Khó khăn thường gặp trong giải quyết vụ án hành chính liên quan đến đất đai

19/01/2017 11:09

Năm 2016, VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý kiểm sát 116 vụ án hành chính, tăng đột biến so với năm 2015 do thay đổi về thẩm quyền giải quyết theo quy định của LTTHC năm 2015 và khiếu kiện về bồi thường, giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 01A. Hầu hết là các khiếu kiện liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai như yêu cầu huỷ bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), yêu cầu bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính là lĩnh vực giải quyết tranh chấp rất phức tạp do liên quan rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật về đất đai qua các thời kỳ và thường xuyên thay đổi, về đường lối giải quyết là vừa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, vừa phải đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị khi triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước.

Thực tế, giải quyết án hành chính hiện vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc:

Vướng trong áp dụng pháp luật

– Xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính:

Thứ nhất, trong vụ án khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính, người khởi kiện yêu cầu huỷ các GCNQSDĐ, trong đó từ GCNQSDĐ được cấp ban đầu, trên cơ sở hồ sơ chuyển nhượng, thừa kế, cấp đổi, cơ quan có thẩm quyền đã làm thủ tục cấp mới, thay thế GCNQSDĐ cấp trước đó. Như vậy, việc người khởi kiện yêu cầu huỷ tất cả các GCNQSDĐ đã được thay thể, hủy bỏ là đúng hay chỉ huỷ GCN cấp sau cùng khi trên thực tế không còn các GCN cấp trước nữa? Lúc này, vấn đề  cần xác định là GCNQSDĐ nào là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính? Có quan điểm cho rằng: Mặc dù đã được cấp lại hoặc cấp đổi nhưng trên thực tế các GCNQSDĐ này chưa được thu hồi, huỷ bỏ và vẫn đang còn tồn tại và lưu hành (đưa thế chấp tại Ngân hàng) nên vẫn đang là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính nên khi yêu cầu huỷ GCNQSDĐ thì phải huỷ tất cả các GCNQSDĐ cấp trước và cấp sau để đảm bảo tính triệt để. Quan điểm khác lại cho rằng: Mặc dù trên thực tế các GCNQSDĐ vẫn còn tồn tại nhưng về mặt quản lý hành chính nhà nước thì các GCN đó đã bị thu hồi, huỷ bỏ, thay thế; trong quá trình làm thủ tục cấp lại hoặc cấp đổi thì đều căn cứ vào GCNQSDĐ đã cấp trước đó để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ sau, thậm chí có GCNQSDĐ đã có quyết định thu hồi nhưng do không thực hiện việc thu hồi chứ không phải chưa thu hồi nên vẫn đang còn tồn tại. Khi người khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ tất cả các GCNQSDĐ thì đã được thay thế bằng GCNQSDĐ sau nên không còn đối tượng khởi kiện nữa.

Thứ hai, người khởi kiện yêu cầu huỷ các GCNQSD đất khi đã được cơ quan có thẩm quyền (UBND các cấp) giải quyết bằng các quyết định giải quyết khiếu nại. Tại Toà án, người khởi kiện không yêu cầu huỷ đồng thời các quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp Tòa án chấp nhận tuyên hủy các GCNQSD đất thì trên thực tế, các quyết định giải quyết khiếu nại vẫn còn tồn tại về mặt quản lý hành chính nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước cho rằng các quyết định giải quyết khiếu nại là đúng pháp luật. Quá trình giải quyết, cấp sơ thẩm không hướng dẫn người khởi kiện để khởi kiện bổ sung để xem xét tính hợp pháp của các quyết định giải quyết khiếu nại. Vậy xử lý của cấp phúc thẩm sẽ thế nào khi tố tụng hành chính không quy định trường hợp này?

– Về thời hiệu khởi kiện:

Luật TTHC quy định thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được. Đối với trường hợp người khởi kiện bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính thì việc xác định thời hiệu là rõ ràng. Tuy nhiên, đối với trường hợp người khởi kiện không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu kể từ ngày họ “biết được”. Việc xác định thời điểm “biết được” chưa được ngành cấp trên hướng dẫn cụ thể, quan điểm về thời điểm “biết được” giữa Tòa án và VKS có lúc chưa thống nhất nên đã có những vụ án VKS kháng nghị cho rằng đã hết thời hiệu nhưng Tòa án cho rằng vẫn chưa hết thời hiệu. Có những vụ án khi người khởi kiện yêu cầu hủy GCNQSD đất mà thửa đất đó đã được người khác sử dụng từ 30-40 năm, đã xây dựng nhà kiên cố, người khởi kiện biết việc sử dụng đó nhưng đơn khởi kiện trình bày thời điểm “biết được” chỉ với lý do đơn giản là: “khi đến UBND thì mới biết được số, ngày, tháng, năm của GCN nên mới khởi kiện”. Việc quy định thời hiệu như LTTHC hiện nay trên thực tế đã không đáp ứng được việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đương sự.

Về văn bản hướng dẫn áp dụng:

Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, ngoài việc ban hành Thông tư liên tịch số 03/2016 ngày 31/8/2016 thì ngành tư pháp trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn nào, đặc biệt là văn bản thay thế Nghị quyết số 01, 02/2011 ngày 29/7/2011 của HĐTP TANDTC là cẩm nang trong áp dụng thực hiện.

Khó khăn trong thực tiễn giải quyết án

Về thủ tục uỷ quyền tham gia tố tụng: Theo LTTHC 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người bị kiện trong các vụ án hành chính đều là UBND các cấp, vì vậy đại diện theo pháp luật là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh. Trên thực tế, đại diện theo pháp luật đều có văn bản uỷ quyền cho cấp phó tham gia tố tụng nhưng các cấp phó lại có văn bản xin được xét xử vắng mặt lý lý do công việc. Việc xin xét xử vắng mặt không trái quy định pháp luật nhưng đã gây khó khăn cho công tác giải quyết án (không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, không đối thoại để thoả thuận được và trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện cũng phải được sự đồng ý của người bị kiện…), làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí của việc giải quyết…

– Có nhiều vụ án, đương sự yêu cầu xem xét quyền lợi liên quan đến chủ trương của tỉnh, Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về không xem xét và thừa nhận việc nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991; các quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Quốc lộ 1A… Đây là những chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, đường lối giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm nêu trên vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.

Trương Thị Kim Duyên

VKSND tỉnh Nghệ An

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang