Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy

02/12/2016 02:50

Lời Tòa soạn: Ngày 18/11/2016, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy" thông qua hình thức trực tuyến kết nối đến hơn 800 điểm cầu trên cả nước. Bài viết này xin tổng hợp một số nội dung trọng tâm cần chú ý được rút ra từ Hội nghị tập huấn này.

Đối với cán bộ, Kiểm sát viên (KSV) Viện kiểm sát các cấp thì yêu cầu quan trọng nhất là không để oan, sai, không để lọt tội phạm – đây là lời phát biểu khai mạc Hội nghị của đồng chí Nguyễn Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã khẳng định; để làm tốt yêu cầu này, đồng chí cho rằng phải đảm bảo 2 điều kiện: Thứ nhất, phải nắm chắc các quy định của pháp luật, đặc biệt là các đạo luật về tư pháp như: Bộ Luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, và Luật Tổ chức VKSND năm 2014…; thứ hai, KSV phải giỏi về nghiệp vụ, phải có kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng chuyên sâu đối với từng loại án.

Trong thời gian qua, tội phạm về ma túy là một loại tội phạm hết sức nguy hiểm, phức tạp; việc đấu tranh, điều tra, phát hiện, xử lý đối với loại tội phạm này hết sức khó khăn. Để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát đối với loại án này Viện kiểm sát (VKS) cũng gặp khó khăn tương tự như Cơ quan điều tra. Việc tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa thiết thực không chỉ cho các KSV, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy nói riêng, mà còn cho các KSV, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự nói chung.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4) nêu rõ tình hình tội phạm về ma túy ở Việt Nam trong những năm qua có chiều hướng diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, về tính chất nguy hiểm và hậu quả của nó gây ra cho xã hội. Viện kiểm sát các cấp đã làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra hàng chục nghìn vụ án, lập cáo trạng đề nghị truy tố hàng trăm nghìn bị can phạm tội về ma túy ra trước Tòa án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên, trong khâu công tác này vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, tồn tại, vi phạm về tố tụng dẫn tới nhiều vụ án bị kéo dài thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, tỉ lệ án bị hoàn trả hồ sơ do thiếu chứng cứ hoặc có vi phạm trong hoạt động tố tụng… Từ thực tế trên, Vụ 4 là đơn vị tham mưu, xây dựng tài liệu tập huấn trong đó giới thiệu, phổ biến các nhóm kỹ năng trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án ma túy, gồm: Kỹ năng trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang; kiểm sát việc khám xét thu giữ vật chứng; kiểm sát quyết định trưng cầu giám định kết luận giám định; kiểm sát việc thu giữ thu tín, điện tín; kiểm sát điều tra đối với các vụ án ma túy được phát hiện qua biện pháp “truy xét”; kiểm sát hoạt động hỏi cung và trực tiếp hỏi cung bị can; kỹ năng của KSV khi xây dựng cáo trạng đối với các vụ án ma túy.

Các ý kiến tham luận về những kỹ năng, kinh nghiệm từ thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy tập trung vào những nhóm vấn đề chính sau đây:

Về việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Theo VKSND tỉnh Lai Châu thì việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng có vai trò rất quan trọng. Đây là giai đoạn đầu tiên để các cơ quan có thẩm quyền xác định có tội phạm hay không, từ đó quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Để làm tốt khâu công tác này, VKSND tỉnh Lai Châu đã ký quy chế phối hợp với nhiều ngành: Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, Thanh tra nhà nước, Thuế, Quản lý thị trường… Ngoài ra, VKS tỉnh còn tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, VKS hai cấp đã phân công cán bộ, KSV thực hiện việc kiểm sát theo ngành, theo địa bàn. Qua đó, VKS đã trao đổi kịp thời để Cơ quan điều tra xác minh, phân loại tố giác, tin báo tội phạm nhằm đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định. Trường hợp cần thiết, Lãnh đạo VKS chủ động họp bàn với Lãnh đạo Cơ quan điều tra phân loại xử lý những tin báo phức tạp, nghiêm trọng. Với các ngành, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Thủ trưởng các đơn vị tham gia ký kết quy chế có trách nhiệm thông báo và cung cấp đầy đủ các số liệu tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, số vụ đã khởi tố, số vụ không khởi tố thuộc trách nhiệm của đơn vị mình và gửi đến VKS. Nếu trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm thì VKS yêu cầu chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết hoặc yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố và chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Với Công an các xã, nếu thấy có vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng Công an xã không chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra cấp huyện để khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật thì VKS cấp huyện yêu cầu Công an xã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện để khởi tố.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu công tác này, như: Các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ, các văn bản dưới luật chưa đầy đủ, kịp thời; mặt khác, về nguyên nhân chủ quan, Cơ quan điều tra vẫn còn nhận thức công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một quyền độc lập của Cơ quan điều tra dẫn đến việc tùy nghi trong quá trình thực hiện… Từ những khó khăn, vướng mắc trên, đồng chí Lại Hợp Mạnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình đã nêu ra những giải pháp mà đơn vị mình thực hiện như: Lãnh đạo VKSND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo hai cấp kiểm sát phải chú trọng đa dạng hóa phương thức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được gửi đến VKS; duy trì lịch tiếp công dân, công khai hòm thư tố giác tội phạm; mở rộng các kênh, nguồn thông tin để quản lý, nắm chắc tình hình, diễn biến tội phạm, tệ nạn ma túy; qua công tác thống kê, rà soát hồ sơ người nghiện ma túy, các tụ điểm ma túy phức tạp tại xã, phường, thị trấn để chuyển và yêu cầu Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh giải quyết…

Đối với những trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội trong việc kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về ma túy mà Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh nhưng không thực hiện thì Viện kiểm sát tỉnh Tuyên Quang trực tiếp xác minh. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của VKS tỉnh Tuyên Quang thì phải tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW, đối với những vụ án ma túy có khó khăn, vướng mắc nhạy cảm, phức tạp cần kịp thời báo cáo, đề nghị cấp ủy cùng cấp chủ trì cuộc họp Lãnh đạo Liên ngành Tư pháp để thống nhất giải quyết.

Những kinh nghiệm trong kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang

Theo VKSND tỉnh Điện Biên, việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là thủ tục tố tụng ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, là căn cứ pháp lý phục vụ cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án, đòi hỏi việc lập biên bản phải mô tả thật chi tiết, cụ thể, khách quan, trung thực mọi diễn biến xảy ra khi bắt, giữ người phạm tội. Vì vậy, biên phải được lập theo đúng mẫu quy định; nội dung biên bản phải nêu chi tiết, cụ thể về thời gian, địa điểm nơi xảy ra tội phạm, mọi diễn biến trong quá trình phát hiện, bắt giữ; Vật chứng thu giữ gồm những loại gì cần phải được liệt kê đầy đủ, mô tả chi tiết từng loại, loại nào có biên bản niêm phong riêng; cần phải ghi lời khai người chứng kiến để họ khẳng định việc chứng kiến việc lập biên bản là đúng sự thật khách quan… Đặc biệt, khi bắt giữ được đối tượng cần đấu tranh khai thác ngay nguồn gốc ma túy vì lời khai ban đầu thường là khách quan, trung thực – đây cũng là kinh nghiệm của VKSND tỉnh Hậu Giang. VKSND thành phố Đà Nẵng cho rằng kinh nghiệm của đơn vị để làm tốt khâu công tác này là phải phân công cho những KSV có nhiều kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực này. Chính vì các KSV đều hiểu được tầm quan trọng của biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với việc khởi tố vụ án và có nghiệp vụ vững trong việc kiểm sát lập biên bản. Kinh nghiệm VKSND tỉnh Bình Dương là khi lập biên bản người có hành vi phạm tội quả tang thì phải chú ý đến những mâu thuẫn giữa lời khai của các đối tượng với nhau (nếu có) như lời khai người bị bắt quả tang với nhân chứng… để củng cố đánh giá chứng cứ không để xảy ra thiếu sót dẫn đến trả hồ sơ bổ sung hoặc vụ án phải đình chỉ. Theo VKSND tỉnh Hậu Giang thì khi kiểm sát khâu công tác này phải chú ý việc thu giữ vật chứng là ma túy đều phải được mô tả đúng thực trạng, đặc điểm về tên, mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, chất lượng, màu sắc, hình dáng, … vào biên bản để có cơ sở giải quyết vụ án được chính xác. Và đặc biệt chú ý đến các bản cung, lời khai ban đầu, bởi đây là tài liệu quan trọng và ý nghĩa nhất trong quá trình chứng minh làm rõ vụ án và cũng là cơ sở để xử lý tình huống bị can, bị cáo phản cung, không nhận tội, kêu oan và cho rằng bị Điều tra viên ép cung, mớm cung, nhục hình…

Đại diện Lãnh đạo VKS Bộ đội biên phòng cho rằng, đặc điểm đấu tranh của Bộ đội biên phòng trong hoạt động bắt người phạm tội quả tang về ma túy có những điểm khác biệt, phương thức đấu tranh của các đơn vị Bộ đội biên phòng đối với hoạt động tội phạm về ma túy chủ yếu được thực hiện qua các biện pháp như: Đấu tranh theo chuyên án hoặc các kế hoạch nghiệp vụ; tuần tra, kiểm soát trong khu vực biên giới, kiểm soát hành chính tại các cửa khẩu, đường biên, mốc giới… Hiện trường bắt người phạm tội quả tang về ma túy của Bộ đội biên phòng chủ yếu xảy ra trên khu vực biên giới, có vụ nằm ngay trên đường biên, có vụ xảy ra đan xen trên cả đất ta và đất bạn; thông thường hầu hết tại thời điểm xảy ra các vụ bắt người phạm tội quả tang về ma túy đều không thể có sự hiện diện của đại diện VKS, nói cách khác là không có sự kiểm sát trực tiếp của VKS trong việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Trong những trường hợp này đòi hỏi KSV bên cạnh việc kiểm sát theo quy định của pháp luật, còn phải có sự nghiên cứu, phân tích, tổng hợp toàn bộ kết quả hoạt động kiểm tra của VKS, từ đó đối chiếu lại với nội dung được xác lập trong biên bản bắt người phạm tội quả tang để phát hiện những sai sót, thiếu, không tuân thủ theo quy định để yêu cầu ngay các cơ quan chức năng khắc phục, bổ sung.

Trong kỹ năng kiểm sát việc khám xét thu giữ vật chứng, trưng cầu giám định; việc thu giữ thư tín, điện tín trong các vụ án ma túy

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều cho rằng các biện pháp thu giữ vật chứng, trưng cầu giám định, thu giữ thư tín, điện tín trong các vụ án ma túy là những biện pháp điều tra rất quan trọng nhằm góp phần thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Theo kinh nghiệm của VKSND thành phố Hồ Chí Minh thì thực tiễn hoạt động điều tra những vụ án này cho thấy đối tượng của hoạt động khám xét rất đa dạng, bao gồm người, đồ vật, chỗ ở và nơi làm việc của đối tượng… Vì vậy, trong quá trình khám xét, KSVphải chú ý kiểm sát Điều tra viên đã phát hiện, thu giữ những tài liệu, đồ vật đủ chưa như: Chất ma túy và vỏ bọc; những dụng cụ, phương tiện mà đối tượng phạm tội sử dụng trong quá trình gây án; những giấy tờ, tài liệu phản ánh các hoạt động sản xuất, tàng trữ, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; những giấy tờ, tài liệu phản ánh đặc điểm nhân thân của người bị khám xét, các mối quan hệ của người bị khám xét như thư, bút ký, nhật ký… VKSND các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tây Ninh, Cà Mau đều thống nhất trong khâu công tác này thì ngay từ khi mới thụ lý vụ án, KSV phải kiểm tra chặt chẽ biên bản khám xét, thu giữ vật chứng, biên bản niêm phong vật chứng, trưng cầu giám định, thu giữ thư tín, điện tín để kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót; có biện pháp phối hợp với ĐTV khắc phục, làm cho tài liệu, vật chứng đảm bảo tính hợp pháp và có giá trị chứng minh cao; đối với kiểm sát việc trưng cầu giám định phải đảm bảo các vấn đề như: Nội dung giám định phải là chất nghi là ma túy hoặc những công cụ, phương tiện có dấu vết nghi là chất ma túy; kết luận của Giám định viên phải giải đáp được chất giám định có phải là chất ma túy không? Trọng lượng, hàm lượng bao nhiêu? Tên, chủng loại?…

Trong khâu công tác giám định ma túy, thời gian qua, VKSND các cấp vướng mắc nhất trong việc giải quyết án ma túy là việc phải giám định hàm lượng chất ma túy theo Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao nên dẫn đến vụ phải đình chỉ điều tra; tiếp đến là những vướng mắc trong quá trình giải quyết các loại tội phạm về ma túy như Công văn số 387/CT54 ngày 23/5/2016 của Viện khoa học hình sự Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an trả lời kết luận về giám định ma túy; Công văn số 110-CV/BCS ngày 21/6/2016 của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 08 và các văn bản có liên quan. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện văn bản cấp trên hướng dẫn và làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa phương, nhưng vẫn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, VKSND tỉnh Tuyên Quang đưa ra giải pháp là cần phải phối hợp Cơ quan Cảnh sát Điều tra (có sự tham gia Phòng kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành họp thống nhất Kết luận giám định về ma túy.

Kỹ năng kiểm sát điều tra đối với các vụ án ma túy được phát hiện qua biện pháp “truy xét”

Qua kinh nghiệm thực tiễn giải quyết các loại án này tại địa phương, đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An đã phân tích một số đặc điểm về án có hành vi được điều tra “truy xét”: Thứ nhất, các vụ án mua bán, vận chuyển ma túy lớn, đối tượng bị bắt quả tang thường không phải là kẻ chủ mưu, cầm đầu mà thường là người thực hành, người vận chuyển thuê; thứ hai, do tính chất rất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, để đảm bảo bí mật nên đối tượng mua bán, vận chuyển thường chỉ liên hệ giao dịch với một người; thứ ba, do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các đối tượng đều nhận thức rất rõ khi bị bắt đều khai nhỏ giọt, Cơ quan điều tra biết đến đâu thì khai nhận đến đó, kiên quyết không khai nhận đầy đủ các hành vi phạm tội đã thực hiện và đồng phạm; thứ tư, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi rất tinh vi, có nhiều cách thức che giấu tội phạm, giao tiền một nơi, giao hàng một nơi khác.

Thông thường các vụ án ma túy điều tra qua truy xét, không thu được vật chứng khi điều tra mở rộng vụ án, các đối tượng hoạt động theo từng “mắt xích”, tinh vi, khi bị bắt thường ngoan cố, thay đổi lời khai thì phải nghiên cứu kỹ, thận trọng phân tích các chứng cứ thu thập được, xác định đâu là khách quan, đáng tin cậy để có hướng điều tra cũng như có kế hoạch điều tra và khai thác thêm chứng cứ. Vì vậy, VKSND tỉnh Thanh Hóa nêu lên trong quá trình điều tra cần nghiên cứu các chứng cứ đã thu thập được, kiểm tra xem các chứng cứ đã thu thập được bằng cách so sánh, đối chiếu các chứng cứ với nhau để tìm ra cái đồng nhất hoặc tìm ra những mâu thuẫn để tìm biện pháp giải quyết hoặc tìm thêm những chứng cứ mới nhằm sảng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Theo kinh nghiệm của VKSND tỉnh Hòa Bình thì quá trình điều tra và kiểm sát điều tra vụ án Điều tra viên và KSV phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, và đánh giá chứng cứ. Tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để củng cố chứng cứ, nhận dạng, đối chất để chứng minh hành vi phạm tội. Tổ chức họp liên ngành để nghe báo cáo, phân tích, đánh giá chứng cứ của vụ án. Chính từ sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, nên lãnh đạo Cơ quan điều tra và VKS đã có quyết định chính xác mở rộng truy xét triệt để vụ án.

Với những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện khâu công tác này, đồng chí Ngô Văn Canh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh đưa ra kiến nghị liên ngành Trung ương cần có những biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy với các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có đường biên giới liền kề, nhằm đáp ứng kịp thời công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trong tình hình hiện nay, đặc biệt là những vụ án ma túy có tổ chức xuyên quốc gia.

Về kỹ năng kiểm sát hoạt động hỏi cung và trực tiếp hỏi cung bị can phạm tội về ma túy

Những ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị của VKSND tỉnh Sơn La, VKSND tỉnh Đăk Lăk và các tham luận được gửi về ban tổ chức của VKSND tỉnh Bắc Ninh, Quảng Trị, An Giang, tỉnh Quảng Ngãi đều chỉ ra những căn cứ pháp lý để thực hiện kiểm sát hoạt động hỏi cung của Điều tra viên và kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi tiến hành hỏi cung trong các vụ án ma túy. Về những tồn tại, khó khăn, trong việc hỏi cung bị can, VKSND tỉnh Sơn La VKSND tỉnh Quảng Trị có những điểm tương đồng như: Khi hỏi cung người nước ngoài, người dân tộc thiểu số, khiếm thính… thì theo quy định của BLTTHS, Cơ quan điều tra, VKSND đều phải trưng cầu người phiên dịch và sử dụng tiếng nói và chữ viết là tiếng việt. Tuy nhiên, Điều tra viên, KSV biết ngoại ngữ và tiếng dân tộc rất ít, và các cơ quan chức năng không có cán bộ phiên dịch đầy đủ, phụ thuộc nhiều vào các cán bộ phiên dịch của các cơ quan khác, từ đó dẫn đến tình trạng không kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ, chính xác nội dung phiên dịch; hay một số trường hợp do định kiến có ấn tượng xấu với bị can của Điều tra viên, KSV nên quá trình hỏi cung chỉ chú trọng vào việc khai thác, thu thập căn cứ buộc tội, ép bị can nhận tội mà không quan tâm đến nguyên tắc suy đoán vô tội để điều tra khách quan… VKSND tỉnh Sơn La nhấn mạnh đến biện pháp tác động tâm lý trong khi hỏi cung, nhằm thuyết phục bị can thành khẩn khai báo; VKSND tỉnh An Giang cho rằng để giải quyết các vụ án ma túy đạt hiệu quả, chất lượng cao thì KSV cần xây dựng tốt mối quan hệ với Cơ quan điều tra và Điều tra viên, bảo đảm “ở đâu có hoạt động điều tra, ở đó có hoạt động kiểm sát”, KSV cần đặc biệt chú trọng đến việc tham gia lấy lời khai ban đầu đối với những người mới bị bắt, bị tạm giữ, vì lấy lời khai ngay thường cho những thông tin chính xác, khách quan hơn.

Kỹ năng của Kiểm sát viên khi xây dựng cáo trạng truy tố bị can trong các vụ án ma túy

Đồng chí Đỗ Dương Toàn, Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã chỉ ra một số dạng vi phạm phổ biến khi xây dựng Cáo trạng như: Về hình thức, trình bày chưa đúng thể thức, kỹ thuật theo quy định tại Mẫu số 107; về nội dung, một số bản cáo trạng không thể hiện việc trích dẫn bút lục, không đề cập đến vấn đề xử lý vật chứng, sắp xếp thứ tự từng hành vi phạm tội của các bị can chưa chính xác, có nhiều tình tiết đưa vào cáo trạng không có giá trị chứng minh chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội…; chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót, từ đó nêu những biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng trong việc xây dựng cáo trạng như: Nắm vững và tuân thủ quy định các quy định về xây dựng cáo trạng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KSV trong việc lập cáo trạng, tăng cường trách nhiệm của Lãnh đạo Viện trong việc duyệt cáo trạng… VKSND tỉnh Kiên Giang chia sẻ kinh nghiệm của mình khi xây dựng cáo trạng, đặc biệt trong phần trình bày hành vi phạm tội, trong từng trường hợp cụ thể sẽ có các dạng viết cáo trạng khác nhau (trường hợp bị can bị bắt phạm tội quả tang, trường hợp bị can bị bắt dạng “bắt nguội”, trường hợp vụ án được phát hiện do kết quả công tác trinh sát…). VKS quân sự Trung ương cũng nêu lên một số lưu ý khi xây dựng Cáo trạng đó là: Các vụ án ma túy thường có tính chất phức tạp, có thể có liên quan đến người nước ngoài thì bản cáo trạng cần có bản dịch viết theo tiếng nước ngoài theo ngôn ngữ của quốc gia mà bị can mang quốc tịch; đối với bị can là vị thành niên, KSV phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh chính xác theo giấy khai sinh hoặc căn cứ các tài liệu có giá trị pháp lý về tuổi của bị can; đối với bị can là người già, các đối tượng được hưởng chính sách nhân đạo khác theo quy định của pháp luật… thì KSV phải nêu rõ các căn cứ xác định bị can là người thuộc trường hợp đã nêu để làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự trước khi quyết định truy tố.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao các tham luận. Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã góp phần làm rõ hơn các kỹ năng và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm và đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án ma túy. Điều quan trọng, sau Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng chỉ đạo các đơn vị VKS địa phương, nhất là những đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy phổ biến các tài liệu của Hội nghị để nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn công tác; mặt khác, đơn vị tham mưu là Vụ 4 VKSND tối cao cần tiếp tục tiếp thu, tập hợp tất cả các ý kiến tham luận, ý kiến, bài viết có liên quan đến Hội nghị để gửi đến các đơn vị trong toàn ngành làm tài liệu tham khảo./.

Hồng Phong

Lái xe “phê” ma tuý, có được coi là người mắc bệnh tâm thần?

(Kiemsat.vn) - Pháp luật hiện hành không coi người bị “ngáo đá” là người mắc bệnh tâm thần do họ đã chủ động sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, BLHS cũng không quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng say rượu, có sử dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.

Gia đình trong cuộc chiến chống ma tuý

(Kiemsat.vn) - Gia đình là một trong những yếu tố nền tảng trong cuộc chiến chống lại tội phạm ma tuý, đang ngày một gia tăng theo chiều hướng phức tạp hiện nay.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang