Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu

28/09/2017 10:48

(kiemsat.vn)
– Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” về vùng đất này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn thể vào ngày 27/9/2017.

ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Tính đến tháng 4 năm nay, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của miền Tây đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.

ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, thời gian gần đây ĐBSCL đang thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường …Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.

Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha một năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên chuyến bay thị sát ĐBSCL (ảnh VGP)

Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu được tổ chức quy mô lớn, với 500 nhà khoa học trong và ngoài nước, các lãnh đạo cao nhất của 13 tỉnh thành, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra một mô hình phát triển phù hợp nhất cho đồng bằng quan trọng bậc nhất nước ta.

Lạc quan trước tương lai tươi sáng của mảnh đất Chín Rồng

Hội nghị được tổ chức ba phiên họp quan trọng. Phiên thứ nhất: bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Phiên thứ hai: thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Phiên thứ ba: do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở. Đặc biệt, trong ngày họp cuối cùng hôm qua, 27/9, phiên họp toàn thể do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp toàn thể ngày 27/9 (ảnh VGP)

Khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng ĐBSCL trong việc sản xuất lúa gạo, thủy sản và trái cây đối với cả nước và xuất khẩu thế giới. Trong thời gian qua Đảng, Chính phủ luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển ĐBSCL; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thủ tướng đánh giá cao các hội nghị chuyên đề đã diễn ra, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp nhiều ý kiến quý báu cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện BĐKH diễn ra gay gắt.

Trước đó, Thủ tướng có chuyến khảo sát trực tiếp vùng ven biển ĐBSCL. Mặc dù ĐBSCL đang phải đối mặt không ít thách thức, Thủ tướng lạc quan trước tương lai tươi sáng của vùng đất này. Thủ tướng cho rằng: Trước hiện tượng của thiên nhiên chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất. Trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có nhất của Tổ quốc Việt Nam gần 100 triệu dân.

Chính phủ đầu tư một tỷ USD cho ĐBSCL

Các báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các lãnh đạo 13 tỉnh thành cùng các Bộ, ngành đã góp ý nhiều ý kiến cơ bản cho sự phát triển ĐBSCL. Lãnh đạo các tỉnh An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như tái cơ cấu lại ngành kinh tế trong vùng, trong đó xác định rõ vai trò của từng tỉnh, xem xét lại chỉ tiêu bảo vệ đất lúa; xử lý sự cố sạt lở, bảo vệ các công trình trọng yếu của vùng. Đầu tư và nâng cấp mở rộng các hồ chứa nước nhằm tăng khả năng tích trữ và chủ động nguồn nước trong mọi tình huống. Phát triển các cụm công nghiệp sinh thái sản xuất lúa gạo khép kín với quy mô lớn, tiết kiệm nước và năng lượng…  Về phía các chuyên gia đầu ngành, GS Võ Tòng Xuân đề nghị Việt Nam phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có, không thể thụ động chờ đợi vào các quốc gia thượng nguồn. Phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp với từng điều kiện nguồn nước (lợ, nước ngọt, mặn); mạnh dạn bỏ hạn điền, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…

Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị này phải thành lập ngay cơ chế điều phối vùng. Đồng thời, kịch bản biến đổi khí hậu 2010 phải được cập nhật, công bố công khai cho chính quyền và người dân nắm chắc thông tin chủ động ứng phó. Về đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 2020 phải giải ngân có hiệu quả một tỷ USD để làm một số công trình: Cống sông Cái lớn – Cái bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng…

Thủ tướng cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%; thời gian tới Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng một tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng.

Để phát triển bền vững Tây Nam Bộ, Thủ tướng cho biết định kỳ hai năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô lớn như lần này để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.

Sơn Tùng

(tổng hợp)

Thủ tướng: Việt Nam muốn tiếp tục là đối tác kinh doanh tin cậy

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit).

Đề xuất Chính phủ đổi giờ làm việc từ 8h30 trên cả nước

Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh giờ làm từ 8h30, kết thúc lúc 17h, nghỉ trưa một tiếng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang