Những điều cần lưu ý khi nhận mang thai hộ

26/05/2017 11:21

(kiemsat.vn)
– Pháp luật Việt Nam đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, trong thực tế có thể phát sinh nhiều tình huống bất ngờ. Do vậy, người phụ nữ nhận mang thai hộ cần nắm được các quy định của pháp luật để bảo quyền lợi của mình.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những điểm mới, tiến bộ của pháp luật hôn nhân và gia đình. Quy định này đã mở ra cơ hội được làm cha, mẹ thực sự cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, không thể sinh con, khi cho phép họ có quyền nhờ người khác mang thai hộ. Tuy nhiên, khi một người quyết định nhận mang thai hộ người khác thì cần lưu ý một số vấn đề sau:

Mục đích nhân đạo

Một người chỉ được nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” được giải thích là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mai giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Điều kiện để được mang thai hộ

– Phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ;

– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

– Ở độ tuổi phù hợp và và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

– Người phụ nữ mang thai hộ phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng nếu đang có chồng;

– Phải được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý.

Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ

– Cặp vợ chồng nhận mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

– Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

– Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

– Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

– Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

Ly hôn trong thời gian mang thai hộ

Trong một số trường hợp, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ xảy ra mâu thuẫn và có ý định ly hôn. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc người vợ đang mang thai con chung của 2 vợ chồng hay mang thai hộ mà chỉ nhấn mạnh trường hợp người vợ đang có thai trong thời kỳ hôn nhân. Cho nên, nếu người mang thai hộ không đồng ý thì chồng của họ sẽ bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn cho đến khi đứa con được sinh ra, còn nếu cả 2 thuận tình thì Tòa án sẽ thụ lý và cho ly hôn.

Tranh chấp khi bên nhờ mang thai hộ không muốn nhận con

– Trong trường hợp cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ ly hôn, không muốn nhận đứa trẻ và bên mang thai hộ không tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng con thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho con. Theo yêu cầu của người giám hộ, bên nhờ mang thai hộ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

– Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ánh Phượng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang