Góp ý về căn cứ bắt buộc chữa bệnh trong BLHS năm 2015

29/05/2017 04:47

(kiemsat.vn)
– Quy định về căn cứ bắt buộc chữa bệnh cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đối với các trường hợp bị can mắc bệnh theo quy định của BLHS năm 2015.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Dự thảo BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định tại Điều 49 BLHS về căn cứ bắt buộc chữa bệnh. Cụ thể, Điều 49 BLHS năm 2015 quy định:

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật tác giả nhận thấy quy định này vẫn còn nhiều vướng mắc, cụ thể là:

Đối với việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 49 của BLHS năm 2015: Thực tiễn áp dụng pháp luật có nhiều trường hợp bị can bị bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, tâm thần do rối loạn cảm xúc… hoặc các bệnh hiểm nghèo khác như bệnh ung thư, bị nhiễm HIV… và theo kết luận của Hội đồng giám định pháp y thì bị can bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, cần phải điều trị.  Vì vậy, khi tiến hành các hoạt động tố tụng như lấy lời khai, hỏi cung… đối với họ là không đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo trong việc giải quyết vụ án hình sự.

Mặt khác, tại điểm b khoản 1 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra”.

Như vậy, trường hợp này, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra vụ án hình sự và giao bị can cho gia đình quản lý, điều trị, vì đây không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo khoản 2 Điều 49 của BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị can không có người thân, Cơ quan điều tra không biết giao bị can cho ai trong khi vụ án đang được tạm đình chỉ hoặc bị can có người thân thích nhưng không có khả năng quản lý hoặc điều kiện kinh tế để đưa bị can đi điều trị bệnh, dể dẫn đến những hành vi phạm tội tiếp theo của bị can. Vì vậy, theo tác giả, cần mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không chỉ là các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 49 của BLHS năm 2015 mà áp dụng cả các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, theo ý kiến của tác giả đề xuất sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 49 BLHS năm 2015 như sau: “Đối với người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, VKSND  hoặc TAND căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”

Lê Văn Quang

Phó Viện trưởng, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

VKSND thành phố Hà Nội tập huấn BLTTHS và BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) – Ngày 16/10, VKSND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn BLTTHS và BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và được truyền trực tuyến đến 30 điểm cầu VKSND hai cấp.

Bãi bỏ tội hoạt động phỉ trong BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) – BLHS năm 2015 đã bỏ tội hoạt động phỉ, nhưng chuyển hóa các hành vi vào các điều luật quy định về tội danh khác.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang