Không cần phải biết rõ là phụ nữ có thai mới xử lý theo hướng tăng nặng

02/04/2017 11:58

(kiemsat.vn)
Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đã đề nghị sửa đổi quy định điểm e khoản 1 Điều 134 là “phụ nữ có thai” thay cho “phụ nữ mà biết là có thai” khi định khung tăng nặng để bảo vệ đối tượng yếu thế.

Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao cho rằng, phụ nữ đang có thai, người dưới 16 tuổi, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ đều là những đối tượng yếu thế, được pháp luật hình sự bảo vệ, nên người phạm tội xâm hại đến đối tượng này thì bị xử lý theo hướng tăng nặng (tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng), không phụ thuộc vào việc người phạm tội có biết rõ hay không. Do vậy, BLHS năm 2015 cũng như trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (điểm e khoản 1 Điều 134 –Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) quy định theo hướng người phạm tội phải biết rõ là phụ nữ có thai thì mới bị xử lý theo hướng tăng nặng là không phù hợp.

Cũng liên quan đến quy định tại khoản 1 Điều 134, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã bổ sung hai điểm d, đ:

d. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 02 lần trở lên mà mỗi lần tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

đ. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 11% đến 30%.

Không đồng tình với những sửa đổi trên trong dự thảo Luật, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung điểm d, đ khoản 1 Điều 134 như dự thảo Luật sẽ dẫn đến khó khăn, bất cập khi áp dụng trên thực tế. Việc tính tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức cao nhất đến 30% (như quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 134 dự thảo Luật) sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc, bất cập, cụ thể là:

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 02 lần trở lên mà mỗi lần tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 30% trở lên; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 11% nhưng tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 30% trở lên thì lại không bị xử lý hình sự (hậu quả ít nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự, còn hậu quả nghiêm trọng hơn thì không bị xử lý hình sự).

Vì vậy, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đề nghị sửa đổi điểm d, đ khoản 1 Điều 134 dự thảo Luật như sau: “d. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 02 lần trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 11% trở lên.”; “đ. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 11% trở lên”.

Bên cạnh đó, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao cũng đề nghị sửa đổi các nội dung khác; cụ thể là:

– Bỏ tình tiết “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” tại điểm c khoản 1 Điều 134 dự thảo Luật, vì duy nhất điều khoản này trong Bộ luật quy định tình tiết này. Trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về giám định, cụ thể là Thông tư 20/2014/TT-BYT quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần không hướng dẫn thế nào là “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”. Theo Thông tư này thì việc gây cố tật nhẹ cho nạn nhân đã được quy đổi ra tỷ lệ tổn thương cơ thể (thông thường ở mức cao hơn so với trường hợp không gây ra cố tật cho nạn nhân.

– Bỏ tình tiết “Gây thương tích vào vùng mặt của người khác” ở điểm b khoản 4 Điều 134 dự thảo Luật, vì khi giám định thương tích vào vùng mặt đã được quy đổi ra tỷ lệ tổn thương cơ thể (thông thường có mức cao hơn tỷ lệ tổn thương ở vùng khác trong cơ thể), cho nên để bảo đảm chính sách xử lý hình sự công bằng thì cần bỏ tình tiết này.

Kỳ Sơn

Phạm tội khi say rượu có được giảm nhẹ TNHS không?

(Kiemsat.vn) - Theo quy định pháp luật Việt Nam, phạm tội khi đang say rượu không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS. Trái lại, đây còn là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh.

Mối lo bạo hành học sinh đến từ giáo viên

(Kiemsat.vn) – Bạo lực học đường những năm gần đây làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Bạo hành học đường đâu chỉ diễn ra giữa học sinh, mà xảy ra bởi những người được xã hội tôn vinh là “mẹ hiền”, đó là hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang