Những lưu ý khi kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

08/04/2018 05:14

(kiemsat.vn)
– Để thực hiện tốt kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, mỗi KSV cần phải nắm vững quy định của pháp luật và chú trọng những hoạt động cần thiết trước phiên tòa, tại phiên tòa và sau khi kết thúc phiên tòa.

Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm VAHC

Thứ nhất, xem xét việc thực hiện các thủ tục tố tụng của Toà án

Khi nhận được các văn bản tố tụng KSV phải nghiên cứu kỹ thông báo thụ lý vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có), quyết định trưng cầu giám định (nếu có), xem xét hình thức, nội dung trong từng văn bản như ngày, tháng, năm ban hành, dấu, chữ ký của người có thẩm quyền ban hành các vấn đề tố tụng như: Thời hạn giải quyết vụ án, thủ tục lấy lời khai của các đương sự… có vi phạm tố tụng hay không? nếu có vi phạm thì phải thực hiện quyền kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục, sửa chữa (theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật TTHC năm 2015).

Luật TTHC năm 2015 đã xác định “Đối thoại trong tố tụng hành chính” là một trong những nguyên tắc cơ bản, vì vậy: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này.” (Điều 20 Luật TTHC).

Thứ hai, xem xét tổng thể toàn bộ nội dung vụ án

– Kiểm sát viên cần xác định tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện. Việc xác định tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện được đặt ra ngay khi kiểm sát thụ lý, kiểm sát lập hồ sơ vụ án của Tòa án và trở thành nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình tố tụng. Tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện được thể hiện ở các điểm sau:

+ Tư cách pháp lý của người khởi kiện, người đại diện, người được đương sự uỷ quyền tham gia tố tụng;

+ Thủ tục, điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 Luật TTHC; các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hoặc các tài liệu chứng minh cho việc đương sự đã khiếu nại nhưng không được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trả lời, biên lai nộp dự phí, án phí và các tài liệu liệu đương sự nộp cùng đơn khởi kiện;

+ Thời hiệu khởi kiện: Có được thực hiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC không?

– Xác định tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, cụ thể:

+ Đối với quyết định hành chính bị khởi kiện, KSV phải nghiên cứu chi tiết ngày, tháng, năm ban hành, thẩm quyền ký quyết định, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền đối chiếu với các quy định của pháp luật để xem xét văn bản đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

+ Đối với hành vi hành chính bị khởi kiện, KSV phải nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ công vụ của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đang bị khởi kiện, để xác định hành vi hành chính đang bị khởi kiện có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?

– Xác định nội dung tranh chấp, quan hệ tranh chấp, nội dung yêu cầu của những người tham gia tố tụng khác, xác định tính hợp pháp, tính có căn cứ của các yêu cầu này. Việc xác định nội dung quan hệ tranh chấp cũng đồng thời với việc xác định tư cách của người khởi kiện, người bị kiện, người đại diện, người được uỷ quyền hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thứ ba, đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án

– Kiểm sát viên phải kiểm tra kỹ lưỡng từng loại nguồn chứng cứ và xác định nguồn chứng cứ, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật (nghĩa là nguồn chứng cứ và chứng cứ phải được thu thập theo quy định tại các điều 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92 của Luật TTHC). Đây là khâu công tác hết sức quan trọng và dễ bị sai sót mà KSV cấp sơ thẩm thường hay mắc phải do thiếu kinh nghiệm hoặc do nhận thức chưa đúng về tính chất và tầm quan trọng của khâu công tác này.

– Xác định chứng cứ có trong hồ sơ đã đầy đủ để chứng minh cho yêu cầu của các đương sự tham gia vụ kiện chưa?

– Đối chiếu, phân tích các tài liệu, chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan, bản chất trong quan điểm của từng đương sự và bản chất của mâu thuẫn trong nội dung vụ án cần được giải quyết.

– Tập hợp, chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ có giá trị chứng minh để có quan điểm đúng về việc giải quyết vụ án.

Thứ tư, làm rõ các vấn đề về áp dụng pháp luật

– Xem xét nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ra quyết định hành chính (hoặc thực hiện hành vi hành chính) đang bị khởi kiện; quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện gây thiệt hại gì cho người khởi kiện; các văn bản pháp luật nội dung điều chỉnh quan hệ pháp luật đang có tranh chấp là những văn bản nào…

– Xác định yêu cầu khởi kiện có được chấp nhận hay không, chấp nhận những vấn đề gì.

– Đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan của yêu cầu khởi kiện trên cơ sở đối chiếu, phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nghiên cứu kỹ quan điểm của các chủ thể tham gia tố tụng (thông qua bản trình bày quan điểm của họ và các lời khai do Toà án lập) để từ đó làm rõ sự thật khách quan của quan hệ đang có tranh chấp, cũng như những mâu thuẫn trong các lời trình bày, lời khai của các đương sự, trên cơ sở đó chuẩn bị lý lẽ, căn cứ pháp lý để bảo vệ hoặc bác bỏ các tài liệu cũng như yêu cầu của các đương sự.

Thứ năm, xây dựng hồ sơ kiểm sát phải bao gồm các tài liệu phản ánh đầy đủ hoạt động tiến hành tố tụng của Toà án nhân dân, VKSND và những người tham gia tố tụng khác, bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được văn bản thông báo thụ lý vụ án của Toà án nhân dân và kết thúc khi KSV hoàn thành việc kiểm sát bản án, quyết định do Toà án cùng cấp gửi đến. Các tài liệu, chứng cứ cần có trong hồ sơ kiểm sát là: Đơn khởi kiện của đương sự, biên lai thu dự phí án phí sơ thẩm, quyết định hành chính bị khởi kiện (nếu đương sự khởi kiện hành vi hành chính thì hành vi này phải được nêu trong đơn khởi kiện); Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai (nếu có), các tài liệu thể hiện việc đương sự đã khiếu nại nhưng không được giải quyết, các tài liệu, chứng cứ do người bị khởi kiện cung cấp nhằm bác lại yêu cầu khởi kiện cũng như các tài liệu chứng minh cho yêu cầu phản tố của họ, các tài liệu do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp… (những tài liệu, chứng cứ này cần được phô tô); Trích lục những lời trình bày hoặc khai nhận của những người tham gia tố tụng khác, nhưng phải bảo đảm tính đầy đủ, khách quan, toàn diện.

Thứ sáu, chuẩn bị đề cương để tham gia hỏi tại phiên toà

– Kiểm sát viên phải chuẩn bị câu hỏi cho từng đương sự, từng vấn đề đang có mâu thuẫn, tranh chấp; có câu hỏi nhằm xác định giá trị chứng minh của tài liệu, có câu hỏi nhằm làm rõ sự thật khách quan của nội dung đang có tranh chấp.

– Câu hỏi mà KSV đưa ra phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tập trung vào vấn đề cần làm sáng tỏ và phù hợp với từng đối tượng được hỏi.

Thứ bảy, dự thảo quan điểm về việc giải quyết vụ án của Viện kiểm sát để trình bày tại phiên toà

Theo quy định tại Điều 190 Luật TTHC, tại phiên tòa sơ thẩm: “Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án…”.

Như vậy, phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm chỉ bị hạn chế đối với nhóm người tiến hành tố tụng (Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân), còn đối với nhóm người tham gia tố tụng thì không bị hạn chế. Vì vậy, tại phiên tòa, KSV có thể vận dụng các quy định của pháp luật để hỏi các đương sự, người làm chứng, người phiên dịch…và kết hợp với việc nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi tham gia phiên tòa để phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát đối với đối tượng khởi kiện vụ án hành chính (quyết định hành chính, hành vi hành chính) và về tính hợp pháp hay không hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, đề xuất quan điểm, đường lối giải quyết vụ án.

Dự thảo quan điểm về việc giải quyết vụ án của Kiểm sát viên phải nêu được các vấn đề sau:

Loại việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định tại Điều 30 Luật TTHC?

Việc thụ lý và giải quyết vụ án của Toà án đã đúng với quy định tại các điều 31, 32, 33 Luật TTHC chưa?

Người khởi kiện có phải là người bị thiệt hại do quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đang bị khởi kiện gây ra theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật TTHC không?

Đối tượng khởi kiện, điều kiện khởi kiện đã đầy đủ theo quy định tại Điều 115 Luật TTHC?

Thời hiệu khởi kiện còn hay hết theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC?

– Dự thảo ý kiến được thông qua Lãnh đạo Viện trước khi KSV tham gia phiên toà.

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm

Tại phiên tòa sơ thẩm KSV có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng hành chính. Cụ thể:

– Kiểm tra tư cách pháp lý của những người tiến hành tố tụng. Trường hợp phát hiện thấy thành phần Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng theo quy định tại các điều 46, 47, 49 Luật TTHC thì phải yêu cầu Hội đồng xét xử quyết định thay đổi thành viên đó. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên về việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký phiên toà và vẫn tiến hành xét xử thì ngay sau phiên toà, KSV phải báo cáo Lãnh đạo Viện cấp mình để xem xét việc kháng nghị, kiến nghị.

– Căn cứ các điều 157, 159, 160, 161 Luật TTHC, KSV kiểm tra tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng. Trường hợp vụ án có sự tham gia của những người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch mà họ vắng mặt thì KSV phải đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà theo quy định tại Điều 162 Luật TTHC. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của KSV thì Kiểm sát viên vẫn tiếp tục tham gia phiên toà, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng ngay sau phiên toà phải báo cáo với Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để xem xét việc kháng nghị, kiến nghị.

– Kiểm sát viên căn cứ quy định tại các điều 167, 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 187, 188, 191, 192, 194 và 195 Luật TTHC để kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng tại phiên toà của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên toà; các thủ tục: thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, hỏi tại phiên toà, tranh luận tại phiên toà, nghị án, tuyên án.

– Theo dõi và ghi chép diễn biến phiên toà: Kiểm sát viên cần chú ý theo dõi và ghi chép những câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng như những câu trả lời của các đương sự, đối chiếu, so sánh với các tài liệu, chứng cứ cũng như lời khai, lời trình bày của họ có trong hồ sơ vụ án, từ đó phát hiện những mâu thuẫn, vướng mắc để yêu cầu Hội đồng xét xử làm sáng tỏ hoặc để trực tiếp hỏi sau khi Hội đồng xét xử hỏi xong.

– Kiểm sát viên tham gia hỏi: Căn cứ Điều 177 Luật TTHC thì Kiểm sát viên tham gia hỏi các đương sự sau khi đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác, Hội đồng xét xử kết thúc. Kiểm sát viên trực tiếp hỏi các đương sự, những người tham gia tố tụng các vấn đề chưa được hỏi đến và các vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Với những vấn đề mới phát sinh tại phiên toà, KSV phải hỏi nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vấn đề đó, đồng thời, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để đưa ra ngay quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận một tài liệu, một chứng cứ hoặc một vấn đề.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải chủ động xử lý những tình tiết mới phát sinh, nếu tình tiết mới có đủ tài liệu căn cứ chứng minh không cần xác minh thêm thì phải có ý kiến phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Trường hợp có tình tiết mới nhưng chưa đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để thu thập chứng cứ bổ sung.

– Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, theo đề nghị của Chủ tọa phiên toà, KSV phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất quan điểm giải quyết vụ án.

– Khi Chủ tọa phiên toà tuyên án, KSV cần chú ý nghe và ghi chép nhanh phần nhận định, những căn cứ pháp luật mà Hội đồng xét xử dựa vào đó để đưa ra quyết định giải quyết vụ án để có cơ sở cho hoạt động kiểm sát bản án, quyết định của Toà án sau phiên toà.

Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa

– Báo cáo kết quả xét xử với Lãnh đạo Viện và Viện kiểm sát cấp trên. Nội dung báo cáo phải nêu tính có căn cứ, hợp pháp (hay không hợp pháp) của quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án được Kiểm sát viên trình bày tại phiên toà.

– Nghiên cứu phần nhận định của Toà án trong bản án, quyết định xem có phù hợp với các tình tiết của vụ án hay không? Toà án áp dụng các văn bản pháp luật về nội dung để giải quyết vụ án đã phù hợp, đúng pháp luật chưa? đối chiếu phần quyết định trong bản án, quyết định với phần ghi chép của Kiểm sát viên cũng như ý kiến đề xuất về đường lối giải quyết vụ án của Viện kiểm sát tại phiên toà để phát hiện vi phạm. Đề xuất với Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm), chuẩn bị căn cứ pháp luật, dự thảo văn bản kháng nghị (trong trường hợp ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án không được Hội đồng xét xử chấp nhận).u

Ths. Lê Văn Hảo

Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh.

TCKS số 13/2017

Xem thêm>>>

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính 2015

Những vấn đề nào cần được làm rõ khi kiểm sát hồ sơ thi hành án dân sự, hành chính?

Từ chối đến Tòa làm chứng được không? 

Tôi vô tình chứng kiến hai người hàng xóm chém nhau và đã ký tên vào biên bản lời khai của cơ quan công an. Mới đây, tôi nhận được giấy triệu tập của Tòa án mời lên tòa làm chứng. Gia đình tôi không đồng ý cho tôi đến tòa làm chứng vì sợ trả thù. Tôi có thể từ chối việc làm chứng này được không?

Lương ngành Toà án giống lương hành chính là không hợp lý

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đối với ngành Tòa án mà chính sách tiền lương áp dụng như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý (trừ Chánh án TAND tối cao). Do đó cần có chính sách lương thích hợp với ngành này, nhất là 3 chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Toà.
lên đầu trang