Một số giải pháp về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ở VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

18/01/2017 04:36

Hiện nay, vấn đề giải quyết hàng ngàn đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (viết tắt là đơn GĐT, TT) tồn đọng qua nhiều năm đang đặt ra rất cấp bách. Nếu không có giải pháp để giải quyết đúng đắn, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người dân...

Ngày 01/6/2015, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao được hình thành và đi vào hoạt động theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Theo thẩm quyền mới, đa số các đơn GĐT, TT trước đây thuộc thẩm quyền của VKSND tối cao được chuyển về cho 03 VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh thụ lý, giải quyết. Đồng thời 03 VKSND cấp cao đảm nhiệm cả thẩm quyền kháng nghị GĐT, TT trước đây của VKSND cấp tỉnh. Đây là thẩm quyền hoàn toàn mới, trước đây theo mô hình tiền thân là Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, chỉ làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án ở giai đoạn phúc thẩm. Trong quá trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT, VKSND cấp cao gặp nhiều khó khăn.

Sáu tháng cuối năm 2015, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (gọi tắt là VKSND cấp cao 2) đã thụ lý lên đến 2.831 đơn/ 1.916 việc (gồm hình sự 538 đơn/ 278 việc; dân sự 1.502 đơn/1.169 việc; hành chính, kinh doanh thương mại: 791 đơn/ 469 việc). Trong lúc đó, khi đơn vị nhận nhiệm vụ mới, VKSND cấp cao 2 chỉ có 33 công chức, người lao động, trong đó chỉ có 06 Kiểm sát viên cao cấp. Đến nay, số lượng công chức, người lao động là 47 đồng chí, trong đó cũng chỉ có 08 Kiểm sát viên cao cấp vừa làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm trong phạm vi 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. So với biên chế được phân bổ 130 công chức thì còn thiếu rất nhiều. Trước nhiệm vụ mới và phức tạp này, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung làm việc, nhiều đồng chí làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết tình trạng quá tải về đơn GĐT, TT. Theo Báo cáo kết quả công tác kiểm sát năm 2015, đã từng bước tiếp nhận, phân loại và đã giải quyết 109 đơn/76 việc (gồm: Hình sự 15 đơn/13 việc; dân sự 71 đơn/41 việc; hành chính, kinh doanh thương mại: 23 đơn/22 việc). Trong đó, Viện trưởng VKSND cấp cao 2 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 29 đơn/24 việc, không kháng nghị 29 đơn/20 việc, Tòa án kháng nghị 32 đơn/16 việc, chuyển trả đơn 19 đơn/16 việc. Còn lại chưa giải quyết 2.722 đơn/1.840 việc.

Số lượng đơn còn tồn đọng chuyển sang năm 2016 rất nhiều và tính đến tháng 02/2016 đơn vị đã tiếp nhận thêm 1.560 đơn/1.024 việc (trong đó, dân sự 803 đơn/475 việc). Theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 giao cho ngành Kiểm sát: “Nâng tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được giải quyết trong năm 2016 tăng trên 20% so với năm 2015” nên ngay từ đầu năm 2016, VKSND cấp cao 2 đã đề ra những giải pháp mới, cơ bản. Bên cạnh những giải pháp như bổ sung nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu… đơn vị còn thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, VKSND cấp cao 2 xác định nhiệm vụ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm là “khâu đột phá” trong năm 2016, với nhiệm vụ “Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm” trong Kế hoạch công tác kiểm sát số 112/KH-VC2 ngày 4/01/2016 của đơn vị. Trên cơ sở nhiệm vụ “khâu đột phá” này, tất cả các Viện nghiệp vụ 1, 2, 3 và Văn phòng đều phải đề ra chương trình, giải pháp cụ thể cho đơn vị mình và quán triệt sâu sắc đến toàn bộ công chức đơn vị, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng đồng chí phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, để góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung của đơn vị.

Thứ hai, ban hành quy định về quy trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT

Giải quyết đơn GĐT, TT là công việc khó khăn, phức tạp, nhưng lại được xác định là “khâu đột phá”, nên để bảo đảm công việc giải quyết đơn đi vào ổn định, có trật tự, nề nếp, nhanh chóng, chính xác. Trước hết, cần phải ban hành bộ quy tắc để vận hành bộ máy đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng khâu công tác, từng cá nhân. Vì vậy, Lãnh đạo VKSND cấp cao 2 đã sớm xây dựng và ban hành Quy định số 265/QĐ-VC2 ngày 23/02/2016 quy định tạm thời về quy trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT của VKSND cấp cao 2 để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết đơn GĐT, TT của đơn vị trên cơ sở những quy định cụ thể của ngành phù hợp với đặc điểm của đơn vị (quy định tạm thời trong khi chờ Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2016; riêng Bộ luật Dân sự có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 thì sẽ chính thức ban hành Quy định (chính thức) quy trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT).

Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát địa phương trong quan hệ phối hợp với VKSND cấp cao

Thực tế cho thấy, những trường hợp có báo cáo đề nghị kháng nghị GĐT, TT của các Viện kiểm sát địa phương (kèm theo đơn GĐT, TT của đương sự) thì việc giải quyết đơn GĐT, TT được nhanh hơn, hiệu quả hơn, vì các Viện kiểm sát địa phương đã tham gia giải quyết từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm nên biết rõ nhiều vi phạm của Tòa án. Cơ sở pháp lý của vấn đề này trong giai đoạn giám đốc thẩm được quy định tại khoản 2 Điều 284 BLTTDS hiện hành, đó là: “Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này” hoặc Điều 274 BLTTHS hiện hành cũng quy định: “Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 274 của Bộ luật này”. Liên quan đến trách nhiệm đối với khâu công tác này, một số Viện kiểm sát địa phương chưa quan tâm thích đáng đến việc phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án để báo cáo đề nghị kháng nghị GĐT, TT (nhất là đối với loại án dân sự). Trong thời gian tới, cần có các cuộc họp hay văn bản yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các Viện kiểm sát địa phương, tiến đến ban hành quy chế phối hợp giữa VKSND cấp cao 2 và VKSND 12 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương của miền Trung – Tây Nguyên để tạo ra khung pháp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn GĐT, TT.

Thứ tư, VKSND cấp cao 2 cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Trong quá trình phân loại, xử lý đơn. Đối với những đơn GĐT, TT mà VKSND cấp cao 2 đã rút hồ sơ thì gửi 01 bản cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (TAND cấp cao 2) và ngược lại TAND cấp cao 2 rút hồ sơ thì đề nghị gửi cho VKSND cấp cao 2. Đối với những đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT mà VKSND cấp cao 2 đã trả lời không kháng nghị thì gửi cho TAND cấp cao 2 một bản và ngược lại TAND cấp cao 2 trả lời không kháng nghị thì đề nghị gửi cho VKSND cấp cao 2 để tham khảo, xem xét giải quyết đơn của đương sự. Sự phối hợp này sẽ hạn chế tối đa tình trạnh cùng một lúc cả 2 cơ quan đều phải nghiên cứu đơn, đều phải có văn bản rút hồ sơ, tiết kiệm được nhiều thời gian xem xét, giải quyết cho cả hai bên. Trên cơ sở mối quan hệ phối hợp này, sẽ tiến hành xây dựng Quy chế phối hợp giữa VKSND cấp cao 2 và TAND cấp cao 2 để bảo đảm tính thống nhất cao, tính khoa học và tính nề nếp, ổn định trong việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT.

Thứ năm, cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân

Công chức được phân công tiếp dân thuộc bộ phận Văn phòng phải am hiểu sâu rộng pháp luật chuyên ngành, có kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp và tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, cầu thị để phân tích, giải thích cho đương sự, người dân hiểu biết về những quy định pháp luật trong từng trường hợp cụ thể, giúp người dân hiểu rõ vấn đề, hiểu được vụ, việc mà mình đề nghị kháng nghị GĐT, TT có cơ sở hay không, nếu không có cơ sở thì qua phân tích, đối thoại trực tiếp họ cũng hiểu được và tự nguyện rút đơn (thực tế nhiều trường hợp kháng nghị tràn lan). Đây cũng là một trong những phương pháp giảm tải lượng đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT. Bên cạnh đó, công chức nghiệp vụ tại các đơn vị nghiệp vụ cũng phải làm tốt công tác tiếp dân này.

Thứ sáu, cần quy định đơn kháng nghị GĐT, TT sẽ phải mất phí

Cơ sở đề nghị kháng nghị GĐT, TT khá rộng, chưa cụ thể và đương sự “không mất gì” khi làm đơn đề nghị, nên thực tế đương sự cứ gửi đơn tràn lan, gửi đến không những Viện kiểm sát, Tòa án, mà còn đến cả Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc… trong đó nhiều đơn để “cầu may”, đơn gửi để “kêu to”, khiến chế định GĐT, TT không còn là thủ tục đặc biệt nữa. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tố tụng chặt chẽ hơn về điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của người gửi đơn GĐT, TT (quy định một mức lệ phí nộp đơn, nghĩa vụ chứng minh…). Hơn nữa việc nộp phí tương tự như giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, người khởi kiện (nguyên đơn), người phản tố, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, người kháng cáo đều phải nộp tạm ứng án phí. Thì đến cấp giám đốc thẩm, tái thẩm tính chất vụ việc phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều. Nên việc nộp án phí giai đoạn này cũng là hợp lý và để hạn chế tình trạng gửi đơn tràn lan. Đối với trường hợp cấp GĐT, TT chấp nhận hủy án thì trả lại tạm ứng án phí cho đương sự.

Thứ bảy, tăng cường trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ

Kiểm sát viên cao cấp sau khi tham gia phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (theo từng đợt) đều phải có trách nhiệm tập hợp những dạng vi phạm về nội dung cũng như hình thức của các bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, những thiếu sót, hạn chế của công chức làm hồ sơ trong đơn vị, kỹ năng xây dựng bản kháng nghị, bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát trước Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng, để thông báo trong đơn vị học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng giải quyết đơn GĐT, TT.

Thứ tám, cần xây dựng phần mềm quản lý đơn

Thực tế hiện nay chưa có phần mềm quản lý đơn chuyên nghiệp, mà chủ yếu sử dụng chương trình Microsoft Excel để quản lý, nên không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót và chưa đồng bộ, hiệu quả. Yêu cầu đặt ra trước mắt là phải thiết kế, xây dựng phần mềm quản lý đơn chuyên nghiệp, phải đáp ứng được yêu cầu quản lý toàn diện công tác tiếp nhận – phân loại – xử lý – thụ lý – giải quyết đơn, trên cơ sở hạn chế tối đa, khắc phục những tồn tại của phần mềm quản lý trước đây (như: Không phân loại được đơn hết thời hạn thụ lý, giải quyết, đơn trùng…) để nâng cao tính chuyên nghiệp và vận hành hệ thống quản lý đơn nhanh chóng, chính xác.

Với những phương pháp, mục tiêu và quyết tâm nêu trên, công tác kiểm sát giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm tại VKSND cấp cao 2 sẽ có được những bước chuyển biến mới, tích cực. Khắc phục được cơ bản tình trạng tồn đọng quá nhiều đơn như thời gian qua.

Thạc sĩ Thái Văn Đoàn

Nguồn: TCKS số 7/2016

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang