tham dự.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại cuộc họp Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể biểu dương và động viên tập thể lãnh đạo, Ban giám hiệu nhà trường cố gắng vượt khó, phát huy hơn nữa kết quả đạt được. Về những khó khăn bất cập nêu ra tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hữu Thể ghi nhận và sẽ trao đổi lại các đơn vị có liên quan cùng tập thể lãnh đạo VKSNDTC có hướng xử lý phù hợp. Đồng chí Phó Viện trưởng cũng đặc biệt đánh giá cao tinh thần đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ cơ sở tại đơn vị trong suốt thời gian vừa qua. Về công tác quy hoạch cán bộ, nhà trường cần khẩn trương xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận trên cơ sở phát huy năng lực đội ngũ hiện có để đảm bảo chủ động trong tổ chức hoạt động của nhà trường.

3. VKSND tối cao tiếp Đoàn Ủy ban Tư pháp Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Ngày 28/6/2017, Đoàn Ủy ban tư pháp Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do bà Bouakham Thipphavong, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dẫn đầu đến thăm và làm việc với VKSNDTC. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC tiếp Đoàn.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn tiếp bà Bouakham Thipphavong, Chủ nhiệm Uỷ ban

Tư pháp Quốc hội CHDCND Lào

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi một số kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, tư pháp, hành chính, đặc biệt, là về vấn đề “Xác định cơ chế, cấp phối hợp và giám sát kết quả tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong lĩnh vực tư pháp giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Việt Nam đối với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án, Thanh tra Chính phủ”.

Khẳng định sẽ tạo điều kiện giúp Lào trong việc nâng cao trình độ cán bộ, góp phần xây dựng nền tư pháp hoạt động hiệu quả, mang lại công lý cho nhân dân, một lần nữa Phó Viện trưởng Trần Công Phàn đề nghị thường xuyên trao đổi chuyên gia giữa hai bên.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn tặng quà lưu niệm Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp

Quốc hội CHDCND Lào

Bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp của VKSND Việt Nam đối với đoàn, tại buổi tiếp, bà Bouakham Thipphavong khẳng định, với truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt, gắn bó của Việt Nam và Lào đã xây dựng từ rất lâu đời, bà cam kết sẽ làm hết sức mình tiếp nối truyền thống quý báu và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của hai nước lên tầm cao mới; đồng thời tin tưởng sự hợp tác tư pháp hai nước sẽ có bước tiến triển mạnh mẽ, sâu rộng, hiệu quả, tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển của hai nước Việt Nam-Lào.

4. Tuyên bố chung Việt Nam-Belarus

Ngày 27/6, tại Cung Độc lập ở thủ đô Minsk, sau cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu cấp cao hai nước Việt Nam và Belarus, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Alexander Lukashenko đã ký Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ký Tuyên bố chung. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 6 năm 2017.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko, hội kiến Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Cộng hòa Belarus Vladimir Andreichenko, Thủ tướng Cộng hòa Belarus Andrei Kobyakov.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Chiến thắng, thăm Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Nhà máy Ô tô Minsk, cơ sở quốc phòng Tetraezd, gặp gỡ các thành viên Hội Hữu nghị Belarus-Việt Nam và các cựu chiến binh Belarus đã từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến về thực trạng và triển vọng củng cố và phát triển hợp tác Việt Nam-Belarus, thảo luận các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Kết thúc chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung thể hiện quan điểm tương đồng về các vấn đề quan hệ song phương và quốc tế, khẳng định đường lối nhất quán củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarus.

5. Thủ tướng: “Chưa bỏ biên chế giáo viên, mọi nhà giáo yên tâm”

Sáng 26-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã có cuộc tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng tại Câu lạc bộ Bạch Đằng.

Câu lạc bộ Bạch Đằng hiện có 1.750 hội viên là các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ cao cấp, trung cấp của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang nghỉ hưu, hiện cư trú trên địa bàn TP Hải Phòng.

Thủ tướng: Chưa bỏ biên chế giáo viên, mọi nhà giáo yên tâm. - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri, hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng, TP Hải Phòng – Ảnh: Quang Hiếu

Sau khi nghe bà Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng báo cáo, các cử tri phát biểu ý kiến, đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và một số đề nghị.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thu, trao đổi và trực tiếp giải đáp, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm.

Về vấn đề bỏ biên chế giáo viên, Thủ tướng cho biết, một số trường đại học, cơ sở giáo dục có đề án, chương trình tự trang trải được kinh phí thì ký hợp đồng với giáo viên, còn nếu áp dụng hình thức này cả với giáo viên vùng sâu, vùng xa, cả đời gắn bó với nghề giáo thì không ổn. Thủ tướng khẳng định: “Chưa có chủ trương đó. Mọi nhà giáo yên tâm”.

6. Trục xuất Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam

Ngày 17/5/2017, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-CTN về việc tước quốc tịch Việt Nam đối với Phạm Minh Hoàng do vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ngày 23/6/2017, Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an Việt Nam đã ra Quyết định trục xuất Phạm Minh Hoàng theo đúng thủ tục hành chính vì khi bị tước quốc tịch Việt Nam thì việc cư trú của Hoàng tại Việt Nam là bất hợp pháp.

Trục xuất Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam Đối tượng Phạm Minh Hoàng.

Ngày 24/6/2017, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy thông hành cho Phạm Minh Hoàng để trở về Pháp với tư cách là công dân Pháp. Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với cơ quan của phía Pháp đưa Phạm Minh Hoàng trở về Pháp theo chuyến bay số hiệu VN11M của Hãng hàng không Vietnam Airlines, khởi hành lúc 22 giờ 55 phút ngày 24/6/2017 từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; đến 11 giờ 30 phút ngày 25/6/2017 (tức 06 giờ 30 phút ngày 25/6/2017 theo giờ địa phương tại Pháp) Phạm Minh Hoàng đã trở về Pháp an toàn.

7. Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND

Vụ trưởng các Vụ Giám đốc, kiểm tra thuộc TANDTC; Chánh án TAND cấp cao; Chánh án TAND cấp tỉnh và Chánh án TAND cấp huyện) có hành vi vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Từ ngày 1/7/2017, những người giữ chức danh tư pháp trong TAND có hành vi vi phạm do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp

Ngày 19/6/2017, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 120/QĐ-TANDTC Ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND. Quy định điều chỉnh việc áp dụng nguyên tắc, hình thức, hậu quả, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND có hành vi vi phạm do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. Quy định này không điều chỉnh việc xử lý trách nhiệm Thẩm phán TANDTC và người giữ chức danh tư pháp trong các TAQS. Người giữ chức danh tư pháp trong TAND bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án.

Người giữ chức danh tư pháp trong TAND có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì có thể bị xử lý trách nhiệm bằng các hình thức: kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị; tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao; bố trí làm công việc khác; chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán; không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán. Mặt khác, người bị xử lý trách nhiệm sẽ không được xem xét, đề nghị người có thầm quyền khen tặng danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” trở lên khi kết thúc năm công tác.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Người đứng đầu là người giữ chức vụ quản lý cao nhất tại cơ quan, đơn vị trong các TAND bao gồm: Vụ trưởng các Vụ Giám đốc, kiểm tra thuộc TANDTC; Chánh án TAND cấp cao; Chánh án TAND cấp tỉnh và Chánh án TAND cấp huyện. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong các TAND có hành vi vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sẽ bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi trong một năm công tác, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý có số người giữ chức danh tư pháp bị xử lý trách nhiệm chiếm tỷ lệ từ 10% trở lên trên tổng số người giữ chức danh tư pháp của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu thiếu trách nhiệm hoặc không tổ chức thực hiện việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án theo quy định tại Nghị quyết 03/2017/HĐPT ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ bị xử lý trách nhiệm khi trong cơ quan, đơn vị có Thẩm phán để từ 2 vụ, việc quá thời hạn giải quyết, xét xử từ 12 tháng trở lên theo quy định của BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính. Trong cơ quan, đơn vị có Thẩm tra viên để từ 1 vụ, việc quá thời hạn xem xét, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính dẫn đến vụ, việc không thể kháng nghị hoặc trả lời đơn cho đương sự. Người đứng đầu thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm trong việc tổ chức công tác xét xử của TAND thuộc quyền quản lý, gây ảnh hưởng đến uy tín, uy nghiêm, chất lượng công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc; để quá thời hạn xử lý hoặc không xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra vi phạm pháp luật tại cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng; không chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời theo yêu cầu của Tòa án cấp trên khi đã có văn bản nhắc nhở lần thứ hai. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người giữ chức danh tư pháp thuộc quyền quản lý thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến tiêu cực, tham nhũng thì bị xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác có liên quan.

8. Nga tuyên bố đã tiêu hủy 99% vũ khí hóa học

Khoảng 99% vũ khí hóa học được lưu trữ ở Nga đã bị tiêu hủy”, quan chức cấp cao cho thông tấn RT biết hôm 27-6. “400 tấn hóa chất sản xuất vũ khí hóa học còn lại cũng được tiêu hủy ở làng Kizner, khu vực Udmurt”, ông Kapashin cho biết thêm.

Nga đã tiêu hủy 99% vũ khí hóa học. Ảnh: Ankhov

Do đó, Nga đã đáp ứng các điều khoản được quy định trong Công ước Vũ khí Hóa học (CWC) của Liên hợp quốc mà quốc gia này tham gia 20 năm trước.

Tuân thủ văn kiện, Nga loại bỏ 1% vũ khí hóa học lần đầu vào năm 2003. Sau đó 4 năm, 20% vũ khí hóa học được làm sạch, và đến năm 2009 có đến 45% vũ khí hóa học được loại bỏ.

“Chúng ta sẽ hoàn thành Giai đoạn 4 sớm hơn 1 năm, và sẽ tiêu hủy hoàn toàn 100% kho vũ khí hóa học vào cuối năm 2017,chứ không phải năm 2018”, Thiếu tướng Kapashin kết luận khi trả lời phỏng vấn thông tấn quốc gia Interfax.

9. Triều Tiên muốn tử hình cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Yonhap ngày 29/6 đưa tin, Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo về hình phạt tử hình dành cho cựu Tổng thống Hàn Quốc và một cựu lãnh đạo tình báo vì âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

trieu tien muon tu hinh cuu tong thong han quoc park geun hye hinh 1 Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) trái và cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (giữa). Ảnh:Yonhap

Phản ứng giận dữ của phía Triều Tiên được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin cho rằng, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chỉ thị cho Lee Byung-ho, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un bằng mọi cách, kể cả ám sát.

“Chúng tôi tuyên bố áp đặt án tử hình với bà Park Geun-hye và cựu giám đốc tình báo của bà ta (Lee Byung-ho) – những người này đã lập ra âm mưu tàn ác để làm tổn thương lãnh đạo tối cao Triều Tiên”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin.

Tuyên bố yêu cầu Hàn Quốc phải bàn giao ngay bà Park và ông Lee cho phía Triều Tiên.

Triều Tiên cũng cảnh báo rằng, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không thông báo trước đối với những cá nhân, tổ chức tham gia theo đuổi âm mưu tấn công khủng bố chống lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Chúng tôi không che giấu điều đó, nếu chính phủ Mỹ và Hàn Quốc phớt lờ cảnh báo này và thách thức các biện pháp cứng rắn của chúng tôi, họ sẽ phải trả giá đắt”, tuyên bố của Triều Tiên nhấn mạnh.

Anh Nga (tổng hợp)