Một số vi phạm pháp luật thường xảy ra vào dịp Tết

20/01/2017 08:27

(kiemsat.vn)
Trong đợt nghỉ Tết dài ngày, người dân có nhiều cơ hội vui chơi, tụ họp người thân, bạn bè; tuy nhiên, thời gian này cũng tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí vi phạm pháp luật.

Đánh bài ăn tiền

Ngày Tết, một số người thường tụ tập thành nhóm, chơi bài cho vui. Nhưng đánh bạc là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy trường hợp.

Theo quy định tại Điều 248 BLHS năm 1999 thì đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 249 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Tuy nhiên, theo Công văn số 80/TANDTC-PC ngày 29/3/2016 của TANDTC thì giá trị tài sản hay hiện vật là dưới 5 triệu đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.

Phạm tội khi say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự

BLHS không coi việc say do sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác là tình tiết để giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Thậm chí đối với một số tội phạm, còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Ví dụ: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202), Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208…). Cụ thể, Điều 14 BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009) quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Thực tế trong những ngày Tết, thói quen hay sử dụng bia rượu của người Việt Nam là để giao lưu, thể hiện tình cảm, mở rộng mối quan hệ… nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ làm cho người sử dụng không làm chủ được hành vi, dẫn đến nhiều hậu quả nhiêm trọng.

Một số vi phạm thường xảy khi uống bia, rượu quá chén: Vi phạm quy định về an toàn gia thông do có nồng độ cồn vượt quá quy định; gây tai nạn giao thông có thể dẫn đến xử lý hình sự; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, gây rối trật tự công cộng, gây thương tích đối với người khác.

CSGT TP Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông (nld.com.vn)

Khi đó, người vi phạm với mức độ nhẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đốt pháo nổ là vi phạm pháp luật

Theo quy định của pháp luật, không chỉ có hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS năm 1999.

Nếu người đốt pháo gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì còn bị truy cứu về tội danh khác tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra.
Tùy theo tình mức độ vi phạm, người sử dụng pháo có thể bị phát hành chính, phạt tiền 1-2 triệu đồng và tịch thu tang vật. Còn đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo và thuốc pháo có thể bị phạt 4-8 triệu đồng, tịch thu tang vật. Người nào có hành vi buôn bán và kinh doanh các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153,155 BLHS năm 1999./.

Thiên Thanh

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang