Giải pháp nào giảm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em?

08/04/2017 08:28

(kiemsat.vn)
– Theo TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là cụ thể hoá tội dâm ô trẻ em, quy định cụ thể thời hạn giám định pháp y, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội phạm này...

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã trở thành vấn nạn toàn cầu, tại Việt Nam, theo số liệu được công bố, 5 năm (2012-2016) có 8.200, trong đó 5.300 vụ xâm hại tình dục; trước tình trạng trên, Kiemsat.vn đã có cuộc phỏng vấn TS Dương Thanh Biểu – Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là con số về những vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua chưa có dấu hiệu dừng lại.

Kiemsat.vn: Thưa Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, theo nghiên cứu cá nhân của mình, ông có thể cho biết những nguyên nhân nào khiến công tác đấu tranh tố giác và điều tra loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gặp khó khăn, trở ngại?

Dương Thanh Biểu: Về loại hành vi xâm hại tình dục, theo số liệu tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 1.200 trường hợp các cháu bị xâm hại tình dục, số liệu này theo tôi chưa chính xác nhưng cũng có thể tạm tin số liệu này đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; còn những vụ việc chúng ta chưa phát hiện được còn nhiều lắm. Về nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân, có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như sau:

Thứ nhất, về mặt luật pháp, BLHS hiện hành đã quy định các tội về xâm phạm tình dục trẻ em như: Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), tội giao cấu với trẻ em (Điều 114), tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 115) và tội dâm ô trẻ em (Điều 116). Những quy định này, các cơ quan tư pháp trước nay vẫn thực hiện; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có những quy định mà ngay chính những người trong cơ quan tư pháp còn chưa thống nhất, có nhiều quan điểm khác nhau, điển hình về tội Dâm ô trẻ em (Điều 116). BLHS quy định là người nào đã thành niên mà có “hành vi dâm ô” thì bị phạt từ 06 tháng đến 03 năm… quy định như vậy khiến cho các cơ quan tư pháp trong nhiều vụ cũng khó xác định được thế nào là hành vi dâm ô, ngay bản thân tôi nghiên cứu nhưng cũng chưa hiểu được thế nào là dâm ô? Có thể thấy, nếu cơ quan tư pháp chưa hiểu thì làm sao các phụ huynh hiểu được; mà các phụ huynh không hiểu thì làm sao truyền đạt cho các cháu được? Đây là vấn đề cần làm rõ.

Theo TS Dương Thanh Biểu, hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong BLHS chưa cụ thể.
Theo TS Dương Thanh Biểu, hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong BLHS chưa cụ thể.

Thứ hai, tội xâm hại tình dục trẻ em có nhiều vụ phải giám định như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô; nhưng giám định để thời gian quá lâu là không được. Nên chúng tôi đề nghị lần này, Quốc hội sửa là sửa giám định, theo hướng hành vi xâm hại tình dục trẻ em phải hết sức cụ thể, rõ ràng; theo đó, phải quy định thời gian giám định pháp y đối với từng loại hành vi.

Một nguyên nhân nữa còn tồn tại hiện nay là các cháu còn bé, chưa thể biết được đâu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong lúc đó, các bậc phụ huynh chúng ta lại có mặc cảm, khi các cháu về báo cáo thì các mẹ sợ ảnh hưởng đến con cháu nên không có phản ánh gì cả; có nhiều trường hợp khi tố cáo xong rồi lại thời hạn quá lâu cho nên các chứng cứ đều bị huỷ, không thể khôi phục, nhân chứng cũng lâu quá không nhớ được… Và đây cũng là vấn đề còn tồn tại.

Thứ tư là trách nhiệm các cơ quan tư pháp, trong thời gian qua, các cơ quan tư pháp, Cơ quan điều tra, Kiểm sát, Toà án đã làm rất có trách nhiệm và đưa lại kết quả trong việc đấu tranh phòng chống tội xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, nghiên cứu, lại qua thông tin báo chí có thể thấy nhiều địa phương làm chưa tốt, có nhiều vụ án để quá dài. Ví dụ trong thời gian qua, báo chí đã nêu, tại một địa phương đã khởi tố vụ án nhưng 06 tháng sau khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới khởi tố bị can, mà loại án này quan trọng lại là thời gian. Vì vậy, đây cũng là một nguyên nhân cần phải khắc phục.

Kiemsat.vn: Thưa Tiến sĩ, ông có thể chia sẻ ý kiến của ông về những giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là con số xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua chưa có dấu hiệu dừng lại?

Dương Thanh Biểu: Tội xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là nghiêm trọng riêng đối với Việt Nam mà là thực trạng của toàn cầu cần phải giải quyết. Qua nghiên cứu, theo tôi để hạn chế tình trạng này cần thực hiện những giải pháp sau:

Về pháp luật, Quốc hội đã có chủ trương xây dựng pháp luật, tôi đề nghị các cơ quan tư pháp phải nghiên cứu thật kỹ để đề nghị sửa đổi, với phương hướng hết sức cụ thể; để cơ quan tư pháp thấy đó là một quy định mở và dễ hiểu. Đồng thời, trên cơ sở này, giúp các phụ huynh, các cháu hiểu được thế nào là xâm phạm tình dục trẻ em. Ví dụ về tội dâm ô, phải quy định cụ thể dâm ô là gì… để các cơ quan tư pháp, gia đình, nhà trường và trẻ em hiểu được thế nào là hành vi dâm ô trẻ em. Đây cũng là vấn đề dư luận rất bức xúc. Các cơ quan tư pháp phải nghiên cứu đề xuất này.

Về thời hạn giám định, trong BLHS chưa quy định cụ thể thời hạn giám định các loại tội này nên đề nghị quy định thời hạn giám định cụ thể để các cơ quan tư pháp nhanh chóng giải quyết vụ việc.

“Chúng tôi đề xuất các cơ quan tư pháp trung ương mở cuộc rà soát lại loại tội này để tìm ra nguyên nhân tại sao các vụ án này không điều tra được, chưa truy tố được và cả những vụ án tại sao Toà án lại trả lại”.

Một giải pháp quan trọng nữa là công tác tuyên truyền pháp luật, hiện nay, như đã nói quy định của pháp luật ghi rất chung chung, các cơ quan tư pháp còn tranh cãi thì là sao các phụ huynh hiểu được. Mà theo chúng tôi thấy, phần lớn các vụ án xâm hại tình dục trẻ em là do bố mẹ phát hiện ra, nhưng bố mẹ không hiểu thì làm sao dạy con cái được cho nên bố mẹ phải hiểu thế nào là xâm phạm tình dục trẻ em? Từ đó bố mẹ mới dạy được cho các cháu thế nào là hành vi nguy hiểm cần phải tránh, phải tố cáo.

Đối với nhà trường cũng hết sức quan trọng, nhà trường có trách nhiệm nuôi dạy các cháu cho nên thầy giáo, cô giáo cũng phải hiểu được thế nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em để giáo dục các cháu, có những giờ giảng riêng về giới tính, về các hành vi thế nào là xâm hại tình dục…

Có thể thấy vai trò của thầy cô giáo và bố mẹ là những vai trò rất quan trọng, vì phải là những người bạn tâm giao, cảm thông với trẻ thì trẻ mới chia sẻ mà tố cáo. Bởi nếu không phải là bạn thì sẽ không bao giờ trẻ tố cáo, trẻ sẽ ngại. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, công tác tuyên truyền, theo dõi, làm bạn với con trẻ là hết sức quan trọng để phát hiện loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Về phía các cơ quan tư pháp, chúng tôi đề xuất các cơ quan tư pháp trung ương mở cuộc rà soát lại loại tội này để tìm ra nguyên nhân tại sao các vụ án này không điều tra được, chưa truy tố được và cả những vụ án tại sao Toà án lại trả lại. Trên cơ sở đó, các cơ quan phải rút ra những gì thuộc về trách nhiệm chủ quan thì phải khắc phục, do trình độ, do năng lực hay do cơ sở vật chất là phải tăng cường; còn những gì thuộc về khách quan như do quy định pháp luật thì qua đây chúng ta phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật để cho phù hợp, đặc biệt là sửa đổi các hình phạt phải thực sự nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Tôi cho rằng vấn đề này cần phải làm ngay vì rất quan trọng.

Kiemsat.vn: Thưa ông, vừa qua đã có ý kiến đề xuất áp dụng hình phạt “thiến hoá học” đối với tội phạm này, vậy ông có thể cho biết quan điểm của mình như thế nào về đề xuất này?

Dương Thanh Biểu: Tôi đồng ý với đề xuất áp dụng hình phạt thiến hoá học đối với loại tội phạm này, hình phạt này đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng để giảm năng lực hành vi hiếp dâm của tội phạm. Bởi trên thực tế tại Việt Nam, đã có rất nhiều tội phạm tái diễn lại hành vi phạm tội của họ.

Nhưng nếu thực hiện quan điểm này, các cơ quan tư pháp bao gồm Toà án, Kiểm sát, Công an, cơ quan thi hành án và Bộ Y tế cùng nghiên cứu, xây dựng thông tư liên tịch để hướng dẫn áp dụng hình phạt này.

Kiemsat.vn: Vâng, xin cám ơn ông!

Loan Bảo

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang