Những dấu mốc quan trọng hình thành, phát triển chế định THQCT, KSĐT vụ án hình sự

17/01/2017 09:07

Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự là lĩnh vực công tác quan trọng nhằm thực hiện chức năng chung của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND). Sự hình thành chế định thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra (KSĐT) vụ án hình sự […]

Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự là lĩnh vực công tác quan trọng nhằm thực hiện chức năng chung của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND). Sự hình thành chế định thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra (KSĐT) vụ án hình sự (sau đây gọi tắt là THQCT và KSĐT) gắn liền với sự ra đời, từng bước trưởng thành của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND). Trải qua hơn 55 năm từ khi VKSND được thành lập đến nay, chế định THQCT và KSĐT vụ án hình sự đã không ngừng bổ sung và phát triển tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của VKSND trong tiến trình tố tụng hình sự, góp phần xử lý nghiêm minh tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có điều kiện phát triển toàn diện. Nội dung bài viết này tác giả trình bày những dấu mốc quan trọng của sự hình thành, phát triển chế định THQCT và KSĐT trong phạm vi các giai đoạn tố tụng hình sự: Khởi tố, điều tra và truy tố.

Sơ lược về khái niệm Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra

Để tìm hiểu khái niệm Thực hành quyền công tố trước hết chúng ta cần tìm hiểu khái niệm Quyền công tố bởi vì khái niệm thực hành quyền công tố thuộc nội dung của khái niệm quyền công tố (quyền công tố rộng hơn).

Quyền công tố là một khái niệm pháp lí gắn liền với bản chất Nhà nước, nó tồn tại trong bất kì các kiểu Nhà nước nào. Quyền công tố đến nay đã trở thành một chế định pháp lý độc lập được thừa nhận chung trong tố tụng hình sự của các nhà nước pháp quyền. Ở nước ta quyền công tố xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Tháng 7/1967, sau khi nghe báo cáo công tác của ngành KSND trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh “Không có cơ quan nhà nước nào có thể thay thế ngành Kiểm sát để sử dụng quyền công tố”(1).

Từ điển Luật học giải thích quyền công tố là “quyền của Nhà nước truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội”(2).

Thuật ngữ thực hành quyền công tố lần đầu tiên được qui định tại Điều 138 Hiến pháp năm 1980, sau đó là Điều 137 Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết số 51/2001/QH10 về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Điều 107 Hiến pháp năm 2013; BLTTHS các năm 1988, 1990 (sửa đổi, bổ sung), 2003, 2015; Luật tổ chức VKSND các năm 1981, 1988 (sửa đổi, bổ sung), 2002, 2014; Qui chế về THQCT và kiểm sát tuân theo pháp luật (KSTTPL) trong điều tra các vụ án hình sự các năm 2004, 2008.

Ở nước ta, khái niệm thực hành quyền công tố đã và đang được các nhà khoa học nghiên cứu, bàn luận nhiều trong khoa học pháp lí ở các công trình khoa học, bài viết dưới nhiều góc độ, ở nhiều phạm vi khác nhau, gây ra không ít tranh cãi. Trong đó, không ít ý kiến đề nghị xem xét lại chức năng của VKS khi xây dựng Hiến pháp 1992 và trong quá trình cải cách tư pháp. Những ý kiến này đề nghị VKS chỉ thực hiện chức năng công tố và chuyển VKS thành Viện công tố. Quốc hội đã không chấp nhận và Hiến pháp 1992 vẫn giữ nguyên mô hình VKS trong bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định “Trước mắt, VKSND giữ nguyên chức năng như hiện nay là THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp. VKSND được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án.”

Trong bài viết Viện kiểm sát hay Viện công tố? của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Phúc đã phân tích và khẳng định: “VKS chính là công cụ thực hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền, khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật, là người bảo vệ pháp luật quan trọng nhất của quốc gia… Viện công tố không phải là mô hình thích ứng cho đấu tranh chống tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng. Mô hình VKS có nhiều ưu thế hơn hẳn Viện công tố trong lĩnh vực này vì hai lý do sau: Thứ nhất, VKS có nhiều khả năng phòng ngừa, răn đe và chủ động trong đấu tranh phòng, chống tội phạm… Thứ hai, là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù của VKS có những lợi thế hơn hẳn bất cứ cơ quan nhà nước nào trong đấu tranh chống tham nhũng”(3).

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này vì nhà khoa học đã đưa ra luận giải thuyết phục qua nghiên cứu kỹ: mô hình Viện công tố, VKS các nước, nền tảng chính trị, điều kiện thực tế của nước ta, phù hợp với năng lực và uy tín của VKSND đã trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành, phát triển, vị thế của VKSND trong hệ thống cơ quan nhà nước. Tính hợp lý đó tiếp tục được khảng định bằng một đạo luật tối cao hiện hành là Hiến pháp năm 2013, tại Điều 107 ghi nhận chức năng THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Thể “Thực hành quyền công tố là việc sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lí thuộc nội dung quyền công tố để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử”(4).

Luật tổ chức VKSND năm 2014, tại Điều 3 đã đưa ra khái niệm “Thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.” Ngành KSND, đa số các nhà khoa học và cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp nhất trí cao với khái niệm này.

Mặc dù vậy, quyền công tố và THQCT đang còn là vấn đề phức tạp, có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, do đó cần phải được tiếp tục nghiên cứu.

– Kiểm sát điều tra có nguồn gốc từ thuật ngữ “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật”. Tuy nhiên, kiểm sát việc tuân theo pháp luật có phạm vi rộng hơn.

Kiểm sát điều tra được hiểu là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước của VKSND theo luật định để kiểm tra, giám sát hoạt động của CQĐT và các cơ quan khác được tiến hành một số hoạt động điều tra cũng như toàn bộ các hoạt động khác xảy ra khi các cơ quan này điều tra vụ án hình sự có đúng qui định của pháp luật không, nhằm đảm bảo pháp chế thống nhất, chống bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Theo Từ điển luật học, kiểm sát điều tra là “công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”(5).

Thuật ngữ kiểm sát điều tra và nội dung của KSĐT có trong Luật Tổ chức VKSND năm 1960, Thông tư liên bộ số 427/TTLB ngày 28/6/1963 của Bộ Công an, VKSND tối cao; BLTTHS các năm 1988, 1990 (sửa đổi, bổ sung), 2003, 2015; Luật Tổ chức VKSND các năm 1981, 1988 (sửa đổi, bổ sung), 2002, 2014; Qui chế về THQCT và KSTTPL trong điều tra các vụ án hình sự các năm 2004, 2008; Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015.

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm về KSĐT, trong đó có khái niệm  “Kiểm sát điều tra là VKSND thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật toàn bộ các hoạt động xảy ra trong quá trình Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động điều tra nhằm đảm bảo cho việc điều tra được thực hiện theo đúng qui định của pháp luật, chống bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội”.(6)

Thuật ngữ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chưa có trong từ điển. Lần đầu tiên thuật ngữ này xuất hiện tại Chương II, Luật Tổ chức VKSND năm 2002. THQCT và KSĐT được qui định cụ thể trong BLTTHS các năm 2003, 2015; Qui chế về THQCT và KSTTPL trong điều tra các vụ án hình sự các năm 2004, 2008 và tại Chương 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Nhiều cuốn sách, bài viết, luận văn, luận án nghiên cứu về THQCT và KSĐT, nhưng đến nay chưa có công trình khoa học nào đưa ra khái niệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Mười lăm năm hình thành chế định thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự (1960 – 1975)

Từ năm 1958 đến trước năm 1960 cơ quan Công tố của Việt Nam được thành lập (theo Nghị quyết ngày 25/01/1958 của Quốc hội), gọi là Viện công tố, tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập.

Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg qui định về tổ chức và nhiệm vụ của Viện công tố là: “Giám sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của Nhà nước, truy tố theo pháp luật hình sự những kẻ phạm pháp để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, đảm bảo công cuộc kiến thiết và cải tạo xã hội chủ nghĩa”. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Viện công tố có nhiệm vụ: “Điều tra và truy tố trước Toà án những kẻ phạm pháp về hình sự”.

Theo Hiến pháp năm 1959, sự ra đời của VKS thay thế cho mô hình Viện công tố gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo pháp chế thống nhất, đặt nền tảng cho việc xây dựng nhà nước kiểu mới, đó cũng là nền móng đầu tiên cho sự hình thành qui định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Điều 105 của Hiến pháp này nêu rõ: “VKSND tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa KSTTPL của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các VKSND địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định”.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đầu tiên. Nội dung Luật này đã thể hiện VKSND không chỉ có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trên lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội mà thực hiện cả chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong giai đoạn này, miền Nam chưa thống nhất nên công tác kiểm sát nói chung, công tác THQCT và KSĐT vụ án hình sự nói riêng chỉ thực hiện ở miền Bắc. Đây là giai đoạn khai sinh mở đầu nên chỉ hình thành những qui định chung nhất về KSTTPL của VKSND đối với CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền điều tra; quyền truy tố tội phạm trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Luật này đã qui định và khái quát những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của VKS khi THQCT và KSĐT tại Điều 13: “Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Toà án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; KSTTPL trong việc điều tra của cơ quan Công an và của CQĐT khác”. Các quyền của VKSND trong kiểm sát việc điều tra của cơ quan Công an và Cơ quan điều tra khác được qui định tại Điều 16 đó là: Yêu cầu cơ quan Công an hoặc CQĐT khác tiến hành điều tra tội trạng và truy nã can phạm đang trốn; yêu cầu cơ quan Công an hoặc CQĐT khác cung cấp những tài liệu cần thiết để chứng minh tội trạng của can phạm; nếu thấy chứng cớ chưa rõ ràng thì trả lại hồ sơ để cơ quan Công an hoặc CQĐT khác tiến hành điều tra thêm; tham gia việc điều tra hoặc khi cần thiết thì tự mình tiến hành điều tra; truy tố hoặc miễn tố can phạm; đình cứu các vụ án hình sự theo qui định của pháp luật; khi thấy việc điều tra của cơ quan Công an hoặc CQĐT khác có chỗ không đúng pháp luật thì yêu cầu sửa chữa; trường hợp nhân viên điều tra phạm tội trong việc điều tra thì truy cứu về trách nhiệm hình sự.

Việc chống oan, chống lọt đã được Đảng quan tâm ngay từ thời gian này, tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 1966 vào tháng 3/1967, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và quán triệt “Đối với những hành vi phạm pháp của một số công dân, cần có biện pháp xử lý thích đáng, kiên quyết không xử oan một người ngay, nhưng cũng không để lọt một kẻ có tội”(7).

Văn bản đầu tiên và là Thông tư liên tịch đầu tiên qui định về công tác KSĐT của Viện kiểm sát là Thông tư liên bộ số 427/TTLB ngày 28/6/1963 của Bộ Công an, VKSND tối cao qui định tạm thời một số nguyên tắc về quan hệ công tác giữa VKSND tối cao với Bộ Công an. Tại Chương 1 qui định “VKS có nhiệm vụ kiểm sát việc điều tra của CQĐT, đồng thời cũng có nhiệm vụ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra lập hồ sơ những vụ phạm pháp hình sự”. Phạm vi KSĐT theo qui định tại Chương 2 của Thông tư được bắt đầu từ sau khi khởi tố vụ án và kết thúc khi VKS phê chuẩn cáo trạng và truy tố bị can ra trước Tòa án, miễn tố bị can hoặc đình cứu vụ án theo qui định của pháp luật; VKS hoàn lại hồ sơ để cơ quan Công an điều tra bổ sung nếu thấy “hồ sơ thiếu những chứng cớ chủ yếu”.

Sự quan tâm của Đảng đối với VKSND trong thời điểm rất khó khăn này là nguồn động viên lớn, Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò của VKSND tại Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 01/7/1963, trong đó nêu rõ “Tổ chức VKSND là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản”. Đối với công tác giải quyết án hình sự, Bộ Chính trị chỉ đạo: “Để kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng và đấu tranh chống bọn tội phạm hình sự một cách có hiệu quả, cần có sự tác động chặt chẽ giữa 3 ngành Công an, Kiểm sát, Toà án”, đồng thời chỉ đạo các ngành nêu trên phải cùng nhau thoả thuận qui định quan hệ công tác nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng.

Trong thời kỳ này Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng (năm 1967); Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN (năm 1970) đã được ban hành, làm căn cứ cho việc giải quyết một số loại tội phạm hình sự đang là vấn đề nổi cộm vào những năm đó.

Có thể nói đây là thời kỳ sơ khai, chưa có Bộ luật Hình sự (BLHS), BLTTHS, là thời kỳ khó khăn nhất để hình thành nên hệ thống pháp luật. Các nhà làm luật đã xây dựng những qui định ban đầu về THQCT và KSĐT trong điều tra vụ án hình sự. Các qui định này phù hợp với điều kiện thực tế, dù chưa đầy đủ, toàn diện nhưng đã tạo ra khuôn mẫu mang tính bắt buộc và được tổ chức thực hiện thống nhất, nghiêm minh trên toàn miền Bắc, góp phần tích cực phòng, chống tội phạm, bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Sự phát triển của chế định thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra từ năm 1976 đến năm 1991

Đây là thời kỳ miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, do đó công tác THQCT và KSĐT các vụ án hình sự cũng như các lĩnh vực công tác kiểm sát khác được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Để thể chế hóa đường lối của Đảng trong giai đoạn mới, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1980, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của VKSND trong tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo pháp chế thông qua thực hiện chức năng THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật (từ Điều 138 đến Điều 141), trong đó Điều 138 lần đầu tiên qui định về thực hành quyền công tố.

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức VKSND năm 1981 tiếp tục khẳng định công tác KSĐT của VKSND trong điều tra đối với cơ quan Công an và CQĐT khác.  Điều 9 Luật này qui định 4 nhiệm vụ của VKSND trong giai đoạn điều tra là: Đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được điều tra để xử lý theo pháp luật, không để lọt, làm oan người; không để một người nào bị bắt, bị tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm trái pháp luật; việc khởi tố và điều tra phải đúng quy định; việc truy cứu bảo đảm tính hợp pháp. Sáu quyền của VKSND trong giai đoạn này (Điều 10) là: Kiểm sát việc khởi tố, khởi tố hình sự; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng của CQĐT; ra các quyết định bắt, tạm giam, gia hạn tạm giam, tha, tạm tha, khám xét, thu giữ tang vật; kiểm sát các hoạt động điều tra của CQĐT, trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra; quyết định truy tố hoặc miễn tố, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra. Như vậy, các hoạt động điều tra, KSĐT được định hình cụ thể, rõ ràng hơn, gắn với trách nhệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Đáng lưu ý Luật này bổ sung các qui định mới so với Luật tổ chức VKSND năm 1960 và các văn bản liên quan đó là kiểm sát khởi tố, phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ.

Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã thể hiện các chủ trương đường lối đổi mới toàn diện đất nước, về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường pháp chế, cải tiến hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Một bước ngoặt lịch sử trong phát triển chế định THQCT và KSĐT là BLTTHS đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/6/1988 đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Điều 23 qui định “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, THQCT, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Bộ luật này dành riêng Chương XIV (từ Điều 141 đến Điều 144) qui định về KSĐT, quyết định việc truy tố. Điều 141: Khoản 1 qui định “VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật, THQCT, bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ” và việc kiểm sát “phải kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, đề ra biện pháp khắc phục”; khoản 2 quy định 4 nhiệm vụ (cơ bản như Điều 9 Luật Tổ chức VKSND năm 1981), khoản 3 qui định 7 quyền (6 quyền như Điều 10 Luật Tổ chức VKSND năm 1981, nhấn mạnh quyền “tự mình khởi tố” và bổ sung quyền yêu cầu Thủ trưởng CQĐT thay đổi Điều tra viên vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra), đây là sự tiến bộ trong lập pháp, là bắt đầu sự phát triển của tố tụng hình sự (TTHS) mang tính khoa học, bài bản, tạo nền tảng pháp lý cho THQCT và KSĐT.

Tiếp đó, Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) năm 1988 ban hành, qui định KSTTPL trong giai đoạn điều tra tại Điều 3, bổ sung điểm mới là “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của các CQĐT, của Bộ đội biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm”. Điều 9 qui định công tác THQCT và KSĐT các vụ án hình sự thực hiện theo quy định tại Điều 141, Điều 142 BLTTHS.

Thời kỳ này sự ra đời của các bộ luật, luật, pháp lệnh như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989), Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990); Luật đất đai (1987)… mở đầu thời kỳ đổi mới của cả hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cơ bản đối với hoạt động của ngành Kiểm sát trong giai đoạn mới, là căn cứ pháp lý cho công tác THQCT và KSĐT.

Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện BLTTHS năm 1988, ngày 30/6/1990 Quốc hội thông qua BLTTHS sửa đổi, bổ sung. Bộ luật này bổ sung quyền “khởi tố bị can” (điểm a, khoản 1, Điều 141); thay đổi thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm sát của VKS cấp trên bằng VKS trực tiếp giải quyết án (khoản 1 Điều 142) và bổ sung quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, quyền gia hạn tạm giam sau khi nhận hồ sơ kết thúc điều tra của VKS (khoản 2 điều 142). Như vậy,VKS phải nghiên cứu kĩ căn cứ khởi tố bị can để ra quyết định khởi tố bị can đảm bảo có căn cứ; kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong suốt quá trình điều tra vụ án và sau khi kết thúc điều tra vụ án tiếp tục kiểm tra xem có cần thiết phải tiếp tục áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cũng như gia hạn tạm giam.

Có thể nói thời kì này chế định THQCT và KSĐT đã được bổ sung cụ thể, chi tiết hơn. Đặc biệt, các quyền của VKS gắn liền với trách nhiệm, gắn với các hoạt động điều tra của CQĐT, cơ quan được tiến hành các hoạt động điều tra, thuận lợi hơn cho công tác giải quyết án hình sự của VKSND. Tuy nhiên, các qui định chưa phân định rành mạch những hoạt động nào của VKS là THQCT, những hoạt động nào của VKS là KSĐT.

Nguyễn Thị Mai Nga

Nguồn: TCKS số 6/2016

Chú thích:
(1) Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác của VKSND qua 55 năm tổ chức và hoạt động (26/7/1960 – 26/7/2015), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (năm 2015, tr. 25, 26).
(2) Nhà xuất bản Từ điển bách khoa phổ thông (năm 1999, tr. 270).
(3) Tạp chí Khoa học pháp luật số 2 (39), năm 2007.
(4) Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Nhà xuất bản Tư pháp (năm 2008, tr. 57).
(5) Nhà xuất bản Từ điển bách khoa phổ thông (năm 1999, tr. 260).
(6) Nguyễn Thị Mai Nga. Cơ sở lí luận, thực trạng của điều tra và truy tố các tội phạm về ma túy, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (năm 2012, tr. 127).
(7) Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác của VKSND qua 55 năm tổ chức và hoạt động (26/7/1960-26/7/2015), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (năm 2015, tr. 25).
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang