Cần làm rõ việc thông tin không chính xác ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội

26/05/2017 01:10

(kiemsat.vn)
– Sáng 24/5, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, nhiều ĐBQH đã đăng đàn tranh luận quanh việc sửa đổi BLHS năm 2015. Ngày 25/5, Tạp chí Nhà Quản lý điện tử đăng một bài viết, trong đó có những nội dung thông tin không chính xác ý kiến phát biểu của ĐBQH. Để độc giả hiểu đúng, Kiểm sát Điện tử xin đăng lại ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy.

Thông tin sai lệch nội dung phát biểu của Đại biểu Quốc hội

Mỗi kỳ họp Quốc hội là mỗi lần các nhà báo có nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp với Đại biểu Quốc hội, tiếp cận với những vấn đề nóng và khó trong đời sống xã hội với quan điểm, cách nhìn nhận, bình luận của từng đại biểu có nhiều tương đồng, nhưng cũng có những quan điểm khác biệt. Báo chí đã đồng hành, phản ánh chính xác, kịp thời về diễn biến các hoạt động của Quốc hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Tuy nhiên, cá biệt có một số bài viết hoặc một số đoạn trong bài viết của phóng viên thông tin không chính xác, bình luận thiếu khách quan, thiếu trách nhiệm với độc giả và những nhân vật trong bài báo. Dưới đây là một ví dụ vừa xảy ra.

Vào 18:12 ngày 25/05/2017, Tạp chí Nhà Quản lý điện tử đăng một bài viết “Lo ngại chất lượng đại biểu Quốc hội” của tác giả Đặng Vỹ, kèm theo hình ảnh Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) phát biểu tranh luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội ngày 24/5/2017; trong bài báo có đoạn: “Lại mới tức thì đây thôi, hôm qua 24/5, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một nữ đại biểu là tiến sĩ Luật, đang có phẩm trật ở cơ quan luật cấp trung ương, đã đề nghị đưa quy định luật sư phải tố cáo thân chủ vào bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu không tố cáo thì luật sư sẽ bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm”. Nói như vậy thì có lẽ giới luật sư phải bỏ nghề chạy đi hành nghề khác”

Đây là việc làm cần phê phán vì thông tin không chính xác, không trung thực, gây hiểu nhầm cho người đọc bằng cách chỉ cắt một đoạn rất ngắn trong lời phát biểu của Đại biểu Quốc hội rồi bình luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Vậy, thông tin chính xác về phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy là như thế nào?

Sau khi đọc lại toàn bộ bản bóc băng nội dung phiên họp, chúng tôi nhận thấy, khi tranh luận về việc cần loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm kể cả không tố giác tội phạm là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng của thân chủ mình, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã nêu một số khía cạnh như:

Đối với những tội xâm phạm an ninh quốc gia, không thể lấy bất kỳ lí do nào, kể cả lí do hoạt động nghề nghiệp để cho rằng phải bảo vệ việc này. “Chính vì vậy, Hiến pháp 2013 tại Điều 45 quy định như sau: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân và tại Điều 44 quy định: phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”, Đại biểu Thủy khẳng định: “Chúng tôi cho rằng nếu như người bào chữa trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình mà biết thân chủ của mình đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm vào các tội khủng bố, tội gián điệp, phạm vào tội phản bội Tổ quốc mà không tố giác vì lý do nghề nghiệp, chúng tôi cũng đặt một vấn đề, một câu hỏi ở đây nếu như bao che cho những tội phạm này thì liệu có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta yên tâm phát triển nghề nghiệp dù đấy là bất kỳ nghề nghiệp nào, không nói đấy là nghề bào chữa”.

Đại biểu Thuỷ nêu rõ quan điểm: “Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì không phải mọi tội đặc biệt nghiêm trọng mà người ruột thịt và người bào chữa không tố giác phải chịu trách nhiệm, mà Điều 389 của Bộ luật hình sự 2015 chỉ liệt kê một số tội đặc biệt nghiêm trọng mà người bào chữa và người ruột thịt là khi người đó phạm vào thì phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác. Đấy là tội liên quan đến giết người, đến khủng bố, đến hiếp dâm trẻ em, đến đánh tráo trẻ em dưới một tuổi”.

Như vậy, bài báo nêu trên đã không trích dẫn chính xác ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy tại phiên họp, đồng thời có những bình luận thiếu khách quan, gây hiểu lầm, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Thiết nghĩ, Tạp chí Nhà Quản lý điện tử cần xem xét lại nội dung bài báo và kịp thời đính chính để đảm bảo tính chính xác trong việc thông tin về nội dung phát biểu của Đại biểu Nguyễn Thị Thủy tại Hội trường Diên Hồng, sáng 24/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Sơn Tùng

Lương cơ sở tăng lên 1.39 triệu đồng/tháng từ 01/7/2018

(Kiemsat.vn) – Sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2018, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.3 triệu đồng/tháng lên 1.39 triệu đồng/tháng.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao là thiết chế góp phần làm trong sạch nền tư pháp

(Kiemsat.vn) – Sáng 7/11, tại phiên thảo luận tại Nhà Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã trả lời những vấn đề mà các ĐBQH, dư luận quan tâm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang