Lừa đảo kinh doanh qua mạng: Khó để truy tố và xử lý hình sự?

09/12/2016 04:42

Để truy tố các đối tượng lừa đảo không dễ vì chủ yếu là giao dịch qua mạng, không có chứng cứ nên rất khó bắt giữ và cấu thành tội phạm.

Kinh doanh qua mạng đang là xu hướng phổ biến hiện nay của xã hội. Tuy nhiên, sự bùng nổ của hệ thống công nghệ thông tin trong các giao dịch điện tử, thanh toán điện tử đã làm nảy sinh các loại tội phạm công nghệ cao. Trong đó, phổ biến là hình thức lập trang web giả để lừa người tiêu dùng và bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Mới đây, Công an thành phố Thanh Hóa đã làm rõ và bắt giữ đối tượng Trần Xuân Đông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng là sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội facebook để đăng tải hình ảnh các mẫu quần áo thời trang mẫu mã đẹp và rao bán với giá rẻ hơn các hãng quần áo khác để thu hút người xem.

Việc truy tố các đối tượng lừa đảo qua mạng không dễ. (Ảnh minh họa:KT)

Tuy nhiên, sau khi thương lượng qua mạng, khách hàng đồng ý mua và chuyển tiền vào tài khoản, đối tượng đã thay đổi số điện thoại, thay tài khoản facebook để nạn nhân không liên lạc được. Với cách làm như vậy, trong gần 1 năm, đối tượng đã lừa đảo được hơn 400 triệu đồng từ gần 100 nạn nhân trên cả nước… Đây chỉ là một trong vô số những vụ lừa đảo kinh doanh qua mạng gây bức xúc xã hội trong thời gian qua.
Với khoảng 43 triệu người sử dụng mạng xã hội, các loại hình dịch vụ, kinh doanh online ngày càng nở rộ, nhiều đối tượng xấu, những người bán hàng không chân chính không những cạnh tranh không lành mạnh mà còn lừa khách hàng hòng thu lợi bất chính.

Các sản phẩm mà khách hàng bị lừa nhiều nhất là quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động… Các đối tượng thường yêu cầu khách chuyển tiền trước, sau khi nhận được tiền thì cắt đứt mọi liên lạc và không chuyển hàng cho khách…

Ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến các vụ việc lừa đảo bằng hình thức bán hàng qua mạng ngày càng gia tăng là do ý thức cảnh giác của người tiêu dùng chưa cao. Bên cạnh đó, do chạy theo lợi nhuận và lợi dụng sự thông thoáng của mạng xã hội nên các đối tượng thỏa sức lộng hành, bất chấp luật pháp.

“Các cơ quan Nhà nước cần làm mạnh tay hơn và có những hành động, chế tài quyết liệt với các hình thức vi phạm, đồng thời phải tăng cường tuyên truyền các hình thức, hành vi lừa đảo của những đối tượng như vậy tới cộng đồng mạng. Như thế thì bản thân các doanh nghiệp khi kinh doanh họ cũng bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng kinh doanh lành mạnh trên môi trường mạng để có hướng đi phù hợp”, ông Trọng kiến nghị.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Pross and Partner, hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng không mới, đối tượng lừa đảo vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, để truy tố các đối tượng này không dễ, vì chủ yếu là giao dịch qua mạng, không có chứng cứ nên rất khó bắt giữ và cấu thành tội phạm. Đây cũng là lý do khiến những loại tội phạm này ngày càng gia tăng, lừa đảo tiền, tài sản với số lượng lớn, đến nay, con số nạn nhân đã lên tới hàng trăm, hàng nghìn người.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi phát hiện bị lừa, thường có tâm lý “bỏ qua” không muốn tố cáo nên các đối tượng càng có cơ hội để hoạt động với quy mô lớn.

“Người phạm tội có thể đối mặt với những án tù có thể án treo nếu mức độ hành vi không nghiêm trọng. Nhưng cũng có thể kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng sẽ có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Với loại tội phạm này cần phải có những biện pháp xử lý và phòng ngừa có hiệu quả thì mới tránh được các hậu quả xảy ra cho xã hội, cho cá nhân và các tổ chức”, Luật sư Nguyễn Hồng Bách chỉ rõ.

Số liệu thống kê của Trung tâm An ninh mạng BKAV cho thấy, mỗi tháng có tới hàng nghìn trang web giả mạo được lập ra để đánh lừa người sử dụng. Ngoài hình thức lừa đảo phổ biến là kinh doanh qua mạng, còn có hình thức kẻ lừa đảo đặt mã hoặc hacker để lấy mã nguồn và lấy tiền từ các tài khoản ATM, thậm chí có những trường hợp bị tố giác mất tới vài chục tỷ đồng của một đơn vị thông qua việc chuyển tiền tự động từ tài khoản này sang tài khoản khác.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Trung tâm an ninh mạng BKAV dự báo, thời gian tới tình trạng lừa đảo bằng hình thức kinh doanh qua mạng sẽ tiếp tục gia tăng bởi lợi nhuận lớn, đối tượng dùng các nick ảo không để lại dấu vết, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát, bắt giữ.

“Để tự bảo vệ mình, trước khi quyết định mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng cần nắm vững thông tin của sản phẩm. Khi phát hiện những website không lành mạnh, có thể thông báo với Bộ Công Thương hoặc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam để có các biện pháp xử lý kịp thời theo pháp luật hiện hành”, ông Tuấn Anh khuyến cáo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đề cao trách nhiệm xã hội của mình, không nên vì lợi nhuận mà tiếp tay cho các cá nhân và tổ chức làm ăn chụp giật, lừa đảo. Các cơ quan quản lý cũng cần có các biện pháp kịp thời, có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi lừa đảo và tiếp tay cho hành vi lừa đảo người tiêu dùng, cùng người tiêu dùng đoàn kết đấu tranh, vạch trần thủ đoạn làm ăn gian dối./.

Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin

Giả Công an, dọa chủ thuê bao điện thoại chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố 13 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Làm sao để chống lại cú lừa mạo danh cơ quan thực thi pháp luật?

Từ nhiều năm trước các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp đưa tin về những vụ mạo danh cơ quan công quyền, công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của giới tội phạm công nghệ cao.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang