Phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV bế mạc

22/03/2017 08:31

Kiemsat.vn - Sau 6 ngày làm việc, chiều 21/3, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 8.

“Nóng” quanh việc thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh

Trước đó, trong phiên họp sáng nay, đa số ý kiến đều cho rằng, thủy sản không phải là nguồn tài nguyên vô tận, vì thế việc sửa đổi Luật cần có các quy định nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi này. Về lực lượng kiểm ngư, có ý kiến đề nghị giữ nguyên tổ chức và hoạt động của hệ thống kiểm ngư như hiện nay bao gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư vùng, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư tại địa phương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng, bên cạnh hệ thống Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư vùng, đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị không nhất thiết tỉnh nào cũng có mà tùy theo mức độ quan trọng, phạm vi vùng biển phụ trách thì có thể thành lập kiểm ngư cấp tỉnh.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, quy định về các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; phương án cứu nạn, cứu hộ; huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ; hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho người và phương tiện được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ; quyền và trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ…

Phiên họp thứ 8 thành công với bảy nội dung chính

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau 6 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật: Luật quy hoạch và Luật quản lý ngoại thương. Đối với Luật quản lý ngoại thương, đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3.

Đối với Luật quy hoạch, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới và sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 để cho ý kiến một lần nữa, trước khi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3 dự thảo luật: Luật du lịch (sửa đổi), Luật đường sắt (sửa đổi), Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra các dự án luật nói trên cùng với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh một bước các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước ngày khai mạc của Quốc hội theo quy định là 20 ngày.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 3 gồm Luật thủy sản (sửa đổi), Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba.

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu ý kiến tại phiên họp và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 vào tháng 4 tới.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công an tiếp thu, nghiên cứu ý kiến tại phiên họp. Ủy ban sẽ chuẩn bị một văn bản để thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Chính phủ, các cơ quan hữu quan để tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành nghị định này.

Thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế. Việc này Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện và ban hành theo đúng quy định.

Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết, đó là Nghị quyết quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đề nghị Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các Ủy ban có các dự thảo luật sẽ báo cáo trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách vào đầu tháng 4 phải vào cuộc ngay để rà soát lại tất cả những văn bản để báo cáo tại hội nghị đại biểu chuyên trách này để nâng cao chất lượng của các dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 tới.

Sơn Tùng

Lương cơ sở tăng lên 1.39 triệu đồng/tháng từ 01/7/2018

(Kiemsat.vn) – Sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2018, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.3 triệu đồng/tháng lên 1.39 triệu đồng/tháng.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao là thiết chế góp phần làm trong sạch nền tư pháp

(Kiemsat.vn) – Sáng 7/11, tại phiên thảo luận tại Nhà Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã trả lời những vấn đề mà các ĐBQH, dư luận quan tâm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang