Yêu cầu Facebook gỡ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

18/04/2017 11:53

(Kiemsat) - Chiều 18/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề mà Bộ quản lý.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: V.H

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về nhóm vấn đề: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một số đại biểu Quốc hội: Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận); Nguyễn Tọa (Lâm Đồng)… đã chất vấn các vấn đề: Thông tin xấu, độc hại từ các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phòng chống tin nhắn rác; quản lý chương trình truyền hình giải trí liên kết; giải pháp ngăn ngừa thông tin xấu độc, định hướng thông tin trên internet; phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, ngăn chặn phóng viên sai phạm…

Trả lời vấn đề liên quan tới các trang thông tin mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Các trang được cấp phép ở Việt Nam thì phần lớn tuân thủ lập pháp nhưng những mạng xã hội nước ngoài, cung cấp thông tin xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook lại được nhiều người dùng thiếu hiểu biết cung cấp thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống.

“Mạng xã hội giúp người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin hiệu quả không phân biệt không gian, thời gian. Vì những đặc tính siêu việt này nên mạng xã hội có vai trò quan trọng với xã hội, nhiều nước coi đây là quyền lực thông tin mới” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói. Vấn đề mạo danh, tung thông tin xấu không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới.

Cho đến nay, cơ quan chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube. Tới nay Google đã gỡ bỏ hơn 1.000 clip trên YouTube. Cá biệt, một tài khoản YouTube đăng tải tới 500 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, qua làm việc, Giám đốc đối ngoại của Google cho biết họ cũng chưa kiểm soát được clip đăng trên mạng. Hiện tại, trung bình có khoảng hơn 400 clip được đưa lên mạng xã hội Youtube.

Cơ quan chức năng Việt Nam đã đưa ra một danh sách để tạo cơ chế sàng lọc và tiếp tục làm việc để ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại.

Bộ trưởng cũng cho hay, cuối tháng 4 này, đại diện của mạng xã hội Facebook sẽ tới Việt Nam và làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực từ mạng xã hội lớn nhất thế giới trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam ngăn chặn các thông tin xấu trên mạng, đặc biệt là các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đối với các chương trình truyền hình liên kết sản xuất, thời gian qua đã có nhiều thông tin không chính xác, ảnh hưởng lớn tới an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Phóng sự “Dùng chổi quét rau”; “Nước mắm nhiễm asen”… Một số chương trình game show… của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, hình ảnh phản cảm, Bộ đã có những hình thức nhắc nhở, xử phạt nghiêm khắc.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm sai phạm. Thậm chí, có thể áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm.

Phạm Việt Hưng

Thông báo triệu tập Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Kiemsat.vn – Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ra thông báo quyết định triệu tập kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.

Phiên họp 14 của UBTVQH: Cho ý kiến báo cáo của TANDTC, VKSNDTC về công tác khiếu nại, tố cáo

Theo Thông báo của Tổng thư ký Quốc hội, Phiên họp thứ 14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 11/9. Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ làm việc trong 8 ngày với nhiều nội dung quan trọng được xem xét, cho ý kiến.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang