Lãnh đạo TP HCM: “Cơ chế đặc biệt của thành phố bất lợi hơn Hà Nội”

16/06/2017 11:04

Theo ông Võ Văn Hoan, Nghị định 48 của Chính phủ với nhiều điểm "cho" nhưng cũng có nhiều điểm "buộc", không cởi mở như trước.

Ngày 15/6, họp về tình hình kinh tế – xã hội TP HCM 6 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, cơ chế tài chính đặc thù của thành phố có nhiều điểm bất lợi hơn Hà Nội.

Nghị định 48 của Chính phủ có nhiều điểm “cho” nhưng cũng nhiều điểm “ràng lại”, không cởi mở như trước. Vì vậy, TP HCM sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương thêm cơ chế đặc thù để đẩy mạnh phát triển trong các lĩnh vực tài chính, đất đai, kế hoạch đầu tư, xuất nhập khẩu…

“UBND TP HCM sẽ báo cáo Ban thường vụ Thành ủy kiến nghị, cần nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố trên nhiều phương diện, chứ không dừng lại ở một nghị định vì sẽ vướng luật, khó thực hiện”, ông Hoan nói.

Theo chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển thành phố giai đoạn đến năm 2020 ước tính 850.000 tỷ đồng, song ngân sách thành phố chỉ đáp ứng khoảng 20%. Ảnh: Hữu Công.

TP HCM cũng kiến nghị Trung ương được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất để bán đấu giá, nhằm bổ sung nguồn ngân sách. Ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị khoảng 15 kiến nghị khác để đưa vào nghị quyết của Quốc hội để giúp thành phố đủ nguồn lực đầu tư phát triển.Theo người phát ngôn của chính quyền TP HCM, một trong những cơ chế rất đặc biệt sẽ được thành phố kiến nghị là xin Trung ương được phụ thu một số ngành, lĩnh vực kinh doanh; được xây dựng, quản lý, thu một số loại phí phát sinh trong đô thị chưa được nêu trong Luật phí và lệ phí.

Hồi đầu tháng 5 Thủ tướng ban hành Nghị định 48 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP HCM để phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.

Với những dự án lớn, quan trọng (về môi trường, giao thông, thủy lợi) vượt quá khả năng ngân sách địa phương, UBND TP HCM được lập dự toán kèm đề nghị gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Tài chính. Các bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định hỗ trợ thành phố từ ngân sách Trung ương.

Với quỹ đất đang quản lý, thành phố được tạm ứng ngân sách hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách) để đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá thành phố sẽ thu hồi để hoàn trả.

Chính phủ cũng ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP HCM để đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, môi trường… và các chương trình khác có khả năng thu hồi vốn.

UBND thành phố được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại (không phụ thuộc vào quy mô viện trợ). Riêng các khoản viện trợ liên quan tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng quyết định.

Ngoài ra, nghị định cũng có một số nội dung về việc thu chi ngân sách như: cho phép TP HCM được bội chi ngân sách (phần bội chi chỉ được sử dụng để đầu tư công); hàng năm nếu thu ngân sách Trung ương (từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và thành phố) tăng so dự toán được giao, thành phố được thưởng 30%…

Theo Trung Sơn/ Vn.express

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang