Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý

10/01/2017 08:25

Không chỉ một lần, cũng không phải do vô tình hay “dại dột”, những kẻ "ném đá giấu tay" với mưu đồ đen tối thời gian qua đã tán phát nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đời tư cá nhân một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội… Những thông tin bịa đặt đó như luồng gió độc phá hoại sự bình yên, phát triển của xã hội, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội.

Những kẻ “ném đá giấu tay” còn nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đã đến lúc, cùng với sự lên án mạnh mẽ của dư luận và công luận, các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm minh…

Độc địa, táng tận lương tâm

Dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vừa qua, dư luận hết sức bất bình khi trong bầu không khí tươi vui, hân hoan của quân và dân cả nước, tối 22-12-2016, mạng xã hội loan truyền thông tin bịa đặt việc Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần. Ngay lập tức, thông tin này được tán phát rất nhiều kèm theo những phân tích, bình luận suy diễn hết sức phản động về những cái gọi là “âm mưu chính trị”, “bị quản thúc”, “đấu đá nội bộ”… Đây không phải lần đầu kẻ xấu tung tin bịa đặt về Đại tướng Phùng Quang Thanh. Trước thềm Đại hội XII của Đảng, chúng từng có một “chiến dịch” phao tin đồn nhảm ông từ trần khi đang chữa bệnh ở Pháp. Nhưng lần này, chúng tung tin bịa đặt đúng ngày truyền thống của quân đội. Không dừng ở đó, “kẻ tung người hứng”, chúng tiếp tục có những bài viết đưa ra thông tin nguy hiểm khi lập lờ so sánh, rồi cho rằng: Một số lãnh đạo phải “chọn ngày lễ để ra đi” nhằm thể hiện sự phản kháng do bị quản thúc, do đấu đá nội bộ. Đến đây, âm mưu của chúng đã lộ rõ, không dừng ở phao tin nhảm đánh vào sự hiếu kỳ mà thông tin ấy được tung ra vào thời điểm có chủ đích, để có căn cứ xuyên tạc chế độ, làm mất niềm tin của bộ đội và nhân dân…

Nghiêm trị những hành vi vi phạm đạo lý và pháp lý
Ảnh minh họa. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 từng bày tỏ sự bất bình, cực lực lên án những hành vi táng tận lương tâm tung tin đồn về Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ông khẳng định, đó không chỉ là những thông tin bịa đặt trắng trợn mà còn muốn làm chia rẽ chúng ta.

“Nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người đang sống bị kẻ xấu tung tin qua đời thì sẽ thấy đó là việc làm phi đạo đức. Việc làm đó càng đáng bị lên án khi người bị bôi nhọ là đồng chí Phùng Quang Thanh thì ai cũng biết là người đã từng vào sinh ra tử, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Vụ tung tin bôi xấu lại đúng ngày thành lập quân đội, mà đây không phải lần đầu chúng tung tin như vậy. Đây không những là sự xúc phạm danh dự cá nhân lãnh đạo mà còn là sự xúc phạm, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, của quân đội”-cựu chiến binh Nguyễn Phi Long ở Kiến Xương, Thái Bình bức xúc trao đổi.

Nguy cơ đe dọa an toàn của cộng đồng

Câu chuyện nêu trên chỉ là một dẫn chứng điển hình về thủ đoạn tung tin bịa đặt của các thế lực thù địch. Ngày 14-12-2016 vừa qua, cơ quan chức năng Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành bắt quả tang Nguyễn Danh Dũng, sinh năm 1987, lập và quản trị nhiều trang web, blog chuyên đăng tải các video clip có nội dung xuyên tạc, bịa đặt đường lối chính sách của Đảng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã điều tra, phát hiện trường hợp Nguyễn Chí Khương ở huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre đã tán phát, tung tin sai sự thật việc đoàn xe Chủ tịch Quốc hội về thăm Bến Tre, nhưng thực chất là đoàn xe của địa phương tham gia diễn tập khu vực phòng thủ năm 2016. Theo cơ quan chức năng, việc đăng tải lên thông tin không đúng sự thật, tạo kẽ hở để những phần tử xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, vu khống, nói xấu Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao như trường hợp của Khương cần phải xử lý nghiêm minh. Nhưng xét động cơ, mục đích và hoàn cảnh của Khương chỉ vì câu like và bị lợi dụng để xuyên tạc nên cơ quan chức năng quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174 của Chính phủ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ và xử lý nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội đưa thông tin xuyên tạc. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân không chỉ ở nhiều địa phương trên cả nước; thậm chí không ít kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã viết thư, gọi điện bày tỏ sự đồng tình về cách xử lý kiên quyết, đúng người, đúng tội của các cơ quan chức năng.

Qua những vụ việc trên cho thấy: Hành vi tán phát thông tin bịa đặt gây tác hại rất lớn, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và sự bình yên, phát triển của cộng đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước này đã được một số nước xếp ngang với những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Chính phủ Anh xếp loại tội phạm này ngang hàng với tấn công khủng bố, tấn công bằng vũ khí hóa học.

Đẩy lùi bằng cả sức mạnh pháp lý và đạo lý

Được biết, hiện nay chúng ta đã có hệ thống pháp lý và hành lang kỹ thuật tương đối đồng bộ và đủ mạnh để xử lý các đối tượng xấu tung tin bịa đặt. Về mặt pháp luật, theo luật sư Kiều Anh Vũ (Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn), Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nếu hành vi tung tin sai sự thật đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì quy định, nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Về mặt kỹ thuật, hiện nay Cục An toàn thông tin và các nhà mạng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có thể dùng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ truy tìm những đối tượng lợi dụng internet để tán phát thông tin sai sự thật và thông tin thuộc bí mật Nhà nước, tổ chức, cá nhân và xử lý theo pháp luật. Trên thực tế, nhiều kẻ chuyên viết bài tung tin bôi nhọ nhằm vào một số đồng chí lãnh đạo đăng trên các trang mạng từ nước ngoài như Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Hữu Vinh đã bị cơ quan Công an điều tra, khởi tố và bị tòa tuyên án hình sự. Một số đối tượng khác như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần… cũng đã bị chính quyền kiên quyết xử lý vì có hành vi vu khống, xuyên tạc, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Song, có một thực tế là cho đến nay, phải chăng do chưa có đối tượng nào bị xử lý hình sự riêng về hành vi tung tin xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm đời tư cá nhân các đồng chí lãnh đạo nên kẻ xấu vẫn “nhờn luật”, chưa đủ sức răn đe? Đặc biệt gần đây, số vụ việc sử dụng internet, mạng xã hội tán phát thông tin, xuyên tạc, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam có xu hướng gia tăng. Trong khu vực, nhiều nước gần đây đã có những xử lý nghiêm khắc với hành vi dùng mạng xã hội tán phát thông tin xuyên tạc như chính quyền Cam-pu-chia tuyên phạt nhiều năm tù với một số đối tượng kích động gây rối an ninh xã hội nghiêm trọng và kích động gây chia rẽ, theo Điều 495 và 496 Bộ luật Hình sự Cam-pu-chia. Trung Quốc cũng bắt giam 9 người vì “bịa rồi tán phát tin đồn” vu cáo sĩ quan quân đội cùng binh sĩ tham gia biểu tình. Đã đến lúc các cơ quan pháp luật phải xử lý mạnh tay với những hành vi trái ngược với cả đạo lý và pháp lý này.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân gần đây, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một trong những giải pháp để đẩy lùi thông tin xuyên tạc bịa đặt là phải tiếp tục hoàn chỉnh luật pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Người tốt được tin cậy, người không tốt bị giám sát. Người tốt có chỗ dựa, người xấu không dám lộng hành. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý mạng xã hội; nghiên cứu học hỏi các nước tiên tiến trên thế giới để có giải pháp quản lý tốt hơn. Mặt khác, phải định hướng, nâng cao nhận thức cho mọi công dân để người dân biết sàng lọc thông tin. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa-xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị, những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội, gây chia rẽ trong nội bộ Đảng, gây hoang mang trong nhân dân, chúng ta cương quyết bác bỏ và lên án những ý đồ đen tối đó, coi đây là loại tội phạm cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Từ vụ việc kẻ xấu tung tin bịa đặt về lá đơn tố cáo của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, anh Hoàng Hiền, một cựu chiến binh đang sống tại phường Long Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội), cho biết: “Cần phải xử lý cả những người tán phát thông tin mà không kiểm chứng. Khi vụ việc xảy ra, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã lên tiếng bác bỏ đó là thông tin bịa đặt, kẻ xấu đã mạo danh ông, bản thân ông không hề viết đơn thư tố cáo bất kỳ ai. Những bạn bè, đồng đội tôi nhiều người sử dụng facebook nhưng không ai chia sẻ, tán phát loại thông tin ấy, song tôi thấy chỉ duy nhất một người xưng là cựu chiến binh, không rõ thật hay giả thì lại “nhiệt tình” chia sẻ thông tin này. Điều đó cho thấy phần lớn người dân rất tỉnh táo và cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, đơn từ vu cáo, nhằm gây mất lòng tin của nhân dân. Song nếu cơ quan chức năng xử lý mạnh tay, “khoanh vùng” để xử lý cả những người tán phát thông tin bịa đặt thì sức răn đe sẽ lớn hơn, cô lập, đẩy lùi loại thông tin độc hại này”.

Xuất phát từ tính chất nguy hại và hết sức thâm độc của việc đưa tin bịa đặt, không đúng sự thật, nhất là việc xuyên tạc, vi phạm đời tư của cá nhân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Kinh nghiệm cho thấy, trong mọi lĩnh vực, vụ việc, để giải quyết một cách hiệu quả, cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với tiến hành biện pháp hành chính. Tuy nhiên, đối với những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi xấu, xúc phạm danh dự của tập thể, cá nhân sẽ hiệu quả hơn nếu được xử lý một cách kiên quyết, triệt để; thậm chí phải sớm điều tra, làm rõ, xử lý hình sự với hành vi sai phạm nhiều lần như trường hợp tung tin đồn liên quan đến Đại tướng Phùng Quang Thanh. Bởi hành vi đó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân lãnh đạo mà còn ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của quân đội, của Đảng.

Đối với nhân dân, cần tỉnh táo, lựa chọn tiếp cận thông tin, không nghe, không đọc, không tin, không bàn luận, không chia sẻ những loại thông tin xấu độc, bịa đặt. Khi không còn “đất sống”, chúng sẽ như bóng đêm nhanh chóng bị xua tan dưới ánh sáng mặt trời.

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân

Theo qdnd.vn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang