Bitcoin: Tiền ‘ảo’ mất tiền thật

12/12/2017 08:23

(kiemsat.vn)
Chưa bao giờ được pháp luật thừa nhận, song thời gian qua, kinh doanh tiền ảo, đặc biệt là tiền ảo đa cấp, vẫn làm mưa làm gió, khiến hàng ngàn người dân khốn đốn vì sập bẫy, gây bất ổn an ninh trật tự xã hội.

Thời gian qua, công an nhiều tỉnh, thành phố đã điều tra, xử lý rất nhiều vụ liên quan đến tiền ảo Bitcoin… Qua đấu tranh, các đối tượng thừa nhận có cấu kết với nhiều đối tượng khác tạo ra một trang web liên quan đến đồng tiền ‘ảo’ để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia.

Theo Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 27/11/2017, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt 3 đối tượng là Thân Thị Toan (50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú tại tổ 8, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, trú ở Tòa nhà Ruby2, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền “ảo” Bitcoin.

Bitcoin: Tiền ‘ảo’ mất tiền thật Các đối tượng trong vụ án tại cơ quan điều tra (nguồn internet)

Trước đó, CQĐT nhận đơn của bà Đỗ Thị Nhường ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) tố cáo Thân Thị Toan lừa đảo. Bà Nhường đóng tiền (hơn 400 triệu đồng) để mua mã AOC, được trả lãi suất theo ngày, mỗi ngày 0,5%. Sau 180 ngày không muốn tham gia nữa sẽ được rút gốc. Quá 180 ngày, bà Nhường muốn rút toàn bộ số tiền gốc hơn 400 triệu đồng song đối tượng Thân Thị Toan không cho rút. Nếu rút hết bà phải mua thêm một mã mới nhưng bà không đồng ý, Toan cũng không trả lại tiền như đã cam kết nên bà Nhường làm đơn tố cáo.

Quá trình điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ, với thủ đoạn tuyên truyền, dụ dỗ người dân đóng tiền mua mã AOC và lôi kéo theo kiểu đa cấp như: Tiếp tục tham gia thì tài khoản gốc sẽ tăng gấp đôi; nếu ai vận động được người khác cùng mua mã AOC thì được hưởng từ 10-15% tiền hoa hồng trên tổng số tiền mà người khách đến sau tham gia…,các đối tượng trên đã lừa đảo hàng chục tỷ đồng của nhiều người dân Bắc Giang và các tỉnh khác.

Pháp luật chưa thừa nhận

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản”. Như vậy, các tài sản ảo, tài sản điện tử chưa được quy định. Từ đó, cũng không có các quy định về chế độ sở hữu, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay các quyền về tài sản khác.

Bitcoin: Tiền ‘ảo’ mất tiền thật Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Với tư cách là một phương tiện trung gian thanh toán, tiền ảo cũng chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

Trên thực tế, Tòa án Việt Nam, đã xử một vụ án liên quan đến việc kinh doanh tiền ảo. Đó là vụ TAND tỉnh Bến Tre xét xử ông Nguyễn Việt Cường kiện yêu cầu toà huỷ quyết định truy thu thuế đối với việc ông tham gia trao đổi tiền điện tử (Bitcoin). Theo HĐXX, hiện chưa có luật công nhận tiền điện tử Bitcoin là hàng hoá. Từ đó, Tòa án đã tuyên hủy Quyết định thu thuế đối với việc kinh doanh tiền điện tử của ông Nguyễn Việt Cường.

Cảnh giác với tiền ‘ảo’, kẻo bị lừa rồi mất tiền thật

Các đồng tiền ảo (hoặc có thể gọi khác là tiền điện tử) hình thành từ công nghệ blockchain, dù rất nhiều nước chưa thừa nhận là tiền tệ, vẫn đang được giao dịch, trao đổi, làm trung gian thanh toán. Thường thì các “đồng tiền” này được giao dịch thông qua các sàn giao dịch điện tử được đông đảo thừa nhận. Bản thân các đồng tiền điện tử được giao dịch phải đạt được một số tiêu chí nhất định về công nghệ và các tiêu chí khác mới được đưa vào danh sách để giao dịch. Ngoài ra, không phải cứ đầu tư vào tiền ảo là có lãi. Giá trị của các đồng tiền cũng biến động ngược chiều không lường trước được

Trong khi đó, gần đây một số đối tượng ở Việt Nam, lại mời chào người dân kém hiểu biết về công nghệ, thiếu thông tin hoặc sống ở nông thôn tham gia đầu tư, mua bán các đồng tiền ảo khác với những quảng cáo về lợi nhuận hấp dẫn (có thể gấp hàng chục lần lãi suất tiền gửi ngân hàng). Phương thức giao dịch thậm chí “cổ điển” – bằng giấy viết tay. Rõ ràng, người mua hoặc đầu tư gần như không có thông tin gì về loại “tiền” mà mình sở hữu, không quản lý, cầm nắm được. Hơn nữa, nhân thân của những người tham gia chào mời đầu tư tiền ảo không rõ ràng, nếu không tìm hiểu kỹ dễ “sa bẫy” lừa đảo.

Từ thực tế trên, có thể thấy rằng, nếu không am hiểu về công nghệ, không hiểu rõ và không có thông tin về các đồng tiền ảo đang được giao dịch trên thị trường thì nên cẩn trọng khi quyết định đầu tư. Đặc biệt, cần cảnh giác cao độ với những lời chào mời có gắn với những khoản lợi nhuận khổng lồ theo kiểu kinh doanh đa cấp.

Về mặt pháp lý, phải luôn lưu ý rằng, tiền ảo chưa được pháp luật Việt nam thừa nhận là một tài sản hay phương tiện trung gian thanh toán, nên khi xảy ra các tranh chấp, sẽ khó được pháp luật bảo vệ.

Anh Minh
(tổng hợp)

Xem các tin có liên quan >>>>>

Nhờ mua thẻ cào điện thoại: Chiêu trò cũ, vẫn bị lừa

Giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo

BLHS 2015: Bổ sung Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

Bitcoin: Xu hướng hay trò lừa đảo?

Đại học FPT chấp nhận thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang là tâm điểm bàn luận trên các diễn đàn. Vậy sử dụng bitcoin là bắt kịp công nghệ tương lai hay chỉ là mù quáng chạy theo trò lừa gạt?

Phạt đến 200 triệu đồng nếu phát hành, sử dụng tiền ảo bitcoin

(Kiemsat.vn) – Từ ngày 1/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang