Dự án thép Cà Ná và cảnh báo về những tác hại đối với ngành nghề nuôi trồng thủy sản

05/10/2016 04:09

Bỏ tôm chọn thép? Ninh Thuận hiện đã trở thành “thủ phủ” tôm giống chất lượng cao của cả nước, sản lượng tôm giống đang tăng mạnh, đạt trên 25 tỷ con trong năm 2015. Với lợi thế của vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm, Ninh Thuận là địa phương có […]

Bỏ tôm chọn thép?

Ninh Thuận hiện đã trở thành “thủ phủ” tôm giống chất lượng cao của cả nước, sản lượng tôm giống đang tăng mạnh, đạt trên 25 tỷ con trong năm 2015. Với lợi thế của vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để sản xuất tôm giống chất lượng cao, mà nhiều nơi không có.

1

Biển Bình Thuận nắng ấm quanh năm, thích hợp phát triển nuôi trồng thủy hải sản, du lịch

Từ 15 năm trước nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tìm đến Ninh Thuận để mở trại nuôi tôm giống, cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên cả nước. Tỉnh Ninh Thuận ngay từ đó đã đề ra chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, quy hoạch các khu sản xuất giống tôm rất bài bản. Đầu tiên là Dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước), triển khai xây dựng năm 2005, quy mô 125 ha. Tiếp theo đó, Khu sản xuất giống ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải), diện tích 148 ha cũng được hình thành. Điển hình như Khu sản xuất giống tập trung An Hải có 119 cơ sở đang hoạt động; trong đó, có những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực thủy sản như Công ty TNHH Grobest Việt Nam, Uni – President Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam…

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 450 cơ sở sản xuất tôm giống hoạt động hiệu quả với sản lượng và chất lượng tăng trưởng theo từng năm, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm đến Ninh Thuận đăng ký mở trại giống. Ninh Thuận có kế hoạch đến năm 2020 sẽ sản xuất 34 tỷ tôm giống. Nguồn lợi thu được từ đầu tư nuôi tôm giống đã mang về cho ngân sách tình hàng trăm triệu USD/năm, cùng với đó là tạo ra nhiều công ăn việc làm, giúp người lao động có thu nhập ổn định, đời sống nâng cao.

2

Những trang trại nuôi tôm giống quy mô sẽ là những “nạn nhân” đầu tiên của Thép Cà Ná?

Bên cạnh Ninh Thuận là Bình Thuận, cũng là một trong ba tỉnh trọng điểm sản xuất tôm giống của cả nước. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, hiện nay toàn tỉnh có 131 cơ sở sản xuất giống thủy sản với 683 trại giống, đa số các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Năm 2015, toàn tỉnh đã sản xuất được là 21,3 tỷ con tôm giống và có kế hoạch nâng sản lượng tôm giống lên 40 tỷ con vào năm 2020.

Công nghệ sản xuất của Trung Quốc – Nỗi lo ô nhiễm

Mới đây, tại buổi họp báo giới thiệu chương trình Hội thảo quốc tế chuyên ngành Thủy sản Việt Nam 2016, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis), đã cảnh báo nguy cơ nguồn lợi thủy sản có thể sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong tương lai, bởi các dự án công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm, được đặt ở khu vực ven biển.
Dẫn chứng lại những tác động của thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở khu vực miền Trung hồi tháng 4/2016, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cho rằng đây là vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản và cuộc sống của người dân. Riêng đối với dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, ông Thắng cho rằng rất lo lắng bởi có thể đi theo vết xe đổ của Formosa.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội KH Kỹ thuật Đúc – Luyện kim, Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận), sử dụng công nghệ lò cao, như vậy phải dùng đến quặng sắt và than coke. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho; cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường.

Để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 ki lô gam chất thải rắn, trong đó có 455 ki lô gam xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 mét khối nước thải độc hại. Với nước thải, các nhà máy luyện gang thép luôn thải ra 1 lượng nước rất lớn, trong quá trình hoạt động. Các số liệu tính toán cho thấy, cứ làm ra 1 tấn thép thô thì sẽ thải ra khoảng 3 m3 nước độc hại. Trong nước thải sản xuất thép, có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Quy mô nhà máy càng lớn thì lượng nước thải độc hại càng nhiều.

Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại…Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Khu liên hợp thép Cà Ná nằm rất gần các trung tâm nuôi tôm giống của Ninh Thuận và Bình Thuận, theo đường chim bay, là khu vực khí quyển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu dự án thép với quy mô 16 triệu tấn đi vào hoạt động.

3

Một vùng đất bị mưa axit phá hủy hoàn toàn ở Nam Phi

Việc ưu đãi quá lớn cho dự án này không chỉ gây ra rủi ro lớn cho trung tâm tôm giống hàng đầu cả nước, mà còn cho nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực Nam miền Trung. Ninh Thuận và Bình Thuận là những địa phương có tiềm năng du lịch lớn, có thể thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế tên tuổi, đầu tư vào các Resort, khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp. Chỉ với 1 dự án thép, có thể gây ra rủi ro lớn, giết chết các ngành kinh tế như du lịch, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản… và biến nơi đây trở thành “vùng đất chết” trong tương lai.

SƠN TÙNG

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang