Cự tuyệt phóng viên trong họp báo, Trump tạo tiền lệ gây lo ngại

12/01/2017 03:35

Đấu khẩu và nhất quyết không trả lời câu hỏi từ một phóng viên trong họp báo, Donald Trump đang tạo ra tiền lệ xấu có thể gây ảnh hưởng tới nhiệm kỳ tổng thống của ông, chuyên gia nhận định.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xuất hiện trong cuộc họp báo vào hôm qua.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xuất hiện trong cuộc họp báo vào hôm qua.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua có cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử tại tòa tháp Trump ở New York. Trong thời gian diễn ra họp báo, ông đã phớt lờ câu hỏi từ phóng viên CNN Jim Acosta, đồng thời nổ ra một cuộc tranh luận khá gay gắt với người này bởi trước đó, CNN đưa một bản tin mà nhà tài phiệt New York cho là “tin giả mạo”, theo CBS News. Ông Trump thậm chí còn gọi CNN là một “tổ chức tồi tệ”.

CNN hôm 10/1 cho biết tình báo Mỹ đã bàn giao cho Donald Trump và Barack Obama một bản tóm tắt hai trang tài liệu mật, trong đó gợi ý Nga đã chủ động hợp sức với chiến dịch tranh cử của ông Trump và cũng nắm giữ những thông tin bất lợi cho nhà tài phiệt New York. Tuy nhiên, Điện Kremlin tuyên bố họ không nắm thông tin gì gây tổn hại cho tổng thống đắc cử Mỹ.

“Tổng thống Mỹ tương lai đã thể hiện rõ ràng rằng ông cảm thấy truyền thông đang thiên vị. Việc từ chối trả lời câu hỏi có lẽ chưa phải là hình phạt duy nhất của ông”, tạp chí Variety dẫn lời David Caputo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pace ở New York, bình luận. “Tổng thống Trump và truyền thông dường như sẽ có một mối quan hệ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Đây không phải lần đầu tiên Trump bị vướng vào những vụ lùm xùm với truyền thông. Trong quá trình vận động tranh cử, ông từng cấm một số tổ chức tham gia vào chiến dịch và thường xuyên kêu gọi người ủng hộ gây áp lực lên các nhà báo. Trump còn sử dụng Twitter, nơi ông có 15 triệu người theo dõi, để phản pháo những người chỉ trích mình và tung ra các tuyên bố mang tính khiêu khích.

Hồi giữa tháng 11, Trump công kích New York Times khi tờ báo này đưa tin về tình trạng lộn xộn trong quá trình chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ. “Câu chuyện thất bại của New York Times về việc chuyển giao quyền lực hoàn toàn sai”, ông tuyên bố. “Quá trình đó diễn ra hết sức êm thấm”.

“New York Times chỉ đơn giản là đang thất vọng và tự thấy họ giống như kẻ ngốc khi đưa tin về tôi như vậy”, Trump nhấn mạnh.

Mối quan hệ không thuận giữa Trump và truyền thông đang gieo nhiều mối quan ngại, chuyên gia nhận định. Việc nhà tài phiệt New York từ chối trả lời câu hỏi từ một cơ quan truyền thông là dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump trong tương lai có thể “đóng băng” bất kỳ hãng tin hay tờ báo nào nêu ra những vấn đề mà ông không thích.

Mặt khác, cách ông Trump ứng xử với báo chí đã phá vỡ truyền thống duy trì hàng thập kỷ qua ở Nhà Trắng. “Đối với một tổng thống Mỹ, trả lời câu hỏi từ truyền thông là nghĩa vụ, bất kể quan điểm về người phóng viên, tờ báo hay câu hỏi ra sao”, Peter Slevin, giáo sư tại Trường Báo chí Medill thuộc Đại học Northwestern, nhận xét. “Riêng việc ông Donald Trump không tổ chức một cuộc họp báo nào từ tháng 7 đã đủ gây lo ngại. Nhưng khi từ chối trả lời câu hỏi từ phóng viên và nhiếc móc tổ chức của họ bằng thái độ giận dữ, Trump đã tự mình tạo ra một ví dụ tệ hại cho đất nước cũng như một tiền lệ rắc rối cho nhiệm kỳ tổng thống của ông”.

Nếu Trump tiếp tục gây trở ngại cho CNN, các phóng viên của họ chắc chắn phải cố gắng dùng những cách thức khác để lấy thông tin, Slevin dự đoán. “Trump rồi sẽ phải nhận bài học rằng những người phóng viên tốt sẽ phản ứng trước sự cự tuyệt bằng cách nỗ lực hơn nữa để có câu trả lời”, ông nói.

Người dẫn chương trình John Dickerson từ CBS News lại có cái nhìn khắt khe hơn. Theo ông, nhà tài phiệt New York đang muốn tạo ra một mối quan hệ mới với báo chí. Tất cả các tổng thống Mỹ đều cố gắng kiểm soát thông tin bằng cách tác động tới báo chí, song tỷ phú Trump đang làm điều này bằng cách đe dọa và phản bác gay gắt những câu chuyện chống lại mình.

“Trump cũng đang tìm cách vô hiệu hóa họ. Ông ấy không phàn nàn về bất cứ câu chuyện cụ thể nào mà thực chất đang muốn nói rằng đây là cuộc chiến giữa ông và báo chí trong một nỗ lực nhằm tước đi các giá trị của báo chí”, Dickerson nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong một phát biểu cách đây gần hai tháng, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich cho rằng giới truyền thông cần thích nghi với phong cách CEO của ông chủ Nhà Trắng tương lai. “Phong cách đó có thể trái ngược với quy tắc báo chí truyền thống nhưng bạn không thể áp đặt điều gì với Trump”, Gingrich quả quyết.

Vũ Hoàng/vnexpress.net

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang