Một số ý kiến về quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

18/10/2016 01:57

(kiemsat.vn)
Trong thực tiễn áp dụng Luật phòng chống ma túy cũng như Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân vẫn còn một số vướng mắc cần được hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.

Trước đây, đối với các đối tượng nghiện ma túy, khi kiểm tra phát hiện dương tính với ma túy thì cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục chuyển cho Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nhưng từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ tháng 7 năm 2013, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biệp pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được ban hành và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được áp dụng từ đầu năm 2014 thì việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án quyết định.

Tại Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định: Các biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy bắt buộc. Các hình thức cai nghiện ma túy bao gồm: Cai nghiện ma túy tại gia đình; cai nghiện ma túy tại cộng đồng; cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện”.

Tại Điều 27 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định: Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với người tự nguyện cai nghiện, trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười hai tháng.

Tại Điều 15 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây viết tắt lf Pháp lệnh số 09) quy định:

1. Thẩm phán quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chí khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Hết thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Người bị đề nghị đã chết;

c) Người bị đề nghị không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 92, khoản 1 Điều 94 hoặc khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

d) Người bị đề nghị thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 92, khoản 2 Điều 94 hoặc khoản 2 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

đ) Cơ quan đề nghị rút đề nghị;

e) Người bị đề nghị đã có bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với hành vi bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

g) Người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ chấp hành hình phạt tù hoặc hình phạt tử hình theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chí khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó;

b) Khi phát sinh tình tiết mới về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị và cần yêu cầu cơ quan đề nghị tiến hành trưng cầu giám định;

c) Người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên. Tại điểm h khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh số 09 quy định:

Thẩm phán công bố quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh này.

Nhưng thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 09 còn một số vướng mắc chưa được hướng dẫn, xin nêu ví dụ một vụ việc cụ thể như sau:
Ngày 16/7/2015 Nguyễn Văn H có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị Chủ tịch UBND thị Trấn L, huyện L ra quyết định áp dụng biện pháp xử phạt hành chính giáo dục tại cộng đồng trong thời hạn là 03 tháng; đến ngày 16/10/2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn L cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn giáo dục tại cộng đồng. Nhưng đến ngày 06/04/2016, Nguyễn Văn H bị Công an thị trấn L kiểm tra hành chính phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy và lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân huyện L áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngày 09/06/2016, Tòa án nhân dân huyện L mở phiên họp thì Nguyễn Văn H cung cấp giấy chứng nhận trong thời gian Công an thị trấn L lập hồ sơ thì ngày 14/04/2016, Nguyễn Văn H tự nguyện đến Trung tâm cai nghiện. Đến ngày 04/05/2016, được Giám đốc Trung tâm chứng nhận Nguyễn Văn H đã cắt cơn hồi sức và đã uống thuốc chống tái nghiện nên Tòa án quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Văn H với lý do Nguyễn Văn H đã tự nguyện đi cai nghiện.

Qua vụ việc nêu trên, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý đối với Nguyễn Văn H. Cụ thể:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Phòng chống ma túy quy định đối tượng nghiện ma túy được tự nguyện đi cai nghiện nên việc Nguyễn Văn H tự nguyện đi cai nghiện ma túy và đã có xác nhận của bác sỹ đã cắt cơn nghiện thì không cần thiết phải áp dụng biện pháp hành chính cai nghiện bắt buộc.

Ý kiến thứ hai cho rằng, Luật Phòng chống ma túy quy định thời hạn cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ít nhất là 6 tháng đến 12 tháng và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ 12 tháng đến 24 tháng. Ngoài ra, tại Điều 15 và Điều 20 của Pháp lệnh số 09 của UBTVQH ngày 20/01/2014 về quyết định áp dụng của biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không quy định đối tượng sử dụng ma túy trong thời gian lập hồ sơ mà đối tượng tự nguyện đi cai nghiện thì Tòa án không áp dụng. Vì vậy, Tòa án không được áp dụng đối với Nguyễn Văn H. Bởi vì nếu áp dụng dẫn đến hệ lụy là các trường hợp tương tự khác sau khi bị phát hiện sử dụng ma túy nhưng đang trong thời gian lập hồ sơ đối tượng tự nguyện đi cai nghiện nhằm trốn tránh biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, qua vụ việc nêu trên thì theo Điều 26 của Luật Phòng chống ma túy quy định: Cai nghiện ma túy trong hai trường hợp đó là cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Tại Điều 15 Pháp lệnh số 09 thì không có quy định nào quy định trong thời hạn đang lập hồ sơ mà đối tượng tự nguyện đi cai nghiện đã được bác sỹ xác nhận đã cắt cơn cai nghiện thì Tòa án không áp dụng biện pháp hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc và khoản 2 Điều 27 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy quy định thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ 06 tháng đến 12 tháng. Nhưng trong trường hợp của Nguyễn Văn H đi cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm 22 ngày và được bác sỹ xác nhận là đã cắt cơn cai nghiện là chưa đủ thời gian theo quy định của Luật Phòng chống ma túy. Đồng thời tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh số 09 quy định: Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế… nhưng Luật Phòng chống ma túy không quy định cụ thể trong trường hợp người tự nguyện vào cơ sở cai nghiện là bao nhiêu ngày mới được coi là đã tự nguyện đi cai nghiện và Pháp lệnh số 09 cũng không quy định nếu trong trường hợp mà người nghiện ma túy đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc mà tự nguyện đi cai nghiện thì Tòa án không áp dụng.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung vào khoản 2 Điều 27 Luật Phòng chống ma túy như sau:

2. Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười hai tháng. Trong trường hợp đối tượng tự nguyện đi cai nghiện phải có chứng nhận của Trung tâm cai nghiện xác nhận đã cắt cơn nghiện.

Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh số 09/2014 ngày 20/01/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân như sau: Người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ chấp hành hình phạt tù hoặc hình phạt tử hình theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc đã có chứng nhận của Trung tâm cai nghiện xác nhận đã tự nguyện đi cai nghiện tại trung tâm và đã cắt cơn nghiện.

Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ làm cơ sở xem xét quyết định trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân đối với việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được nhanh chóng, thuận tiện, đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh trận tự, an toàn xã hội.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên chúng tôi mong bạn đọc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng chống ma túy cũng như trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Lê Văn Quang
VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Rườm rà thủ tục đưa người nghiện đi cai

(Kiemsat.vn) - Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, ngày 24/6/2016, VKSND huyện Thủy Nguyên phối hợp với Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Hải Phòng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang