Công an Cà Mau rút kinh nghiệm sâu sắc vụ công dân bị cấm xuất cảnh

16/04/2017 10:29

Sau khi báo chí đăng tải bài viết “Công an Cà Mau cấm xuất cảnh công dân tùy tiện”, lãnh đạo công an tỉnh có chỉ đạo kiểm tra vụ việc báo nêu.

Công an Cà Mau sâu sắc rút kinh nghiệm

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 12/4, Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an Cà Mau, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) cùng Ban tham mưu đã có buổi làm việc với báo Pháp luật Việt Nam (Phapluatplus.vn) để phản hồi thông tin.
Đại tá Danh thừa nhận thông tin báo nêu hoàn toàn chính xác, đồng thời thừa nhận Cơ quan CSĐT có sai sót, ông cũng thông báo, các điều tra viên tham gia vụ án đã gởi báo cáo giải trình, lãnh đạo Công an Cà Mau sẽ có hình thức xử lý cụ thể…
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an Cà Mau. (Ảnh Zing.vn)
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an Cà Mau. (Ảnh Zing.vn)
Đại tá Danh cho biết: “Vụ án kéo dài hơn 10 năm, do có kháng nghị của Viện Kiểm sát nên điều tra viên thay đổi nhiều lần. Chúng tôi sai sót trong quá trình điều tra, đáng lẽ qua thanh lọc khi điều tra, phát hiện những ai không liên quan vụ án, không chứng minh được hành vi phạm tội của họ thì phải gởi báo cáo, đăng ký giải tỏa cho họ về Cục quản lý xuất nhập cảnh.
Tôi mới nhận chức Thủ trưởng CSĐT năm 2014, khi tòa xét xử lại vụ án, tòa gởi danh sách tạm hoãn xuất cảnh của 9 công dân theo danh sách năm 2009, tôi đã sơ xuất không theo dõi chỉ đạo lãnh đạo sát diễn biến vụ việc do vụ án kéo dài qua nhiều thời kỳ.
Thông qua báo Pháp luật Việt Nam (Phapluatplus.vn) tôi đã chỉ đạo rà soát và đã đề xuất giải tỏa lệnh tạm hoãn cho 9 công dân. Hiện đã có lệnh giải tỏa của A62 đối với những người không liên quan vụ án”.
Lệnh giải tỏa khỏi diện
Lệnh giải tỏa khỏi diện “Chưa được xuất cảnh” đối với ông Võ Thành Tiên.

Làm sao để hạn chế hiện tượng?

Hiện nay, các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến việc xác định, đăng ký và quản lý người thuộc diện chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh; tạm hoãn xuất cảnh, cần chú ý khi nhập cảnh, cần chú ý khi xuất cảnh chỉ có thông tư 20/2011/TT-BCA ngày 25/4/2011 của Bộ Công an điều chỉnh hành vi này của công dân.
Nhưng trong thông tư này có một bất cập làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền công dân: thông tư không khẳng định bắt buộc công an các địa phương phải có nghĩa vụ thông báo cho người bị cấm hay tạm hoãn, chú ý khi xuất nhập cảnh.
Trích điều 13 mục 3 của thông tư: “Đơn vị đã đăng ký phê duyệt các quyết định chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, giải tỏa các quyết định có trách nhiệm thông báo về các quyết định của cấp có thẩm quyền có liên quan cho người bị áp dụng biết trừ trường hợp vì an ninh hoặc phục vụ cho công tác điều tra tội phạm”.
Còn bao nhiêu công dân trong diện
Còn bao nhiêu công dân trong diện “Chưa được xuất cảnh” mà không biết? (Ảnh minh họa: nguồn CQLXNC)
Thông tư này gây nên sự không thống nhất trong qui trình cấm hay tạm hoãn xuất nhập cảnh của công dân. Thượng tá Trần Toàn Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cà Mau nói: “Công an địa phương chỉ gởi hồ sơ đương sự về Cục quản lý xuất nhập cảnh (CQLXNC) đăng ký, còn phê duyệt hay không phê duyệt chúng tôi không được biết.
Kết quả này theo qui trình thì chỉ thông báo cho Đội quản lý xuất nhập cảnh thuộc PA61. Nếu trong cụm từ “đơn vị đã đăng ký phê duyệt” điều 13 nêu trên có dấu phẩy giữa hai từ “đăng ký” và “phê duyệt” thì chúng tôi mạnh dạn thông báo cho đương sự biết họ bị cấm, hoãn xuất nhập cảnh trong thời gia bao lâu”.
Theo đại tá Trương Ngọc Danh: “Chính sự không thống nhất từ trên xuống trong qui trình thực hiện thông tư 20 mà chúng tôi lấn cấn trong việc thông báo cấm, tạm hoãn xuất cảnh cho đương sự bởi còn yếu tố an ninh quốc gia và nhiều yếu tố khác bên Tổng Cục an ninh quản lý.
 
Cụ thể vụ việc ông Tiên, phát hiện sơ xuất, tôi ký lệnh đăng ký giải tỏa cho ông Tiên ngay ngày 13/3/2017 nhưng đến ngày 12/4/2017 Công an Cà Mau mới nhận lệnh giải tỏa từ A62 gởi xuống.
 
Chính vậy mà Công an Cà Mau không thông báo cho biết ông Tiên biết kịp trong thời gian sớm để khắc phục hậu quả với đối tác Ấn độ.
 
Tôi mong muốn Tổng Cục an ninh và Tổng Cục cảnh sát có một thống nhất chỉ đạo cho công an địa phương để thực hiện nhanh chóng hiệu quả thông tư 20, tránh gây hậu quả đến quyền công dân”.
Thực tế, hiện nay những công dân bị cấm hay tạm hoãn xuất cảnh trên toàn quốc nhiều người hoàn toàn không biết. Bởi công an địa phương không thông báo cho họ biết để họ cân nhắc trước khi quyết định xuất cảnh.
Minh chứng, khi báo Pháp luật Việt Nam (Phapluatplsu.vn) đăng tải thông tin 9 công dân Cà mau bị cấm xuất cảnh thì trong danh sách 9 người đã có 2 người phản hồi: “Nhờ báo Pháp luật Việt Nam thông tin mới biết mình bị cấm xuất cảnh trong 2 năm”.
Tương tự trường hợp ông Võ Thành Tiên ở Cà Mau, ông Lê Thanh Liêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Long An bị Công an Long An cấm xuất cảnh mà mình không hay biết gì. Ngày 8/4/2017 ông Liêm ra cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất để làm thủ tục đi Nhật Bản du lịch mới biết mình bị cấm và ra quay lại với bao tổn thất….
Ông Tiên và ông Liêm, nếu biết mình bị cấm thì chắc chắn hai ông sẽ cân nhắc khi mua vé bay ra nước ngoài. Vậy còn bao nhiêu công dân bị cấm mà không biết mình bị cấm nữa, làm sao để họ không thiệt hại như ông Tiên và ông Liêm? Câu trả lời giành cho cơ quan chức năng?!
Ngọc Long/ PL+
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang