Chỉ dùng hoocmon chuyển đổi giới tính liệu có được công nhận là người chuyển giới?

14/05/2017 10:52

Đây là một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận trong buổi “Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật chuyển đổi giới tính” được tổ chức sáng 12/5 tại Hà Nội.

Dù đã được Quốc Hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính (CĐGT), tuy nhiên, đến nay cộng đồng người chuyển giới vẫn chưa có một bộ luật hoàn chỉnh quy định về các vấn đề liên quan đến CĐGT.

Và trong buổi hội thảo, Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã đưa ra 8 chính sách đề cập tới những vấn đề bức thiết nhất trong cộng đồng người chuyển giới.

Điều kiện để được công nhận là người chuyển giới

Các chính sách bao gồm: Xác định lại phạm vi điều chỉnh của luật; Các trường hợp được CĐGT; Độ tuổi can thiệp y học để CĐGT; Quy định về tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp y học; Xác định tâm lý người CĐGT; Điều kiện đối với cơ sở khám chữa bệnh được can thiệp CĐGT; Việc công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện CĐGT trước ngày luật CĐGT có hiệu lực và Chi trả kinh phí thực hiện CĐGT; Chi trả kinh phí thực hiện kỹ thuật CĐGT.

Chia sẻ về cơ sở của những chính sách này, ông Nguyễn Huy Quang cho hay: “Những chính sách này được bắt đầu xây dựng từ năm 2016, dựa trên ý kiến từ các chuyên gia, các cơ quan liên quan và đại diện của cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng.”

Ông Quang cũng nhấn mạnh: “Đây chính là cơ sở cho Bộ Y tế và Bộ Tư pháp trình Quốc hội vào cuối năm nay. Khi dự thảo được thông qua thì đến năm 2019-2010 Luật về chuyển đổi giới tính sẽ ban hành và mất khoảng 6 tháng đến 1 năm, luật chính thức có hiệu lực”.

“Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật chuyển đổi giới tính” tổ chức sáng 12/5.
“Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật chuyển đổi giới tính” tổ chức sáng 12/5.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là làm sao để được công nhận là người CĐGT? Liệu chỉ sử dụng hoocmon có được công nhận, hay phải phẫu thuật?

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế đã đưa ra 3 giải pháp:

Sử dụng hoóc môn 2 năm sẽ được công nhận chuyển giới.

Đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục).

Chỉ cần có xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Tại đây, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Mỗi giải pháp đều có những tác động tích cực và tiêu cực riêng.

Bởi nếu chọn giải pháp thứ nhất, đó là sử dụng hoóc môn liên tục trong hai năm thì được công nhận là người chuyển giới, thì có nhiều người đã phẫu thuật nhưng không sử dụng hoocmon. Điều này gây khó khăn cho nhiều người bởi phải sử dụng thường xuyên, làm gia tăng chi phí.

Còn nếu chọn giải pháp thứ hai thì không phải người chuyển giới nào cũng có đủ tiền để đi phẫu thuật và không phải người nào cũng bảo đảm sức khỏe để làm phẫu thuật.

Đối với giải pháp thứ ba, sẽ dẫn tới có thể có sự lạm dụng để đề nghị giới tính mới nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc nhằm đạt được mục đích nào đó trong trường hợp thông đồng với cán bộ để có bản xác nhận đã kiểm tra tâm lý. Việc này dễ gây khó khăn trong quản lý, đặc biệt về hộ tịch do dễ dàng thay đổi giới tính, họ tên của mỗi cá nhân.

Về các ý kiến tranh cãi xung quanh các trường hợp sẽ được công nhận chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Trà, phó Vụ trưởng Vụ các Vấn đề xã hội cho hay: “Chúng ta cần thực hiện việc công nhận người chuyển đổi giới tính theo pháp luật dựa trên sự kết hợp mặt bằng chung của thế giới và thời điểm thực thi. Bởi nếu không thắt chặt và làm rõ quy định trường hợp người chuyển đối giới tính sẽ ảnh hưởng đến toàn thể xã hội”.

La Nam một thành viên trong cộng đồng người chuyển giới cho rằng, bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
La Nam một thành viên trong cộng đồng người chuyển giới cho rằng, bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Bảo hiểm có nên hỗ trợ chi trả chi phí thực hiện chuyển giới?

Bên cạnh đó, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng LGBT là chi phí thực hiện kỹ thuật CĐGT.

Về vấn đề này, hầu hết các ý kiến của cộng đồng LGBT đều cho rằng bảo hiểm nên hỗ trợ chi trả một phần chi phi thực hiện kỹ thuật CĐGT. Bởi chi phí phẫu thuật khá cao và không phải ai cũng đủ khả năng để chi trả.

La Nam, một thành viên của cộng đồng LGBT chia sẻ: “Em đồng tình với giải pháp bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ một phần chi phí trong việc thực hiện CĐGT. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ gây ra hệ lụy như nhiều người lợi dụng để phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực hay vấn đề yết hầu ở nam giới. Nhưng theo em, bảo hiểm có thể hỗ trợ chi phí cho việc phẫu thuật phần dưới hoặc hỗ trợ sau hậu phẫu”.

Chia sẻ về giải pháp này, ông Lương Anh Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật – Văn phòng Chính Phủ cho biết: “Chúng ta cần cân nhắc kỹ trước khi đi đến bộ Luật cuối cùng, bởi đây mới chỉ là bước đầu. Về vấn đề bảo hiểm hỗ trợ chi phí phẫu thuật thì tôi thấy nên coi những người cần CĐGT là người bệnh thì bảo hiểm có thể hỗ trợ một phần chi phí”.

Ông Lương Anh Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật - Văn phòng Chính Phủ.
Ông Lương Anh Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật – Văn phòng Chính Phủ.

Không đồng tình với ông Tấn, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế cho rằng: “Cộng đồng LGBT, người CĐGT là những người hoàn toàn bình thường, không thể coi họ là người bệnh. Còn đối với việc bảo hiểm y tế có nên hỗ trợ chi phí phẫu thuật hay không thì phụ thuộc vào luật và các quy định khác. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét”.

Theo Phap.luatplus

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang