Lừa đảo hay cướp giật tài sản?

26/04/2017 03:18

(kiemsat.vn)
– Nguyễn Văn A hẹn bạn quen qua mạng mang điện thoại đến giao, nhưng có hành vi cầm chiếc điện thoại đi nhanh ra khỏi khu vực giao hàng rồi tẩu thoát. Vậy hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành tội gì?

Lừa đảo hay cướp giật tài sản?
Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)

Nội dung vụ việc: Đầu tháng 6/2016, Nguyễn Văn A trú tại thành phố M, quen anh Vũ Văn B, trú tại thành phố Hà Nội qua mạng xã hội Facebook và đặt mua của anh B 02 chiếc điện thoại di động Iphone 6S.

Đến ngày 13/8/2016, anh B gọi điện thông báo đã có hàng và hẹn trong ngày sẽ mang xuống thành phố M giao cho A. Lúc này, A nảy sinh ý định chiếm đoạt điện thoại của anh B. A đồng ý và hẹn gần tối gặp nhau, vì ban ngày A còn phải đi làm.

Khoảng 19 giờ cùng ngày, anh B đi cùng bạn là anh Trần Văn C đến gặp A ở gần Trạm thu phí Cầu S, thành phố M. Do A biết nhà bà Mai Thị Tân, ở gần khu vực cầu S, cửa khóa, có nhiều lối đi sau nhà, nên A đã dẫn anh B và anh C đến đó. A nói dối là quên chìa khóa và phải ngồi đợi vợ A về mở cửa lấy tiền. Tại đây, hai bên thỏa thuận 13.500.000 đồng/01 chiếc điện thoại, rồi A bảo anh B mở hộp chiếc điện thoại di động Iphone 6S màu vàng 16G đưa cho A xem. A kiểm tra và cùng anh B có trao đổi và đưa qua lại vài lần chiếc điện thoại để chỉ các chức năng của máy điện thoại. Trong khi đang xem điện thoại, A cầm chiếc điện thoại trên tay bước đi nhanh ra phía sau nhà, rồi vừa đi vừa nói “Anh đi lấy chìa khóa”, anh B nói “Ơ anh cầm điện thoại của em”, nhưng A vẫn bước nhanh bỏ đi. Thấy vậy, anh B và anh C đuổi theo, A đi nhanh lối phía sau nhà lên phía trên đồi, ra đường chạy thoát. Còn các anh B, C do đuổi theo không tìm thấy A, nên đã đến Công an trình báo.

Có 02 ý kiến khác nhau về hành vi của Nguyễn Văn A như sau:

– Ý kiến thứ nhất: Nguyễn Văn A có hành vi gian dối để bị hại tin tưởng giao tài sản, nên A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

– Ý kiến thứ hai: Nguyễn Văn A có hành vi lừa dối giả vờ thỏa thuận mua 01 điện thoại Iphone 6S của anh B, để anh B đưa chiếc điện thoại cho A xem và khi cầm được chiếc điện thoại, thì B đã nhanh chóng chiếm đoạt, tẩu thoát trong khi tài sản vẫn trong sự quản lý của anh B. Hành vi gian dối của A là thủ đoạn để A tiếp cận tài sản và thực hiện việc chiếm đoạt tài sản, với hành vi khách quan nhanh chóng chiếm đoạt, tẩu thoát, thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự.

Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai về tội danh đối với Nguyễn Văn A. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc trên Kiemsat.vn.

                                                                                              Đinh Thị Bích Hằng

                                                    VKSND thành phố Hạ Long

Phạm tội khi say rượu có được giảm nhẹ TNHS không?

(Kiemsat.vn) - Theo quy định pháp luật Việt Nam, phạm tội khi đang say rượu không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS. Trái lại, đây còn là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh.

Mối lo bạo hành học sinh đến từ giáo viên

(Kiemsat.vn) – Bạo lực học đường những năm gần đây làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Bạo hành học đường đâu chỉ diễn ra giữa học sinh, mà xảy ra bởi những người được xã hội tôn vinh là “mẹ hiền”, đó là hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh.
(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang