Trao đổi về: “Không chấp nhận kháng nghị của VKS – TAND tỉnh H đã đúng pháp luật?”

07/03/2017 11:48

Qua nội dung bài viết trên Kiemsat.vn ngày 06/10/2016, theo tôi cần phân tích làm rõ những nội dung sau: Về hành vi phạm tội của bị cáo M và việc áp dụng pháp luật trong giải quyết, xét xử vụ án của 2 cấp Tòa án như thế nào?

Thứ nhất, về hành vi phạm tội của bị cáo M:

M đã thực hiện hành vi “chứa mại dâm” như sau:

– Ngày 05/7/2010 tại nhà ở của Lê Ngọc M (hai phòng ngủ tầng hai), Công an Tp. P đã bắt quả tang Nguyễn Thị T cùng Nguyễn Văn S và Đào Phương A cùng Lê Hải N đang thực hiện hành vi mua bán dâm.

– Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn xác định Lê Ngọc M trước đây đã nhiều lần tổ chức chứa mại dâm cho các đối tượng khác nhưng chưa bị xử lý.

Nghị quyết số 01/2006/NQ – HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (viết tắt là: NQ số 01/2006) hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS về “phạm tội nhiều lần đối với tội chứa mại dâm” như sau:

“4.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn)…”

Như vậy, hành vi “chứa mại dâm” nói trên của M được thể hiện “từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau” (cụ thể vào các thời gian: ngày 05/7/2010 bị bắt quả tang và nhiều lần trước đây nhưng chưa bị xử lý). Theo hướng dẫn trên đây của NQ 01/2006 thì hành vi chứa mại dâm” này của M thuộc trường hợp: “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS.

Trước đó, Lê Ngọc M đã có 01 tiền án (ngày 04/8/2005 bị Tòa án nhân dân thành phố P xử phạt 48 tháng tù về tội “chứa mại dâm” theo khoản 2 Điều 254 BLHS). Như vậy, tính đến ngày 04/9/2009 thì M chấp hành xong bản án. Nếu từ khi chấp hành xong bản án này (04/9/2009) hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà M không phạm tội mới thì M đương nhiên được xóa án tích theo điểm c khoản 2 Điều 64 BLHS (“năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm”). Nhưng ngày 05/7/2010 M lại bị bắt quả tang về hành vi chứa mại dâm này. Do vậy, M không thuộc trường hợp được xóa án tích theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 64 BLHS.

Hành vi chứa mại dâm của M đã thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 BLHS (b) “Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”). Đây là tình tiết định khung hình phạt đối với Lê Ngọc M theo điểm e khoản 2 Điều 254 BLHS.

Thứ hai, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết, xét xử vụ án của 2 cấp Tòa án:

– Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2010/HSST ngày 23/11/2010 của TAND thành phố P áp dụng khoản 1 Điều 254 BLHS; …..BLHS xử phạt Lê Ngọc M….

– Bản án hình sự phúc thẩm số 09/2011/HSPT ngày 23/02/2011 của TAND tỉnh H không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh H và kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên quyết định về tội danh và hình phạt của bản án sơ thẩm đối với Lê Ngọc M.

Từ sự phân tích trên về hành vi phạm tội của bị cáo M, thấy rằng: VKSND thành phố P cần phải truy tố Lê Ngọc M về tội “chứa mại dâm” theo khoản 2 Điều 254 BLHS; và TAND thành phố P phải áp dụng điểm c, e khoản 2 Điều 254 BLHS; cũng như TAND tỉnh H phải chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh H để hủy bản án hình sự sơ thẩm (số 117/2010/HSST ngày 23/11/2010) của TAND thành phố P để điều tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 250 BLTTHS (Việc điều tra ở cấp sơ thẩm bao gồm cả việc điều tra ở giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong vụ án này, việc điều tra ở cấp sơ thẩm đã đầy đủ nhưng Cáo trạng của VKSND thành phố P truy tố Lê Ngọc M về tội “Chứa mại dâm” theo khoản 1 Điều 254 BLHS và Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2010/HSST ngày 23/11/2010 TAND thành phố P áp dụng khoản 1 Điều 254 BLHS để xử phạt M là không có căn cứ, đã bỏ lọt hành vi phạm tội trước đó). Có như vậy mới đánh giá đúng tính chất, mức độ về hành vi phạm tội của M, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Cũng cần nói thêm rằng, khoản 3 Điều 248 BLTTHS quy định: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án”. Do vậy, ngoài việc để đánh giá đúng tính chất, mức độ về hành vi phạm tội của M một cách khách quan, toàn diện; cũng như để đảm bảo việc giải quyết, xét xử, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao trong thực tiễn cuộc sống, thì bản án hình sự phúc thẩm số 09/2011/HSPT ngày 23/02/2011 của TAND tỉnh H cần phải được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Bằng việc: Theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong BLTTHS thì: Chánh án TANDTC (điểm d, khoản 1 Điều 38; khoản 1 Điều 275 BLTTHS) và Viện trưởng VKSNDTC (điểm d, khoản 1 Điều 36; khoản 1 Điều 275 BLTTHS) cần phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh H (số 09/2011/HSPT ngày 23/02/2011).

Bài gốc: Trao đổi bài viết: Không chấp nhận kháng nghị của VKS – TAND tỉnh H đã đúng pháp luật?

Kim Việt

Tòa án quân sự khu vực 2 Hải quân.

Yêu cầu đặt cọc để được tham gia bán hàng đa cấp có trái pháp luật?

Tôi muốn tham gia bán hàng đa cấp thì được yêu cầu đặt cọc một khoản tiền và mua một số lượng hàng trước? Tôi muốn hỏi công ty kinh doanh đa cấp làm như vậy có đúng không? việc lợi dụng kinh doanh đa cấp để chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý thế nào?

Điểm mới về điều kiện tha tù trước hạn

(Kiemsat.vn) - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhằm khuyến khích người chấp hành án phạt tù tích cực học tập, cải tạo để sớm được tái hòa nhập cộng đồng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang