Nhận diện thủ đoạn trục lợi bảo hiểm

17/08/2017 05:45

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN), trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT cho thấy tình trạng lạm dụng, trục lợi với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau.

Cán bộ BHXH tiếp nhận hồ sơ cấp sổ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: H.A

Cán bộ BHXH tiếp nhận hồ sơ cấp sổ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: H.A

Trước thực trạng trên, BHXH VN đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về BHXH, BHTN, BHYT trong đó có phối hợp với ngành công an.

Khởi tố nhiều vụ án

Thông qua việc triển khai thực hiện quy chế và với sự phối hợp với lực lượng cảnh sát nói chung mà chủ yếu là với lực lượng cảnh sát kinh tế nói riêng về lĩnh vực BHXH, BHYT, từ năm 2012 đến tháng 6.2017, ngành BHXH và lực lượng cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Tại TPHCM, hai cơ quan đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lạm dụng các chế độ chính sách để trục lợi quỹ BHXH như một số cá nhân phối hợp, tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và BHXH một lần với số tiền chiếm đoạt là 1.315 triệu đồng (gồm 39 hồ sơ: 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản với số tiền là 1.287 triệu đồng và 4 hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần với số tiền là 29 triệu đồng).

Có trường hợp cơ quan BHXH nhập không đúng mức lương tham gia BHXH dẫn đến thanh toán thừa 54 triệu đồng giải quyết chế độ cho 1 đối tượng. Tuy nhiên, sau nhiều lần cơ quan BHXH yêu cầu đối tượng hoàn trả lại số tiền thừa nhưng đối tượng không thực hiện mà cố tình chiếm đoạt số tiền này.

Tại tỉnh Đồng Nai, BHXH phát hiện tình trạng đối tượng làm giả các chứng từ như: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (mẫu C65-HD), Giấy khai sinh, Giấy ra viện, Giấy chứng minh nhân dân… nộp đến cơ quan BHXH để thanh toán các chế độ BHXH. Qua phối hợp điều tra giữa hai ngành, cơ quan BHXH đã chuyển 116 hồ sơ, giấy tờ làm giả để hưởng chế độ ốm đau, thai sản với số tiền 394 triệu đồng cho cơ quan công an để xác minh, làm rõ.

Tại Quảng Ninh, có đơn vị làm giả Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh bản sao, lập 2 bảng chấm công và bảng lương hàng tháng để trục lợi quỹ BHXH. Qua kiểm tra, BHXH tỉnh đã thu hồi số tiền vi phạm 485 triệu đồng, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an để điều tra và khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” điều tra làm rõ vụ án, truy tố 4 bị can liên quan.

Có trường hợp đại diện đại lý thu BHYT tự nguyện đã sửa chữa tẩy xóa thẻ BHYT (đối với thẻ BHYT cũ đã hết hạn và in đè hạn sử dụng mới) thu tiền của nhân dân để chiếm đoạt trên 300 triệu đồng. Cơ quan BHXH đã thu hồi 148 được thẻ BHYT bị tẩy xóa, sửa chữa và bàn giao hồ sơ cho cơ quan công an khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quá trình điều tra đã làm rõ vụ án và truy tố hai bị can liên quan.

Cần thiết phải có chương trình phối hợp cụ thể định kỳ

Qua thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh đối với các vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, các chuyên gia của BHXH cho biết, các đối tượng thường tập trung vào các phương thức, thủ đoạn như lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHTN để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là quỹ ốm đau – thai sản.

Ví dụ: Quy định lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con được hưởng chế độ nhưng trong Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12.5.2016 quy định giấy chứng sinh không ghi tên cha nên khó xác định việc tham gia BHXH của người vợ trong trường hợp lao động nam hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con; điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con; NLĐ nghỉ hưởng hết chế độ thì ngừng tham gia BHXH…

Đặc biệt là tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH. Khi NLĐ nghỉ việc, DN có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả cho NLĐ. Nếu sau 12 tháng, NLĐ không đến nhận sổ BHXH thì DN trả cho cơ quan BHXH lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng thực tế, các DN không có ý thức chốt và trả sổ BHXH; NLĐ ít khi nhận sổ BHXH sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa. Điều này đã tạo điều kiện cho đối tượng ngoài xã hội thông đồng với DN thu gom, mua sổ BHXH, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH.

Ngoài ra, có những DN cố tình lập và sử dụng hai hệ thống thang bảng lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho NLĐ; một hệ thống lương dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH. Với thủ đoạn này, các DN đã trốn đóng một khoản chênh lệch không nhỏ BHXH, BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Giám đốc BHXH TPHCM – cho rằng, trước tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày càng tăng và tinh vi, hai ngành cần thiết phải có chương trình phối hợp cụ thể định kỳ, hàng quý, hàng năm nhằm tạo thuận lợi trong trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT kịp thời, để có thể ngăn chặn ngay, hạn chế tác hại của hành vi vi phạm, khó thu hồi số tiền sai phạm về quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ chân chính.

Ngoài ra, khi Bộ Luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ 1.1.2018, quy trình chuyển hồ sơ tội phạm từ cơ quan BHXH sang cơ quan điều tra rất cần được cụ thể trong các chương trình phối hợp giữa hai ngành, được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để vừa ngăn ngừa tội phạm hình sự có liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, vừa góp phần cho sự phối hợp giữa cơ quan công an và hệ thống BHXH ngày càng chặt chẽ hơn vì mục tiêu an sinh xã hội.

Theo lao.dong

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang