Nguyễn Minh T có phạm tội chống người thi hành công vụ?

14/03/2017 04:42

(kiemsat.vn)
– Liệu hành vi của Lê Minh T là đấm, đá người thi hành công vụ khi bị đuổi đến địa điểm khác thì có phạm tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS không?

Cảnh sát giao thông lập biên bản người vi phạm - ảnh Internet
             Cảnh sát giao thông lập biên bản người vi phạm – ảnh Internet

Nội dung vụ việc:

Khoảng 19 giờ ngày 19/10/2016, tổ tuần tra kiểm soát giao thông gồm 03 đồng chí Võ Thanh K, Nguyễn Văn P, Lê Minh C do Võ Thành K làm đội trưởng tiến hành tuần tra kiểm soát trên địa bàn được phân công, theo kế hoạch.Lúc này, tại quán nhậu PS, thị trấn MP, huyện TP có Trần Quốc Th, sinh năm 1995, Nguyễn Minh T (sinh năm 1990) cùng ngụ ấp M, thị xã CL, tỉnh TG và Nguyễn Tuấn V, C đang nhậu. Trong lúc nhậu, Nguyễn Tuấn V sai Th đến cửa hàng xe máy TD gọi xe chạy dịch vụ đưa một số người bạn về. Th đồng ý nên đi lấy xe máy của mình mang biển kiểm soát 63B2-347.20, không đội mũ bảo hiểm đến cửa hàng xe TD gọi xe dịch vụ, sau đó điều khiển xe máy đi về trên tỉnh lộ 867 hướng từ xã PL đến thị trấn MP.

Cùng lúc này, khoảng 19 giờ 45 phút, đồng chí K và P chạy trước, cách phía sau khoảng 10m là đồng chí C đang tuần tra kiểm soát trên tỉnh lộ 867 hướng từ thị trấn MP đến xã PL thì phát hiện phía trước khoảng 15m, Th đang điều khiển xe máy theo chiều ngược lại không đội mũ bảo hiểm, nên đồng chí K yêu cầu đồng chí P sử dụng đèn pin và còi để ra hiệu lệnh kiểm tra vi phạm. P sử dụng đèn pin và còi yêu cầu Th dừng xe xử lý vi phạm nhưng Th không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy; C và K thấy vậy đã quay đầu xe để đuổi theo xe của Th. Đến quán PS, C phát hiện Th đậu xe trước cửa quán PS và đi vào bên trong quán, nên C đã đi theo đến quầy tính tiền gặp chủ quán để liên hệ công tác thì thấy Th đang ngồi nhậu, C đã yêu cầu Th đi ra ngoài để giải quyết vụ việc.

Khi K và P đuổi đến trước cửa quán PS để hỗ trợ đồng chí C tìm và xử lý hành vi phạm giao thông của Th, xe mô tô của đồng chí K đã tắt máy, cách quán PS 10,2 m thì gặp Nguyễn Minh T. T đến chỗ đồng chí K và P chửi thề “… CSGT không bắt ngoài lộ mà vô quán bắt” và đi vòng ra phía sau xe mô tô, lúc này đồng chí P bước xuống xe thì T dùng chân đá trúng vào vùng các ngón tay phải của P và dùng tay đấm vào vùng lưng và vai của đồng chí K. Cùng lúc này, đồng chí C và người vi phạm ra đến cửa quán thì gặp đồng chí P, nói có người cản trở công vụ và chỉ đối tượng T đang chửi bới, thách thức lực lượng, nên tổ tuần tra đã gọi lực lượng 113 Công an huyện TP đến hỗ trợ giải quyết vụ việc.

Qua vụ việc nêu trên,Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện TP đề nghị VKSND cùng cấp có ý kiến về việc sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Minh T về hành vi chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Trong quá trình giải quyết vụ án có nhiều ý kiến khác nhau

Ý kiến thứ nhất cho rằng, hành vi nêu trên của Nguyễn Minh T không đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, hành vi của T không gây cản trở công vụ vì lúc này đồng chí C đã liên hệ và mời được đối tượng Th ra khỏi quán để làm việc, xử lý vi phạm.

Thứ hai, công vụ của tổ công tác là không đúng, không phù hợp với quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông;việc thực hiện công vụ không đúng địa điểm. Hành vi của tổ công tác là vượt quá mức cần thiết khi thực hiện công vụ xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm của người vi phạm.

Thứ ba, nếu chỉ dựa vào lời khai của bị hại, trong khi đối tượng T đã say rượu, nói không nhớ và có thể cho rằng T có đến gặp đồng chí K và Ph, có hành động giơ tay, múa chân nhưng là do đùa giỡn, không cố ý chống đối, cản trở việc thực hiện công vụ; và công vụ vẫn được thực hiện bình thường đối với Th.

Thứ tư, hành vi của T có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích cho người khác nhưng do giám định không có tỷ lệ thương tích nên không thể xử lý hình sự.

Tác giả bài viết không đồng ý với quan điểm này.

Ý kiến thứ hai cho rằng, hành vi nêu trên của Nguyễn Minh T đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS, tác giả bài viết cũng đồng ý với ý kiến này, bởi vì:

Tổ tuần tra kiểm soát giao thông do đồng chí Kiều làm tổ trưởng đang thi hành công vụ được Nhà nước giao: Có kế hoạch phân công công tác; có mặc trang phục ngành, sử dụng xe, công cụ hỗ trợ đúng quy định ngành; hoạt động theo tổ- có phân công tổ trưởng…..

Việc thực hiện công vụ tại quán PS là phù hợp với quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Căn cứ vào khoản 3 Điều 20 Thông tư số 02/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông “tùy theo loại xe, tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe” thì nhận thấy như sau: Có lỗi vi phạm không đội mũ bảo hiểm; đã ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra nhưng không chấp hành, tăng ga bỏ chạy gây mất trật tự; có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở của người khác (đi vào bên trong quán)….do đó, cần phải tiến hành tổ chức ngăn chặn, tìm đối tượng vi phạm để xử lý là phù hợp (tìm đối tượng để giải quyết chứ không phải là biện pháp cưỡng chế hành chính như tạm giữ người hoặc hiểu là bắt người…).

Cần phải nói thêm rằng:

– Việc tuần tra, xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông là thành lập tổ, có sự phối hợp, hỗ trợ, tổ chức thực hiện lẫn nhau trong công tác, nên việc đồng chí K (tổ trưởng) và P đến trước cửa quán để hỗ trợ đồng chí C là hoàn toàn phù hợp.

– Sự việc xảy ra khi đồng chí K và P vẫn còn ngoài lộ 867, cách quán 10,2m.

Đối tượng T biết chắc rằng các đồng chí K, P là những người đang thi hành công vụ (mặc dù đã say rượu theo như đối tượng nói), bởi: Các đồng chí đang mặc trang phục Ngành; sử dụng xe đặc chủng của CSGT; khi gặp đồng chí K, P thì đối tượng T nói “Cảnh sát giao thông không bắt ngoài đường mà vô quán”, điều này thể hiện rằng T biết rõ các đồng chí này đang thực hiện công vụ; giữa T và Th có mối quan hệ bạn bè, đang nhậu chung, việc Th sử dụng xe máy đi gọi xe dịch vụ là T biết và biết rằng khi Th chạy vào quán mà liền lúc đó có Cảnh sát giao thông tới là tìm Th để xử lý.

Đối tượng T đã có những hành vi cụ thể để cản trở việc thực hiện công vụ của đ/c K và P như sau: Mặc dù đối tượng nói rằng do say nên thừa nhận có dùng chân đá, tay đánh qua lại nhưng không biết trúng ai, đối tượng T có đủ năng lực trách nhiệm hình sự nên không thể nói là “quơ qua quơ lại” mà phải là “đấm, hoặc đánh”. Mặt khác, căn cứ lời khai đối tượng, bị hại và người làm chứng là Ngô Kim M, Nguyễn Minh N, xác định:

– Có hành vi chửi bới, thách thức lực lượng Công an đang thi hành công vụ, hành vi này không vì mục đích vụ lợi mà vì mục đích cản trở việc thực hiện công vụ.

– Có hành vi đá vào tay đồng chí P; đấm vào vai, lưng đồng chí K.

– Thực tế công vụ đã bị cản trở, việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với T không thể tiến hành ngay tại địa điểm vi phạm được mà phải huy động lực lượng 113 hỗ trợ đưa về trụ sở Công an huyện để giải quyết,đã giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính.

Từ những phân tích, lập luận nêu trên cho thấy, trong vụ án này và đối với tội phạm chống người thi hành công vụ có cấu thành hình thức cho nên việc xác định hành vi của T có là tội phạm hay không là tội phạm chỉ cần chứng minh “Tổ Cảnh sát giao thông do K làm tổ trưởng đến quán PS tìm Th để xử lý vi phạm hành chính” là đúng quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.

Trên đây là các ý kiến về giải quyết vụ việc, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc trong và ngoài ngành./.

Nguyễn Văn Tuấn

VKSND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Cảnh sát giao thông không có quyền rút chìa khóa xe

Việc rút chìa khóa xe không có trong quyền hạn của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. Người bị kiểm tra hành chính có quyền khiếu nại hoặc tố cáo nếu CSGT có những hành vì trái với quy định pháp luật.

Nâng cao trình độ, văn hóa ứng xử cho CSGT

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Cục Cảnh sát giao thông chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và văn hóa ứng xử cho toàn lực lượng Cảnh sát giao thông, nhất là tập huấn ứng xử các tình huống trong quá trình tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để cán bộ, chiến sĩ có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm sẵn sàng đối phó khi bị đối tượng chống lại khi thi hành công vụ.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang