Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự

07/06/2017 04:19

(kiemsat.vn)
So với BLTTDS năm 2004, BLTTDS 2015 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự.

Thủ tục nhập hộ khẩu cho con mới sinh

Điều 58 BLTTDS 2015 quy định: “Khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; 2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự.

Quy định này thể hiện rõ Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật ngay từ thời điểm Tòa án xem xét thụ lý vụ, việc dân sự. Theo đó, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự cũng như kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án.

Trong giai đoạn thụ lý vụ, việc dân sự, VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên được phân công giải quyết vụ, việc và những người tham gia tố tụng để bảo đảm cho việc thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án được khách quan, đầy đủ, đúng pháp luật. Công tác kiểm sát này được thực hiện từ khi Tòa án thụ lý vụ, việc dân sự.

Giai đoạn sơ thẩm

Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện việc thông báo thụ lý vụ án dân sự theo quy định tại Điều 196 BLTTDS 2015. Đối với trường hợp Tòa án thụ lý đơn yêu cầu được quy định tại Điều 365 BLTTDS 2015.

Như vậy, sau khi thụ lý vụ, việc dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khi nhận được thông báo thụ lý, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát, kiểm tra nội dung và thời hạn ra thông báo theo Điều 196 và Điều 365 BLTTDS 2015. Riêng đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện, BLTTDS 2015 bổ sung quy định “Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án”.

Kiểm sát viên phải kiểm sát theo các nội dung sau:

– Kiểm sát thời hạn ra thông báo thụ lý:

Ngoài quy định tại Điều 196 và Điều 365 BLTTDS 2015, Kiểm sát viên cũng cần chú ý về thời hạn xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được quy định tại khoản 3 Điều 191 và khoản 2 Điều 363 BLTTDS 2015. Cụ thể, đối với đơn khởi kiện, Kiểm sát viên kiểm tra trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn; đối với đơn yêu cầu, trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán được phân công giải quyết đơn yêu cầu thực hiện như sau:

Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.

– Kiểm sát nội dung của thông báo thụ lý:

+ Làm rõ quan hệ pháp luật phát sinh yêu cầu hoặc tranh chấp:

Để thụ lý vụ việc, Tòa án cần xác định được tính hợp pháp của việc khởi kiện hoặc việc yêu cầu, trong đó cần xác định người khởi kiện hoặc người yêu cầu có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu hay không. Theo quy định tại Điều 186, Điều 187 và Điều 361 BLTTDS 2015, người khởi kiện và người yêu cầu có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người khởi kiện, người yêu cầu là cá nhân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 69 BLTTDS 2015. Cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu phải thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật. Việc ủy quyền khởi kiện hoặc ủy quyền yêu cầu phải làm thành văn bản, trong đó nêu cụ thể nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền, thời gian ủy quyền theo quy định của pháp luật. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện hoặc yêu cầu thông qua người đại diện theo pháp luật.

Về quan hệ pháp luật mà phát sinh yêu cầu hoặc tranh chấp của đương sự, Kiểm sát viên cần xem xét những quan hệ pháp luật đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại các điều 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 hay không.

+ Xác định thẩm quyền thụ lý của Tòa án:

Kiểm sát viên cần xem xét Tòa án đã thụ lý vụ, việc có thẩm quyền giải quyết vụ, việc đó theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 hay không. Trường hợp Tòa án thụ lý không đúng thẩm quyền, Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện để yêu cầu, kiến nghị Tòa án ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLTTDS 2015 hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015. Trường hợp Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc, Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị cấp phúc thẩm yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với đơn khởi kiện, hoặc kháng nghị cấp phúc thẩm đối với đơn yêu cầu theo Điều 371 BLTTDS 2015.

Nếu sau khi thụ lý, xét thấy vụ, việc dân sự đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Tòa án đã thụ lý ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLTTDS 2015, đồng thời cũng phải gửi ngay quyết định chuyển hồ sơ vụ, việc cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Thời hạn để Tòa án đã thụ lý quyết định chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện là 05 ngày làm việc, kể từ khi Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện được phân công.

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý để giải quyết trong cùng một vụ án hoặc có thể tách vụ án đó thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc nhập và giải quyết trong cùng một vụ án hoặc việc tách và giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật. Việc nhập hoặc tách vụ án phải được thể hiện bằng quyết định của Tòa án và phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi nhận được quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền hoặc quyết định nhập (tách) vụ án, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công phải vào sổ thụ lý theo từng quyết định, lập phiếu kiểm sát để kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định, như: Thời hạn Tòa án gửi quyết định cho Viện kiểm sát; nội dung, hình thức của các quyết định; nếu có vi phạm thì xác định mức độ của vi phạm và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị Tòa án khắc phục đối với từng quyết định hoặc tập hợp kiến nghị chung theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLTTDS 2015.

– Xác định thời hiệu khởi kiện hoặc yêu cầu:

Điều 184 BLTTDS 2015 đã sửa đổi cơ bản quy định về thời hiệu, không quy định cụ thể như Điều 159 BLTTDS 2004 mà dẫn chiếu đến những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, “thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”; bổ sung nguyên tắc áp dụng thời hiệu, đó là: Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên cần lưu ý, đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 01/01/2017, thì vẫn áp dụng các quy định tại Điều 159 BLTTDS 2004 (Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 về việc thi hành BLTTDS năm 2015), cụ thể:

+ Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau: Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện; tranh chấp không thuộc trường hợp trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

+ Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.

Ngoài ra, Điều 197 BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải xét xử lại từ đầu và Tòa án phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 172 BLTTDS 2004 không quy định Tòa án phải thông báo trường hợp nêu trên cho Viện kiểm sát).

Trường hợp Toà án không gửi, chậm gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát hoặc nội dung, hình thức thông báo không đúng quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị với Toà án khắc phục vi phạm.

Đồng thời, mặc dù theo quy định thì đối với những vụ, việc ngay từ đầu chưa xác định vụ, việc đó có thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa, phiên họp theo khoản 2 Điều 21 BLTTDS 2015 thì Tòa án chỉ gửi thông báo thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công chủ động thực hiện kiểm sát việc thụ lý, xác định các vụ án thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa để báo cáo Lãnh đạo Viện cử Kiểm sát viên tham gia theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn phúc thẩm

Việc Tòa án cấp phúc thẩm thông báo thụ lý vụ án, thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 285 BLTTDS 2015.

Kiểm sát thông báo thụ lý vụ án ở giai đoạn phúc thẩm tương tự như đối với thông báo thụ lý vụ án ở giai đoạn sơ thẩm.

Sau khi thụ lý vụ án dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khi nhận được thông báo thụ lý, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát, kiểm tra nội dung và thời hạn ra thông báo theo Điều 285 BLTTDS 2015.

Về thời hạn ra thông báo thụ lý, ngoài quy định tại Điều 285 BLTTDS 2015, Kiểm sát viên cũng cần chú ý về thời hạn xử lý đơn kháng cáo được quy định tại Điều 283 BLTTDS 2015. Đối với đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo và tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo đã nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Về nội dung của thông báo thụ lý, Kiểm sát viên cũng kiểm tra các vấn đề như đối với thông báo thụ lý vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, bao gồm: Các nội dung và quy định về đơn kháng cáo theo Điều 272 BLTTDS 2015, quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp, thẩm quyền thụ lý của Tòa án.

Đối với thời hạn kháng cáo, Điều 273 BLTTDS 2015 quy định: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của BLTTDS 2015. Bộ luật cũng bổ sung trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết, còn nếu không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo vẫn được tính từ ngày tuyên án.

Trường hợp Tòa án thụ lý vụ án sai mà vẫn tiếp tục giải quyết vụ, việc, Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm yêu cầu hủy bản án phúc thẩm.

Về công tác phối hợp, Viện kiểm sát cấp trên yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới sau khi nhận được thông báo kháng cáo của Tòa án cùng cấp phải sao gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên biết việc bản án sơ thẩm có kháng cáo, để Viện kiểm sát cấp trên theo dõi việc thụ lý và gửi thông báo thụ lý của Tòa án có kịp thời, đầy đủ và đúng quy định không.

(Trích bài “Công tác kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự, trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án” của Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng; Ths. Nguyễn Quốc Huy, Vụ 14 VKSND tối cao. TCKS số 20/2016).

BLTTDS năm 2015 bổ sung 03 loại nguồn chứng cứ mới

(Kiemsat.vn) - Nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án một cách khách quan, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng về nguồn chứng cứ.

Trốn truy nã mà được Tòa tuyên đã chết – VKSND cấp cao 3 kháng nghị

(Kiemsat.vn) - VKSND cấp cao  tại Tp Hồ Chí Minh (VKSND cấp cao 3) đã ban hành kháng nghị tái thẩm, yêu cầu TAND cấp cao hủy toàn bộ Quyết định tuyên bố một người đã chết của TAND Quận 3 và đình chỉ giải quyết việc dân sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang