Chuyện chưa kể về những người thầy Kiểm sát của tôi

30/04/2017 07:06

(kiemsat.vn)
Đối với tôi, đó không chỉ là cấp trên, là đồng nghiệp mà còn là những người thầy đáng kính. Bao lâu nay, tôi vẫn ấp ủ một ý tưởng, tôi sẽ viết về họ, giống như sự tri ân của tôi gửi đến những người đã dìu dắt mình, những người thầy Kiểm sát của tôi.

Mỗi lần hồi tưởng lại từ lúc chập chững vào Ngành đến giờ, tôi thầm nghĩ, mình may mắn hơn rất nhiều so với anh chị em đồng lứa trong Vụ, những người hướng dẫn tôi đều là những bậc thầy xuất sắc về kiến thức và kinh nghiệm trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Người thầy đầu tiên

Mọi người đều nghĩ Tiến sỹ Vũ Văn Mộc là người thầy đầu tiên của tôi, nhưng thực ra, không phải, người đầu tiên hướng dẫn tôi làm việc là Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học bây giờ, khi đó chị đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát.

Văn bản pháp chế đầu tiên của tôi khi mới bước chân vào Ngành là làm với chị, và cũng là văn bản để… đời của tôi. Sự kiện ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một tấm gương, để răn dạy lớp trẻ Viện khoa học kiểm sát về tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Tôi đã tự ghi tên mình vào lịch sử Viện khoa học kiểm sát, tiền thân của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học ngày nay, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, xuất hiện một nhân viên làm văn bản kém đến vậy. Tôi nhớ mãi bút phê của Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát lúc ấy, bác Đặng Văn Khanh, dành cho văn bản của mình: “Bà Chi ơi, bà làm ơn bớt chút thời gian dạy bà Thảo làm văn bản giúp tôi”, cái duyên thầy – trò của chúng tôi bén như vậy đấy.

100% trong cuộc đời người giảng viên kỳ cựu ấy chưa bao giờ gặp học sinh nào học yếu như tôi. Ngược với nỗi xấu hổ, sợ hãi của tôi, cấp trên của tôi chỉ cười xòa, an ủi: “Có gì đâu em, ai mới vào mà chẳng phải qua đào tạo, cầm tay chỉ việc, chỉ cần chịu khó là làm được việc thôi mà…”.

Có lẽ, sự bao dung của một người thầy đã ngấm sâu vào con người chị, một cách vô thức, chị hướng dẫn tôi giống như chị đang đứng trên bục giảng hơn là lãnh đạo với cấp dưới. Áp lực tâm lý của tôi giảm đi sau mỗi lời động viên của chị, mãi đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ, nếu ngày đó tôi không gặp được lãnh đạo như chị, không biết làm thế nào để lấy lại sự tự tin…

Người thầy thứ hai

Ấn tượng về người thầy thứ hai của tôi là sự nhẹ nhàng, tỉ mỉ và sâu sắc. Văn bản của tôi nói riêng, của bất kỳ nhân viên nào trong Vụ Pháp chế nói chung, đều được đọc hết sức cẩn thận, dưới mỗi nội dung cần sửa đều có những chỉ dẫn chi tiết, cặn kẽ… Mỗi lần làm việc với chị, là một lần chúng tôi được học hỏi, uốn nắn từ cách hành văn đến lối tư duy sắc sảo. Đến đây, chắc ai cũng đoán ra người thầy thứ hai của tôi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, đồng chí Phạm Hoàng Diệu Linh.

Cũng như bao đơn vị khác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ 14 luôn phải đối mặt với khối lượng lớn công việc, trong tình trạng thiếu nhân lực. Do vậy, mặc dù không phải nhân viên trực tiếp của chị, tôi vẫn được huy động trong trường hợp cần thiết.

Thú thật, lúc nhận văn bản tôi có hơi sốc, màu mực đỏ nhuộm hồng trang giấy trắng, gần như tôi viết cái gì, chị sửa cái đó, nhưng, khi đọc lại, tôi mới thấy, văn bản được sửa có chiều sâu hơn nhiều so với lúc ban đầu.

Nhược điểm duy nhất của sếp tôi và cũng là nhược điểm chung của Vụ 14, đó là… cuồng công việc, bất cứ lúc nào tôi nhìn thấy chị, trừ lúc nghỉ trưa, đều thấy chị đang làm việc, dường như, chị không cho phép có khoảng trống tồn tại trong thời gian của mình. Thậm chí, nếu công việc yêu cầu, chị sẵn sàng đi làm cả thứ 7 và Chủ nhật, bất chấp thời tiết.

Làm việc chung với chị mới biết, yêu cầu công việc của chị với chúng tôi dễ hơn rất nhiều so với chính chị, chị là người dạy tôi bài học về sự cố gắng, không dừng lại, không bằng lòng với những gì mình có, để đạt tới mức độ cao nhất trong công việc. Không chỉ tôi mà lớp trẻ nói chung của Vụ Pháp chế đều tự cảm thấy hổ thẹn trước tinh thần làm việc của chị, không hẹn mà cùng nhau cố gắng, cho dù, để theo kịp bước chân của chị là cả chặng đường rất dài…

Người thầy thứ ba

Người thầy này của tôi chắc cả ngành đều biết tiếng, cả cuộc đời công chức của ông gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân, Tiến sĩ Vũ Văn Mộc, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, nay là giảng viên trưởng Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Trái ngược với vẻ ngoài lãng tử, có chất nghệ sĩ, con người ông khá hồn nhiên, thủy chung, đôi khi rất đáng yêu… Cùng với Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát khi đó, bác Đặng Văn Khanh, là hai ông già đồng lứa duy nhất của Viện khoa học, cặp đôi ấy vô cùng, vô cùng dễ thương.

Thật đấy, đã có lúc tôi trở thành liên lạc viên của hai ông, vì hai cụ giận nhau với những lý do rất trời ơi, đất hỡi. Ví dụ, chỉ riêng chuyện tranh cãi xem ai làm anh, ai xưng chú, hai ông mất đến cả năm trời để lý luận với nhau. Khi một người cho rằng, ai hơn tháng người đó làm anh, thì người kia khăng khăng, ai về hưu trước người đó làm anh, rồi nhờ mọi người trong Viện nghiên cứu xem ai đúng, ai sai, cả đơn vị không ai bảo ai, đều tìm cách đánh trống lảng.

Cứ thế, cho đến một ngày đẹp trời, hai cụ dỗi nhau thật, con bé tôi tha hồ chạy đi chạy lại giữa tầng 7 và tầng 8 làm trung gian truyền tin cho các cụ, vì hai cụ phớt nhau… Đỉnh điểm có lần, cụ tầng 7 (bác Khanh) hỏi cụ tầng 8 (chú Mộc) giờ nghỉ trưa có về không? Cụ tầng 8 bảo tôi: “Nói với ông ấy, chú về rồi”, 5 phút sau, cụ tầng 7 chạy lên: “Tại sao lão dám sai nó nói với tôi là lão về rồi? Tôi nghe thấy hết rồi nhé”, tưởng thế nào, cụ tầng 8 đỏ mặt, hai cụ làm hòa mới đơn giản làm sao.

Nhưng, cũng chính ông cụ tầng 7 là cầu nối vun đắp duyên thầy trò giữa tôi và chú Mộc, cũng là người thầy mà tôi vô cùng yêu quý kể từ khi vào Ngành kiểm sát đến nay. Với tôi, ông vừa là thầy, vừa là cha, là chú, hơn hết, chính ông là người đánh thức tình yêu nghề, yêu ngành, trân trọng sắc áo kiểm sát trong tôi.

Người thầy thứ tư

Cơ duyên giữa tôi vào người thầy này đến rất bất ngờ, khi ấy, anh vẫn đang là Trưởng phòng Tổng hợp và Quản lý khoa học, sự điều chuyển vị trí công tác đã góp phần vun đắp nên tình thầy trò giữa hai chúng tôi.

Khác với những người thầy trước đó, người thầy này của tôi đầu tư, chăm chút rất nhiều cho hình ảnh của mình, được chị em trong Vụ bình chọn danh hiệu “hot man” của Vụ pháp chế. Nhưng thực tế thì sao? Giá mà yêu cầu của anh ấy trong công việc cũng ngọt ngào như vẻ ngoài của anh ấy thì tốt biết bao nhiêu, đẹp trai không đi kèm với dễ tính – đây là kết luận được tôi và một cô em cùng phòng rút ra sau thời gian dài làm việc với anh ấy. Mọi người đoán ra anh ấy là ai chưa? Vâng, xin giới thiệu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Tội phạm học, người thầy thứ tư của tôi.

Phải mất thời gian khá lâu, tôi mới quen được với phong cách làm việc rất tây của anh, khảo sát kinh nghiệm những người đã từng làm việc với anh, chúng tôi thấy có hai trạng thái: đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái, vì cấp trên của tôi không bao giờ quan tâm những chuyện nhỏ nhặt, anh ấy chỉ cần biết bạn trong công việc, bạn làm tốt, anh ấy sẽ ghi nhận, bạn làm không tốt, cứ chờ đấy, bạn chỉ hận không có lỗ nẻ để chui trước ánh mắt nghiêm khắc, không khoan nhượng của sếp tôi.

Thậm chí, anh ấy sẽ cancel cả một đề tài khoa học cấp bộ mà bạn dày công viết lách nếu bạn đi lạc đề, lúc này, bạn sẽ trải qua cung bậc cảm xúc thứ hai, bạn ấm ức. Tiếp đó, bạn sẽ mang nỗi ấm ức của mình viết lại toàn bộ theo chỉ đạo của anh ấy, xong xuôi, đọc lại bạn mới cảm thấy mình đã sai như thế nào, thay vì ấm ức, lúc này là khâm phục. Tuy nhiên, để làm việc được với anh Xuân Hà, ngoài tâm lý vững vàng còn đòi hỏi một cá tính nhẹ nhàng, nhất là không được tự ái. Chả thế mà nhân viên của anh toàn những người vui vẻ, dễ tính.

Tôi tự nhận mình may mắn hơn so với những đàn em khác của anh trong Vụ, anh đào tạo tôi lâu nhất và cũng bài bản nhất, bù lại, tôi cũng là người chịu áp lực tâm lý nặng nhất với yêu cầu công việc của anh. Đôi lần tôi cũng cố vùng lên, nhưng rồi lại chịu thua vì lý lẽ của anh quá chắc chắn, khiến tôi không thể không bội phục.

Mỗi lần như thế, anh lại nhìn tôi cười khoái trá, vô tình, anh khiến tôi nghiêm túc hơn, chịu khó đào sâu suy nghĩ hơn, công việc của tôi cũng theo đó mà tốt hơn. Tin tôi đi, nếu bạn là người mới, hãy lựa chọn theo một ông sếp khó tính như sếp tôi, bạn được nhiều hơn mất, qua được cửa ải cùa thầy tôi, bạn sẽ qua được tất cả những cửa ải còn lại. Với tôi bây giờ, nhận được sự thừa nhận của anh ấy cũng giống như đạt được vòng nguyệt quế khi leo lên đỉnh Olympia ấy, cơ mà, cái vòng ấy treo tít trên cao, còn chân tôi thì ngắn, trèo mãi không đến…

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2017

Trịnh Phương Thảo

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang