Con bị đánh thương tích: Bố yêu cầu khởi tố, mẹ có rút yêu cầu khởi tố được không?

25/08/2017 11:36

Cháu tôi là N.V.B đánh bạn là P.T.H gây thương tích với tỉ lệ thương tật là 25% (cả hai cháu đều 17 tuổi). Chỉ có bố của H yêu cầu khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với B về tội cố ý gây thương tích. Viện kiểm sát ra quyết định truy tố B theo khoản 1 điều 104 BLTTHS 2003. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì mẹ H đã làm đơn yêu cầu Tòa không đưa B ra xét xử. Như vậy, vụ án này có bị đình chỉ không hay chỉ bị đình chỉ khi bố của H làm đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án?

Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Tội cố ý gây thương tích là tội phạm được quy định tại Điều 104 BLHS năm 1999. Với tỉ lệ thương tật là 25%, người thực hiện hành vi có thể bị truy tố theo tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 khi có đề nghị của người bị hại theo quy định tại Điều 105 BLTTHS năm 2003:

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

“Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.”

Do H mới 17 tuổi, là người chưa thành niên nên theo quy định trên, việc yêu cầu khởi tố do người đại diện hợp pháp của H thực hiện. Tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người đại diện theo pháp luật của cá nhân là “Cha, mẹ đối với con chưa thành niên”. Vì vậy, trong trường hợp bạn hỏi, cả cha và mẹ của H đều có quyền đại diện H yêu cầu khởi tố vụ án.

Việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hiện được quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003:

“2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Như vậy, trong khoản này đã nêu rõ người có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án là “người đã yêu cầu khởi tố” và điều kiện rút yêu cầu khởi tố là “trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm”, không “trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức”. Đáp ứng điều kiện này thì “vụ án phải được đình chỉ”.

Trong trường hợp bạn hỏi, tuy mẹ của H là người đại diện hợp pháp của H và có đơn yêu cầu không đưa B ra xét xử trước khi mở phiên tòa nhưng mẹ của H lại không phải là người đã nộp đơn yêu cầu khởi tố vụ án nên không có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án. Vì bố của H là người đại diện hợp pháp của H, là người đã yêu cầu khởi tố vụ án nên bố của H cũng là người có quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án. Đồng thời, vụ án sẽ được đình chỉ khi bố H rút yêu cầu khởi tố vụ án hoàn toàn tự nguyện, không trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Ngọc Nga

Điểm mới về trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm theo BLTTHS 2015

(Kiemsat.vn) – Theo BLTTHS năm 2003 thì tùy từng vụ án, chủ tọa phiên tòa hỏi trên cơ sở nội dung từng vụ án cụ thể mà không quy định phải hỏi ai trước, ai sau. Bộ luật TTHS năm 2015  đã gộp chung phần xét hỏi và tranh luận thành tranh tụng.

Vụ người giúp việc bạo hành bé sơ sinh: Công an phối hợp với VKS điều tra

Xác nhận với PV Báo điện tử Infonet, ông Lê Đức Tùng – Trưởng Công an TP Phủ lý (tỉnh Hà Nam) cho biết: “Chúng tôi đã mời bà giúp việc có hành vi bạo hành cháu bé đến cơ quan Công an để tiến hành điều tra làm rõ về vụ việc rồi”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang