Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Luật sư tố giác thân chủ khi có đủ 3 điều kiện

28/05/2017 11:01

(kiemsat.vn)
– Sáng 24/5, Hội trường Diên Hồng đã nóng lên với tranh luận giữa các Đại biểu về BLHS 2015. Để rộng đường dư luận, phóng viên Kiểm sát Điện tử đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn TP Hồ Chí Minh bên hành lang Quốc hội về quan điểm của Ông đối với vấn đề dư luận đang quan tâm là Luật sư có tố giác thân chủ hay không.

Phóng viên:  Xin ông cho biết những quy định của pháp luật trong nước và Quốc tế về quyền bảo mật của Luật sư.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:

Liên Hiệp Quốc có một Nghị quyết về mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ. Nghị quyết đó có một điều khoản quy định Luật sư không được tiết lộ bí mật của thân chủ. Ở một số quốc gia, nếu luật sư tiết lộ thông tin thân chủ thậm chí sẽ bị xử lý hình sự.

Quy định về vai trò của luật sư, pháp luật Việt Nam có Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Điều 73) cùng quy định mọi thông tin giữa người bào chữa và thân chủ đều được bảo mật. Điểm này là điểm nhiều người không thấy: Quyền bảo mật này là quyền của bị can, bị cáo vì thông tin là của cá nhân họ. Khi họ làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có quyền không phải khai những điều làm bất lợi cho mình và không bị buộc phải nhận tội. Nếu mà bị buộc phải nhận tội thì dễ xảy ra oan sai, đó cũng là quyền được quy định theo Hiến Pháp

Khi bị cáo làm việc với Luật sư, người ta đem thông tin đó trao đổi với Luật sư rồi Luật sư lại đi tiết lộ thông tin? Ở đây tôi mới nói là tiết lộ thông tin chứ chưa nói đến tố giác, tất nhiên tố giác đã bao gồm cả tiết lộ thông tin.

Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định quyền bảo mật thông tin của luật sư, kể cả trên thế giới cũng không phải là tuyệt đối. Không chỉ là ở Việt Nam, mà các nước cũng quy định như vậy.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trả lời phỏng vấn tác giả 

Phóng viên: Như vậy, có thể hiểu là trong một số điều kiện và tình huống nhất định thì Luật sư có nghĩa vụ phải tiết lộ và thậm chí phải tố giác. Vậy, đó là những trường hợp nào, thưa Ông?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:

Điều kiện thứ nhất: Theo Điều 19 BLHS 2015 quy định thì những thông tin cho thấy có một hành vi phạm tội đang được chuẩn bị thực hiện hoặc là sắp được thực hiện thì mọi công dân, bao gồm cả Luật sư sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự nếu không tố giác.

Điều kiện thứ hai: Đối với những hành vi đã xảy ra rồi nhưng nếu như không tố giác thì tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: Như tội phạm có tổ chức, người cầm đầu bị giam giữ nhưng bên ngoài bộ máy vẫn diễn ra các hành vi vi phạm pháp luật. Với trường hợp này rõ ràng Luật sư phải có nghĩa vụ tố giác, đề ngăn chặn hành vi đó của thân chủ.

Điều kiện thứ ba: Tôi nhấn mạnh là trong trường hợp này thì Luật sư phải có chứng cứ. Nếu Luật sư chưa có chứng cứ vững chắc đã đi tố giác thân chủ, lại còn dẫn đến oan sai thì chính Luật sư đó cũng không sống nổi với lương tâm của mình.

Khi có 3 điều kiện này, Luật sư có nghĩa vụ tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng thì tôi cũng đồng ý.

Đây là cuộc đấu tranh của riêng bên trong Luật sư, một bên là lương tâm, trách nhiệm với thân chủ mình có nghĩa vụ bảo vệ, một bên là trách nhiệm với xã hội, với đất nước. Rõ ràng lúc này Luật sư phải chọn trách nhiệm với xã hội, với đất nước

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thuộc tổ Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh  

Phóng viên: Quan điểm của ông dường như có phần tương đồng với quan điểm của của ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ – Bắc Kạn trong phần tranh luận sáng 24/5?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:

Với trách nhiệm và cương vị của ĐBQH, tôi đã đề nghị sửa Điều 19: Bổ sung vào là nếu xâm phạm an ninh quốc gia, một số tội đặc biệt nghiêm trọng mà Luật sư biết rõ, có đủ chứng cứ nhưng không tố giác sẽ tiếp tục gây nguy hại cho xã hội thì Luật sư phải có nghĩa vụ tố cáo thân chủ.

Tôi đồng ý một phần với quan điểm của Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ về nghĩa vụ tố giác của Luật sư.

Ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ là phần liệt kê các tội đặc biệt nghiêm trọng theo điều 389 đã được thu hẹp đáng kể, nhưng tôi và Luật sư Vũ Ngọc Thịnh, dựa trên ý kiến của nhiều Luật sư thì thấy cần phải thu hẹp hơn nữa. Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là việc thu hẹp đó không quan trọng bằng ba điều kiện tôi đã nói ở trên.

Phóng viên: Xin Ông cho biết cảm nhận của mình về việc tranh luận trên Nghị trường Quốc hội trong Kỳ họp thứ 3 này?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:

Mỗi Đại biểu Quốc hội đều có quyền phát biểu bằng quan điểm, nhận thức riêng của mình; có tranh luận thì mới có tiến bộ, mới có nhận thức chung về một vấn đề. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các Đại biểu Quốc hội về những vấn đề đưa ra bàn thảo, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tâm huyết, trách nhiệm của các Đại biểu trong công tác xây dựng pháp luật.

Phóng viên:

Cảm ơn Ông về cuộc phóng vấn này!

Cũng trong khuôn khổ Kỳ họp Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí về việc tranh luận cùng Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ – Bắc Kạn khẳng định: “Quan điểm của tôi cho rằng, nếu phi hình sự hóa tiếp tội không tố giác tội phạm do thân chủ của mình với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong điều 389 là điều rất đáng phải cân nhắc”.

Nguyễn Thị Thuỷ vs Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ hiện là Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội 

Nói về các phản ứng không đồng tình với phát biểu của mình tại nghị trường, bà Thủy khẳng định: “Phát biểu của tôi là trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc, vì sự bình yên chung của nhân dân. Những điều đó cũng cần phải tiếp tục trao đổi tiếp. Tôi rất lắng nghe các ý kiến, từ đó có thêm thông tin để phục vụ hoạt động người đại biểu đại diện cho nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Sơn Tùng

Khai trương Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Ngày 17/5/2017, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Lễ Khai trương Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Dự buổi Lễ có TS. LS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch LĐLSVN; LS Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch LĐLSVN; đại biểu khách mời và các cơ quan thông tấn báo chí.

Luật sư Việt Nam đồng tình với kiến nghị bào chữa cho Đoàn Thị Hương

Luật sư phía Việt Nam nhấn mạnh việc xét xử phải đảm bảo sự khách quan, công bằng trên cơ sở các căn cứ đầy đủ, hợp pháp.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang