Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến: Từ góc nhìn người trong cuộc

16/03/2017 09:39

(kiemsat.vn)
Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là hình thức tự đào tạo trực tiếp, thiết thực nhằm nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.

Các điểm cầu theo dõi phiên tòa rút kinh nghiệm  Ảnh: Hoàng Minh Pháp

  01 năm tổ chức 12 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến

Tại Tp Hồ Chí Minh, VKSND quận 8 đã đi tiên phong và tổ chức thành công nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó rút ra những kinh nghiệm quý báu, phục vụ cho yêu cầu công tác.

Gần 01 năm vừa qua, tính từ quý 2 năm 2016, VKSND quận 8 đã tổ chức được 12 phiên tòa rút kinh nghiệm (2 phiên tòa dân sự, 10 phiên tòa hình sự). Theo đó, các phiên tòa diễn ra dưới sự theo dõi trực tiếp của các cán bộ, Kiểm sát viên của phòng THQCT, KSXX phúc thẩm, giám đốc thẩm án hình sự VKSND Tp. Hồ Chí Minh và các đơn vị trong cụm là VKSND quận 7, VKSND huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ.

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, lãnh đạo và cán bộ công chức của 2 đơn vị đã tham gia phiên họp đánh giá rút kinh nghiệm trực tuyến với 4 điểm cầu còn lại. Bên cạnh đó, người tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm tiến hành họp nêu quan điểm nhận xét, đánh giá để người chủ trì phiên họp kết luận về những vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm theo diễn biến phiên tòa.

Góc nhìn người trong cuộc

Ông Nguyễn Văn Chung – Viện trưởng VKSND quận 8 cho biết : “Để tổ chức một phiên tòa rút kinh nghiệm thì không chỉ đơn vị tổ chức phải đầu tư nhiều nguồn lực, mà các đơn vị có liên quan cũng phải đầu tư tài chính, thời gian cũng như nhân lực cho việc phối hợp với đơn vị tổ chức, đặc biệt là các đơn vị ở xa như huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè…, nhưng với sự hỗ trợ đặc biệt hiệu quả của hệ thống truyền trực tuyến do VKSNDTC triển khai, VKSND quận 8 đã nghiên cứu xây dựng thành công hệ thống thiết bị ghi hình trực tiếp tại phòng xử án để truyền trực tuyến tín hiệu hình ảnh và âm thanh đến phòng làm việc của Chánh án, Viện trưởng VKS cũng như đến các điểm cầu khác. Các cá nhân và đơn vị tham dự chỉ cần có mặt tại trụ sở đơn vị để theo dõi trực tiếp phiên tòa. Do đó, VKSND quận 8 đã phối hợp cùng Tòa án nhân dân Quận 8 tổ chức thành công nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm thời gian qua”.

Bà Trần Thị Tuyết Loan – Chánh án TAND quận 8 cho biết: “Với việc tổ chức thành công nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm trong cả lĩnh vực dân sự và hình sự, hệ thống kết nối dữ liệu hình ảnh và âm thanh từ phòng xử án đến phòng làm việc của Chánh án, Viện trưởng và trong tương lai là phòng làm việc của Thường trực Quận ủy đã phục vụ hết sức hiệu quả cho việc theo dõi trực tiếp hoạt động tác nghiệp của các cán bộ tư pháp tại phiên tòa. Đối với bản thân từng cán bộ của đơn vị cũng có thể nghiên cứu lại các tư liệu này để không ngừng tự hoàn thiện bản thân”.

Có thể nói, đây là một trong những khâu công tác triển khai ứng dụng CNTT để góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách tư pháp mà VKSND quận 8 đã tiên phong và thực hiện có hiệu quả. Đồng thời cũng cho thấy các các đơn vị cơ sở đã chủ động, sáng tạo và nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của cấp trên trong các mặt công tác chuyên môn, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý chỉ đạo điều hành của ngành Kiểm sát.

Nhiều kinh nghiệm được rút ra

Là một KSV được lãnh đạo VKSND quận 8 phân công tham gia xét xử những vụ án phức tạp tại địa bàn, đặc biệt là các vụ án rút kinh nghiệm bằng hình thức truyền hình trực tuyến, anh Đỗ Văn Khá cho biết: “Mặc dù đã nhiều lần trực tiếp thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng như tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm do đồng nghiệp thực hiện, nhưng đối với truyền hình trực tuyến, bản thân tôi lần đầu vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Vì lúc này, bản thân KSV đồng thời phải thực hiện 2 nhiệm vụ là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, vừa phải chú ý đến vấn đề kỹ thuật thu âm, thu hình trực tuyến nên đã gặp nhiều áp lực để có thể hoàn thành tốt vai trò của đại diện VKS tại phiên tòa.

Tuy nhiên, KSV Đỗ Văn Khá cũng cho biết thêm, sau lần đầu tiên thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đã nhận thức rõ hơn về hiệu quả đem lại của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nâng cao chất lượng nghiệp vụ của KSV tại phiên tòa”.

Đối với KSV Nguyễn Kim Sen thì: “phần phát biểu luận tội của KSV tại phiên tòa trực tuyến là một trong những yêu cầu hết sức nặng nề vì đòi hỏi KSV phải cập nhật rất nhanh diễn biến tại phiên tòa để điều chỉnh lại đề cương luận tội đã được chuẩn bị trước, đồng thời phần trình bày phải có những tùy biến phù hợp với từng đối tượng khác nhau chứ không thể chỉ có một phong cách bất biến trong mọi trường hợp. Do đó, sau khi được xem lại hình ảnh và âm thanh ghi lại diễn biến phiên tòa, bản thân tôi tự nhận thấy cần phải có những điều chỉnh nhất định về âm lượng, giọng nói, biểu cảm của gương mặt cũng như một số từ ngữ trong phần luận tội để có thể tăng tính thuyết phục hơn đối với phần luận tội của KSV”.

Khắc phục những hạn chế để hoàn thiện

Với những hiệu quả thiết thực mà phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến mang lại, thì vẫn còn không ít những hạn chế sẽ phải được hoàn thiện trong thời gian tới như: Về tính bảo mật của hệ thống, do hệ thống được xây dựng và triển khai trên nền tảng internet với sự tham gia của nhiều điểm cầu nên không thể tránh khỏi nguy cơ bị tấn công bởi các loại virus, phần mểm gián điệp, mã độc… có thể gây mất an toàn dữ liệu của các đơn vị.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên tòa nói vào micro để đảm bảo chất lượng âm thanh đưa vào hệ thống. Đây là vấn đề cần có giải pháp kỹ thuật thống nhất vì các micro tại phiên tòa đều là micro hữu tuyến (có dây) để đảm bảo tính bảo mật nhưng những người sử dụng không phải lúc nào cũng phát biểu vào micro mà thường tập trung hơn vào các nội dung trình bày và hướng mặt vào các vị trí khác nhau nên không đảm bảo được độ ổn định của âm thanh thu được từ micro. Do đó, nếu được triển khai sử dụng micro không dây cài áo hoặc đeo tai thì có thể đảm bảo hơn nhưng phải có giải pháp đảm bảo an ninh đối với các thiết bị không dây này theo đúng qui định.

Quận 8 là địa bàn phức tạp và có lượng án ma túy lớn nhất trong 24 đơn vị trực thuộc VKSND Tp. Hồ Chí Minh. Tổng lượng án mỗi năm chiếm khoảng 3.000 vụ/việc, trong đó án hình sự chiếm 600 vụ và gần 2.500 vụ/việc dân sự; thi hành án khoảng 3.000 vụ việc với tổng giá trị thi hành lên tới hơn 900 ngàn tỷ. Trong khi đó cán bộ biên chế toàn đơn vị chỉ có 30 đồng chí nên vấn đề đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung đã luôn được quán triệt và đạt hiệu quả cao.

Việc kết nối truyền hình trực tuyến phiên tòa rút kinh nghiệm đã rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót, nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát đơn vị cấp cơ sở.

Hoài Vy

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang