Bàn về kỹ thuật lập pháp của phần chung BLHS năm 2015 (phần 1)

25/05/2017 03:55

(kiemsat.vn)
Góp ý cho BLHS năm 2015, GS.TSKH Lê Cảm đề cập đến 08 nhược điểm trong kỹ thuật lập pháp của phần chung BLHS. Trong bài viết này, kiemsat.vn giới thiệu đến bạn đọc 3 vấn đề đầu tiên: những nhược điểm thuộc hệ thống và cơ cấu; chế định đạo luật hình sự và chế định tội phạm.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Trong 2 số liên tiếp (số 3 và số 4/2016) của tạp chí Kiểm sát(1) thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, chúng tôi đã đề cập những điểm mới cơ bản của Phần chung Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, đặc biệt ưu điểm lớn nhất là việc tách các quy phạm không phải là tội phạm ra khỏi chế định tội phạm (Chương IV BLHS năm 1999 trước đây) thành một Chương mới độc lập của BLHS năm 2015 ─ Chương V “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự” (TNHS). Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các tiêu chí của một Bộ luật tốt trong Nhà nước pháp quyền (NNPQ) đích thực của dân, do dân và vì dân, thì dưới khía cạnh kỹ thuật lập pháp (KTLP) các quy phạm Phần chung BLHS năm 2015 vẫn có một loạt các nhược điểm (trong đó có nhiều nhược điểm từ BLHS năm 1999 trước đây) nhưng khi soạn thảo BLHS năm 2015 nói chung, cũng như Dự thảo Luật ngày 10/3/2017 sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của BLHS năm 2015 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp tháng 3/2017 (viết tắt là Dự thảo Luật SĐBS ngày 10/3/2017) nói riêng, thì Dự thảo Luật đó vẫn chưa loại trừ chúng. Mặt khác, toàn Dự thảo Luật này dài đến tận 127 trang giấy A4 nhưng chủ yếu chỉ là hướng sự tập trung vào các quy định thuộc Phần các tội phạm (Phần riêng) vì tại Điều 1 Dự thảo Luật này có tất cả 127 nội dung được SĐBS (chiếm 124/127 trang) nhưng vẻn vẹn chỉ có 25 nội dung SĐBS liên quan trực tiếp đến Phần chung (chỉ có 14/127 trang), trong khi theo quan điểm được thừa nhận chung của khoa học luật hình sự thì Phần chung PLHS mới là Phần có các quy phạm chủ yếu và quan trọng hơn cả mang tính nguyên tắc để góp phần định hướng cho việc xây dựng các quy phạm Phần riêng (tức Phần các tội phạm) vậy mà Phần chung lại rất ít được đề cập đến (?).

2. Do sự hạn chế của thời gian và số trang dành cho 01 bài đăng Tạp chí nên khi nghiên cứu các quy phạm Phần chung BLHS năm 2015 chúng tôi chỉ có thể đề cập đến việc phân tích các nhược điểm nào là cơ bản và rõ rệt hơn cả về mặt KTLP của Bộ luật ấy (mà Dự thảo Luật SĐBS ngày 10/3/2017 vẫn chưa đề cập đến). Như vậy, ngoại trừ chế định TNHS của người dưới 18 tuổi phạm tội, nội dung bài báo này sẽ tương ứng với tám (08) nhóm vấn đề lớn trong Phần chung BLHS năm 2015 thuộc bảy (07) chế định lớn của PLHS là: 1) Hệ thống và cơ cấu của BLHS năm 2015; 2) Chế định đạo luật hình sự; 3) Chế định tội phạm; 4) Chế định những trường hợp loại trừ TNHS; 5) Chế định TNHS; 6) Chế định các biện pháp cưỡng chế (BPCCh) hình sự (bao gồm 2 chế định nhỏ thuộc nó là chế định hình phạt và chế định biện pháp tư pháp – BPTP hình sự); 7) Chế định các biện pháp tha miễn (BPTM) và; 8) Chế định TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội.

II.NỘI DUNG VẤN ĐỀ

1. Những nhược điểm cơ bản thuộc hệ thống và cơ cấu của BLHS năm 2015

Vẫn chưa khắc phục được hạn chế về KTLP của việc bổ sung thêm một Phần và là Phần mới (Phần thứ ba “Điều khoản thi hành”) trong cơ cấu của BLHS năm 2015 khi phân chia các quy định của Bộ luật này (ngoài 2 Phần lớn theo truyền thống trước đây là Phần chung và Phần riêng hay còn gọi là Phần các tội phạm). Nhưng rất tiếc là cơ cấu của Phần thứ Ba này vẻn vẹn chỉ có 1 Điều luật (Điều 426). Sự bất cập này là rất rõ rệt có thể nhận thấy trên 4 bình diện sau đây:

Một là, theo quan điểm đã được thừa nhận chung trong KTLP thì đối với các Luật (Bộ luật) và vấn đề này đã được khẳng định từ lâu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam là: 1) Việc quy định về hiệu lực thi hành thông thường chỉ được ghi nhận trong Phần (Chương) cuối cùng về điều khoản thi hành của các đạo luật do Quốc hội thông qua với tư cách là các văn bản Luật đơn lẻ (chứ không áp dụng việc quy định như vậy khi soạn thảo các Bộ luật lớn); 2) Vì đối với các Bộ luật lớn trong lĩnh vực TPHS thì bao giờ Quốc hội cũng ban hành văn bản riêng biệt (thường là Nghị quyết) mà trong đó có nhiều điều (chứ không phải chỉ có 1 Điều duy nhất như kiểu Phần thứ ba “Điều khoản thi hành” của BLHS năm 2015) để giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến việc thi hành Bộ luật ấy; 3) Có thể khẳng định chắc chắn rằng, từ trước đến nay để việc thi hành các Bộ luật lớn của đất nước chưa bao giờ biết đến kiểu “sáng tạo” mà chỉ vẻn vẹn có 1 điều luật và cả nội dung hướng dẫn thi hành lại cũng được ghi nhận ngay trong chính bản thân Bộ luật đó như kiểu Phần thứ ba của BLHS năm 2015; 4) Trong khi đó, cũng chính ngay trong ngày 27/11/2015 cùng với việc ban hành BLHS năm 2015, thì Nghị quyết số 109 của Quốc hội khóa XIII “Về việc thi hành Bộ luật hình sự” chỉ có 2 điều, thì tại sao lại không đưa luôn nội dung Điều 426 (Điều cuối cùng của BLHS năm 2015) thuộc Phần thứ ba đã nêu thành điều thứ 3 của Nghị quyết số 109/QH13 của Quốc hội thì có lẽ hợp lý hơn.

Hai là, mặt khác KTLP với Phần thứ ba “Điều khoản thi hành” của BLHS năm 2015 rõ ràng là hoàn toàn trái ngược với truyền thống lập pháp hình sự (LPHS) Việt Nam trong suốt 70 năm qua (1945 – 2015) mà thế hệ các bậc lão thành giỏi và đầy kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực PLHS của nước ta đã có công xây dựng nên. Vì chính truyền thống BLHS chỉ có 2 Phần (Phần chung và Phần riêng) đã từng tồn tại trong 2 BLHS trước đây của nước ta (BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999).

Ba là, cần lưu ý rằng, ngay trong giai đoạn đương đại hiện nay truyền thống LPHS của các nước XHCN cũ đứng đầu là Liên Xô trước đây với các BLHS chỉ có 2 Phần (Phần chung và Phần riêng) đã và vẫn đang được kế thừa trong các BLHS hiện hành tại các nước này (trong số những nước ấy có nhiều nước đã là các NNPQ đích thực) và không hề có BLHS nước nào thêm Phần thứ ba như trong BLHS Việt Nam năm 2015.

Và bốn là, việc phân tích hệ thống và cấu trúc (cơ cấu) của Phần thứ nhất “Những quy định chung” BLHS năm 2015 còn cho thấy nhược điểm cơ bản nữa là sự chưa chặt chẽ về mặt KTLP và chưa nhất quán (thống nhất) về mặt logic pháp lý, như: 1) Trong khi đại đa số các chương (10/12 chương) sắp xếp các quy phạm của từng điều luật tương ứng trực tiếp theo các điều thì lại có 2 chương (Chương VIII và Chương XII) sắp xếp các quy phạm của từng điều luật tương ứng theo hướng gộp các điều luật có cùng bản chất pháp lý (BCPL) theo các Mục nhỏ; 2) Trong khi đại đa số các điều (99/107 điều của Phần chung) ghi nhận nội dung các quy phạm trong từng điều luật tương ứng theo các khoản, thì vẫn có 8 điều (26, 37, 39, 42, 43, 45, 58 và 104) thì lại theo các đoạn; 3) Theo logic đánh số thứ tự các Chương thì sẽ hợp lý nếu như tiếp theo sau Chương X “Xóa án tích” là Chương XI về TNHS của người dưới 18 tuổi (tức người chưa thành niên – NCTN) phạm tội như trong BLHS năm 1999 trước đây, rồi sau đó sẽ là Chương XII cuối cùng về TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội (vì đây là Chương mới hoàn toàn lần đầu tiên được ghi nhận trong PLHS Việt Nam), vậy mà Chương này (xuất hiện sau) lại đặt ở vị trí trước Chương đã có từ trước rồi (!); 4) Trong khi đã có Chương XI riêng biệt “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” rồi, thì nên chăng các BPCCh hình sự (tức các hình phạt và các BPTP) đối với chủ thể này cần phải được ghi nhận đầy đủ (cả liệt kê tên gọi + cả BCPL từng loại) ngay trong chính Chương đó. Nhưng rất tiếc là tại Chương XII vấn đề này chỉ được quy định đối với các BPTP, còn đối với các hình phạt thì việc ghi nhận lại thiếu sự nhất quán ở chỗ chúng bị “xẻ ra” – tức là BCPL từng loại hình phạt thì được quy định tại các điều 77 – 81, còn tên gọi các loại hình phạt thì lại được liệt kê trước đó (rất xa) tại Điều 33 thuộc Chương V “Hình phạt” là nơi ghi nhận cả 2 nội dung (cả tên gọi các loại hình phạt + BCPL từng loại hình phạt đối với cá nhân phạm tội).

2. Những nhược điểm cơ bản thuộc chế định đạo luật hình sự

Chưa có sự nhất quán so với luật hình thức. Trong khi luật hình thức (Bộ luật TTHS năm 2015) cùng được ban hành một ngày 27/11/2015 với luật nội dung (BLHS năm 2015) có quy phạm ghi nhận việc giải thích từ ngữ (Điều 4) để làm rõ rất nhiều thuật ngữ pháp lý có trong Bộ luật nhưng rất tiếc là BLHS năm 2015 thì lại không có quy phạm này. Trong khi đó, để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ thực tiễn của các cơ quan bảo vệ pháp luật (BVPL) và Tòa án (nhất là ở các địa phương) nhận thức – khoa học đúng và áp dụng chính xác các quy phạm PLHS mới được ban hành, thì rõ ràng là BLHS năm 2015 cũng rất cần thiết phải có quy phạm đề cập đến vấn đề này. Chẳng hạn, đơn cử như việc quy định vấn đề chủ thể phạm tội, tức là cá nhân người phạm tội hoặc (và) pháp nhân thực hiện tội phạm trong một loạt các điều luật thuộc Phần chung BLHS năm 2015 rõ ràng là chưa đạt. Bởi lẽ:

Mặc dù Điều 8 “Khái niệm tội phạm” đã khẳng định pháp nhân cũng là chủ thể phạm tội (tức là thực hiện tội phạm) nhưng rất tiếc là tại một loạt các điều luật khác của Phần chung BLHS năm 2015 việc sử dụng thuật ngữ có liên quan đến chủ thể phạm tội chỉ mới đề cập đến 1 đối tượng là “người phạm tội” (như: Các điều 10, 11, 14 – 19… thuộc Chương III và rất nhiều điều khác thuộc các chương V – X) chưa bao quát cả đối tượng thứ 2 nữa (cũng thuộc phạm trù “chủ thể phạm tội”) – “pháp nhân phạm tội”.

Chính vì lẽ đó, để tránh sự không chặt chẽ về mặt KTLP, thiếu nhất quán về mặt logic pháp lý và chưa chính xác về mặt khoa học, vì thuật ngữ “người phạm tội” thì tại một số điều luật có thể sử dụng thuật ngữ “người phạm tội” là đủ, nhưng tại nhiều điều luật khác thiết nghĩ cần phải được suy ngẫm thật sâu sắc và kỹ để sử dụng thuật ngữ “chủ thể phạm tội” hoặc “chủ thể bị kết án” thì mới bao hàm được cả pháp nhân trong đó.

Quy phạm về nhiệm vụ của PLHS trong Điều 1 BLHS năm 2015 vẫn còn tồn tại một số nhược điểm cơ bản về mặt KTLP chưa được khắc phục là:

Quy phạm tại đoạn 1 Điều này khi đề cập đến nhóm các khách thể loại mà BLHS có nhiệm vụ phải bảo vệ thì tuy được liệt kê rất dài dòng nhưng vẫn còn thiếu một loạt các khách thể loại khác rất quan trọng như: Môi trường, chế độ kinh tế, hòa bình và an ninh của nhân loại (trong khi chúng vẫn được bảo vệ = các quy phạm Phần riêng), mà lẽ ra chỉ cần liệt kê gộp chúng vào 3 (hoặc 4) nhóm các khách thể loại lớn cần phải được BLHS bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm là đầy đủ và chính xác như: 1) Chế độ hiến định (vì trong Hiến pháp năm 2013 có quy định tất cả các nhóm khách thể loại quan trọng nhất của một quốc gia là chế độ chính trị, trật tự pháp luật, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, môi trường…); 2) Nhân thân (hoặc cụ thể hóa phạm trù này thành là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm); 3) Các quyền và tự do của con người và của công dân; và cuối cùng là; 4) Hòa bình và an ninh của nhân loại.

Quy phạm tại đoạn 2 Điều này ghi nhận rằng, BLHS “quy định về tội phạm và hình phạt” rõ ràng là chưa đầy đủ vì vẫn còn thiếu rất nhiều các chế định pháp lý hình sự khác nữa. Bởi lẽ, thực chất là trong BLHS quy định không phải chỉ có 2 chế định “tội phạm” và “hình phạt” mà ngoài 2 chế định này ra, trong Phần chung BLHS năm 2015 còn quy định 6 chế định pháp lý hình sự lớn khác nữa (mà BCPL của chúng hoàn toàn khác chứ không thể đồng nhất (chung) với BCPL của “tội phạm” và “hình phạt”), chẳng hạn như: 1) Chế định lớn về những trường hợp loại trừ TNHS (với một loạt các chế định nhỏ thuộc nó như: Sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, …); 2) Chế định các BPTP hình sự; 3) Chế định quyết định hình phạt (QĐHP); 4) Chế định lớn các BPTM cùng với một loạt các chế định nhỏ thuộc nó; 5) Chế định TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội; 6) Chế định TNHS của người dưới 18 tuổi phạm tội.

Chế định các nguyên tắc của luật hình sự mặc dù là một chế định chủ yếu, rất quan trọng và đã từ lâu được làm sáng tỏ về mặt lý luận trong khoa học luật hình sự Việt Nam, đồng thời PLHS quốc gia cũng đã trải qua 02 lần pháp điển hóa nhưng cho đến tận hôm nay sau lần pháp điển hóa thứ ba PLHS nước nhà (mà cụ thể là trong BLHS năm 2015) vẫn chưa đưa ra được nội dung của các nguyên tắc đó để ghi nhận chế định này.

3. Những nhược điểm cơ bản thuộc chế định tội phạm

Định nghĩa pháp lý (ĐNPL) của khái niệm tội phạm (khoản 1 Điều 8) vẫn còn thiếu chặt chẽ về mặt KTLP, mà cụ thể là:

Đã không liệt kê thì thôi, nhưng một khi đã liệt kê thì về nguyên tắc, các nhóm khách thể loại mà tội phạm xâm hại đến (được liệt kê tại Điều 8 về khái niệm tội phạm) phải hoàn toàn phù hợp (trùng khít) với chính 4 nhóm khách thể loại mà BLHS có nhiệm vụ bảo vệ (đã được liệt kê tại Điều 1 về nhiệm vụ của BLHS) mà để tránh sự lặp lại không cần thiết nên ở đây chúng tôi không nêu lại 4 nhóm đó nữa.

Việc quy định khái niệm tội phạm tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 (do cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện) chỉ bằng một quy phạm với các dấu hiệu chung là “thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”, cùng xâm hại các khách thể loại giống nhau như “độc lập, chủ quyền, độc lập,… trật tự pháp luật XHCN” nhưng theo khoản 1 Điều 8 thì tội phạm đó lại do 2 chủ thể khác nhau (cá nhân hoặc pháp nhân) “thực hiện” mặc dù 2 chủ thể này có các đặc điểm hoàn toàn khác nhau rõ ràng là phi khoa học do cách ghi nhận như vậy hoàn toàn mâu thuẫn ở chỗ:

1) Cá nhân (tức “người có năng lực TNHS”) vì có suy nghĩ và tính toán khi thực hiện hành vi (có lỗi “cố ý hoặc vô ý”) là đúng, nhưng liệu pháp nhân có như vậy không mà lại quy định chung dấu hiệu lỗi với cá nhân (?);

2) Ngoại trừ “trật tự quản lý kinh tế” và “môi trường” ra (vì theo khoản 2 Điều 2 “Cơ sở của TNHS” thì “chỉ pháp nhân thương mại nào… tại  Điều 76 mới phải chịu TNHS”) thì liệu hành vi phạm tội của “pháp nhân thương mại” có thể xâm hại đến một loạt các khách thể loại khác được liệt kê tại khoản 1 Điều 8 là “độc lập, chủ quyền, chế độ chính trị, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN” như “cá nhân” hay không (?);

3) Trong khi đó, rõ ràng là theo Điều 76 BLHS năm 2015 thì phạm vi TNHS của pháp nhân được quy định chỉ tại 31 cấu thành tội phạm (CTTP), tức là chỉ đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tại Chương XVIII) và môi trường (tại Chương XIX) Bộ luật đó, tức là chỉ có 2 nhóm (chứ không phải tất cả các nhóm) khách thể loại được liệt kê tại khoản 1 Điều 8 mà cá nhân có thể xâm hại đến). Vậy mà lại đặt nó (pháp nhân) ngang hàng với cá nhân trong cùng khoản 1 Điều 8 về khái niệm tội phạm?

Chính vì vậy, để khắc phục nhược điểm lớn này tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015, thì cần phải quy định tách riêng tội phạm do cá nhân thực hiện (1) và tội phạm do pháp nhân thực hiện (2) tương ứng theo 2 khoản riêng biệt nhau (chứ không thể ghi nhận ghép chung khái niệm tội phạm do 2 chủ thể khác nhau thực hiện vào cùng một khoản của Điều luật như khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 được) mà nội dung có thể về vấn đề này chúng tôi đã đưa ra kiến giải lập pháp (KGLP) trong bài viết “Về các điều khoản liên quan đến TNHS của pháp nhân trong Phần chung BLHS năm 2015” đăng trên tạp chí Kiểm sát số 22 – tháng 11/2016, các tr.27-39).

Về vấn đề phân loại tội phạm (PLTP) theo Dự thảo Luật SĐBS ngày 10/3/2017 chính là Phương án của Tổ Biên tập (TBT) thuộc Bộ Tư pháp tại phiên họp các cố vấn cao cấp của TBT mà tôi có được mời tham dự (TP. Hà Nội, 07/9/2016), theo đó việc SĐBS nội dung về PLTP do pháp nhân thực hiện tại khoản 2 Điều 9 “Phân loại tội phạm” BLHS năm 2015 có lẽ là chưa đạt vì nó thiếu chặt chẽ về mặt KTLP ở chỗ:

Tại khoản 1 vẫn giữ nguyên quy phạm PLTP cũ trong BLHS năm 2015 mà lẽ ra cần bổ sung thêm các thuật ngữ “do cá nhân thực hiện” (vào sau từ “tội phạm” và trước từ “được”) nhằm phân định rõ ràng khoản 1 là sự PLTP do thể nhân (cá nhân) phạm tội.

Mặc dù khoản 2 mới được bổ sung quy phạm về sự PLTP do pháp nhân thương mại thực hiện là: “Việc PLTP đối với pháp nhân thương mại phạm tội căn cứ vào… theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng tại…” rồi tiếp theo là sự liệt kê lại rất dài và cụ thể tên gọi của 31 điều với 31 tội danh (làm như vậy là thừa và chưa đạt về mặt KTLP vì chúng đã được nêu tại một Điều khác (75) thuộc Phần chung BLHS năm 2015 rồi.

Hơn nữa, cách PLTP này mới chỉ đúng một nửa (1/2) vì mệnh đề trước tại khoản 2 là chính xác (vì cũng dựa theo 4 loại tội phạm tương ứng như cá nhân thực hiện đã nêu tại khoản 1); nhưng điểm hạn chế rõ rệt nhất của mệnh đề sau (tiếp theo) tại khoản 2 là không hề cân nhắc gì đến chế tài xử phạt cụ thể đối với pháp nhân phạm tội là gì mà chỉ liệt kê lại tên gọi của 31 điều với 31 tội danh (như đã nêu trên) mà chủ thể này phải chịu TNHS. KTLP thiếu chặt chẽ khi quy định một cách chung chung và không rõ ràng về chế tài xử phạt đối với pháp nhân phạm tội như vậy sẽ rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm là pháp nhân cũng phải chịu các hình phạt như cá nhân (như: Tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình) trong khi rõ ràng là 3 hình phạt này không thể áp dụng được đối với pháp nhân phạm tội.

Từ hạn chế về KTLP đã được chỉ ra trên đây, suy ngẫm ban đầu của chúng tôi là nên chăng việc PLTP đối với pháp nhân phạm tội cần được ghi nhận theo hướng là sẽ bổ sung thêm 2 khoản nữa (2 và 3) vào Điều 9 BLHS năm 2015, mà cụ thể là: 1) Trong quy phạm mới bổ sung tại khoản 2 – sự PLTP đối với pháp nhân phạm tội trên cơ sở vẫn giữ nguyên tên gọi của 4 loại tội phạm (nhưng chỉ lĩnh hội mệnh đề trước của 4 điểm từ “a” đến “d” khoản 1), còn mệnh đề sau cần phải thay các chế tài xử phạt là hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính đối với pháp nhân phạm tội mà mức thấp nhất (từ bao nhiêu chục triệu VNĐ) và cao nhất (từ bao nhiêu tỷ VNĐ trở lên) là nhiệm vụ của TBT Bộ Tư pháp phải tự nghĩ ra và cân nhắc sao cho hợp lý để trình Quốc hội (còn theo chúng tôi là nên từ 50 triệu VNĐ tại điểm “a” và cao nhất là từ 35 tỷ VNĐ trở lên tại điểm “d” khoản 2 thì các doanh nhân vốn rất quý đồng tiền do mình làm ra mới xót xa – tiếc tiền để mà cố gắng chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật (không phạm tội); 2) Trong quy phạm mới bổ sung tại khoản 3 – chế tài tùy nghi về hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Như vậy, toàn bộ các quy phạm tương ứng đã nêu trên đây tại Điều 9 BLHS năm 2015 “Phân loại tội phạm” nên chăng cần được quy định như sau:

“1. (Giữ nguyên như quy phạm cũ của Điều 9 BLHS năm 2015 trước đây nhưng để phân biệt rõ đây là sự PLTP “do cá nhân thực hiện” thì cần bổ sung thêm các từ này vào trước các thuật ngữ “được phân thành bốn loại sau đây”).

2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thực hiện và mức xử phạt tiền với tư cách là hình phạt chính (nếu như không bị xử phạt bằng một trong hai hình phạt chính khác là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân thành bốn (04) loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hiểm không lớn cho xã hội mà hình phạt chính do Bộ luật này quy định là phạt tiền từ… triệu đồng đến… tỷ đồng.

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hiểm lớn cho xã hội mà hình phạt chính do Bộ luật này quy định là phạt tiền từ… tỷ đồng đến… tỷ đồng.

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội mà hình phạt chính do Bộ luật này quy định là phạt tiền từ… tỷ đồng đến…. tỷ đồng.

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội gây nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội mà hình phạt chính do Bộ luật này quy định là phạt tiền từ trên… tỷ đồng trở lên”.

3. Ngoài hình phạt chính được quy định tại khoản 2 trên đây, căn cứ vào từng trường hợp tương ứng cụ thể pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung nêu tại khoản 2 Điều 33 Bộ luật này”.

Việc quy định về chủ thể phạm tội hoặc chủ thể bị kết án vẫn chưa khắc phục được các hạn chế là: Có một số điều luật mà việc quy định về chủ thể phạm tội hoặc bị kết án trong đó không chỉ liên quan đến người phạm tội hoặc bị kết án (tạm gọi tắt là chủ thể 1) mà còn liên quan đến các pháp nhân phạm tội hoặc bị kết án (tạm gọi tắt là chủ thể 2) là đúng. Tuy nhiên, còn có hạn chế là một số điều luật cũng như vậy (tức là phải ghi nhận trong đó cả 2 chủ thể – cá nhân và pháp nhân) nhưng rất tiếc là khi quy định về chủ thể phạm tội (hoặc bị kết án) các tác giả của BLHS năm 2015 chỉ quy định chủ thể 1 (mà lại không đề cập gì đến chủ thể 2). Các minh chứng cụ thể là:

Một số điều luật quy định đầy đủ cả hai chủ thể phạm tội (cả “người phạm tội” và cả “pháp nhân thương mại phạm tội”) là hoàn toàn đúng như tại các điều 3, 6, 8, 30, 31, 46, 55, 60,…

Cũng là một số điều luật như trên nhưng rất tiếc là việc quy định về chủ thể trong đó chỉ có chủ thể 1 (tức chỉ có “người phạm tội” hoặc “người bị kết án”) như tại các điều 7, 10, 11, 14, 16, 17, 22, 23,… mà lẽ ra ở đây cần phải quy định cả chủ thể 2 vì rõ ràng là chủ thể phạm tội nêu tại các điều luật này rất có thể là cả người đại diện cho pháp nhân phạm tội nữa (chứ không riêng gì cá nhân người phạm tội).

Thậm chí có trường hợp trong cùng 1 Chương IX “Thời hiệu thi hành bản án…” tại khoản 1 Điều 60 (điều đầu tiên của Chương) đề cập đến cả 2 chủ thể bị kết án (“người bị kết án”, “pháp nhân thương mại bị kết án”), nhưng tiếp theo tại các điều còn lại trong Chương này chỉ quy định về 1 chủ thể bị kết án là “người bị kết án” (?).

Chế định nhiều (đa) tội phạm của luật hình sự mặc dù có ý nghĩa rất quan trọng đối với thực tiễn áp dụng PLHS của các cơ quan BVPL và Tòa án trong việc phân hóa và cá thể hóa tối đa TNHS và hình phạt đối với người phạm tội nhưng rất tiếc là BLHS năm 2015 vẫn chưa loại trừ được nhiều lỗ hổng (kẽ hở) lớn” như: 1) Chế định này chưa bao giờ được ghi nhận với tư cách là một chế định nhỏ riêng biệt thuộc chế định lớn (tội phạm); 2) Chưa ghi nhận một loạt các ĐNPL ─ thế nào là “phạm tội 02 lần trở lên” (?) tức “phạm tội nhiều lần” trong BLHS năm 1999 trước đây, thế nào là “phạm nhiều tội” (?) trong khi “phạm tội 02 lần trở lên” vẫn được BLHS năm 2015 quy định là tình tiết tăng nặng TNHS chung (điểm g khoản 1 Điều 52) và “phạm nhiều tội” vẫn được nhắc đến tại Điều 55 “Quyết định hình phạt (QĐHP) trong trường hợp phạm nhiều tội” (!), thế nào là “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” (?)…

Chế định tự nguyện chấm dứt tội phạm (CDTP) trong BLHS năm 2015 (Điều 16) vẫn còn giữ nguyên những hạn chế về KTLP của BLHS năm 1999 trước đây mà Dự thảo Luật SĐBS ngày 10/3/2017 vẫn chưa khắc phục được là: Việc sử dụng thuật ngữ “việc phạm tội” (tức là việc thực hiện tội phạm) trong tên gọi của Điều 16 và cả trong nội dung được quy định tại điều luật đó thực chất là mới chỉ đề cập đến vấn đề TNHS của một loại người đồng phạm (là người thực hành), mà chưa giải quyết vấn đề TNHS của cả ba loại người đồng phạm còn lại (người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức) khi họ tự ý nửa chừng CDTP. Bởi lẽ, thuật ngữ “việc phạm tội” rõ ràng là chỉ mới nói lên việc trực tiếp thực hiện tội phạm của người thực hành, còn hành vi chính xác của ba loại người đồng phạm đã nêu là họ chỉ cùng tham gia vào việc “phạm tội” (tức là = các hành vi tổ chức, xúi giục và giúp sức của mình thực chất là chỉ cùng tham gia vào việc “thực hiện tội phạm”) với người thực hành. Vì vậy, nên chăng ở đây cần bỏ từ “việc” đi và chỉ sử dụng thuật ngữ “tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm” thì mới đảm bảo tính hợp lý về mặt thực tiễn, sự chính xác về mặt khoa học và sự chặt chẽ về mặt KTLP.

Chế định đồng phạm trong BLHS năm 2015 (Điều 17) vẫn còn giữ nguyên các hạn chế chưa thể khắc phục được của BLHS năm 1999 trước đây:

BLHS năm 2015 mới chỉ đề cập đến hành vi của một loại người đồng phạm là người thực hành, mà chưa đề cập đến hành vi của ba loại người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức) khi sử dụng thuật ngữ “cùng thực hiện một tội phạm” trong ĐNPL của khái niệm đồng phạm (khoản 1) và “cùng thực hiện tội phạm” trong ĐNPL của khái niệm phạm tội có tổ chức (khoản 2), mà lẽ ra cần phải sử dụng các thuật ngữ thống nhất “cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm”, thì mới đảm bảo tính hợp lý về thực tiễn và sự chính xác về mặt khoa học.

Các ĐNPL của các khái niệm người thực hành, người tổ chức và người xúi giục vẫn chưa đầy đủ (các đoạn 2, 3 và 4 khoản 3), còn ĐNPL về người giúp sức vẫn còn chung chung và trừu tượng (đoạn 5 khoản 3).

Chưa đảm bảo được nguyên tắc phân hóa và cá thể hóa TNHS tối đa vì chưa ghi nhận về mặt lập pháp một loạt các vấn đề quan trọng như:

1) Chưa có các ĐNPL của các khái niệm về các hình thức đồng phạm khác (ngoài hình thức đồng phạm đặc biệt – phạm tội có tổ chức);

2) Chưa có ĐNPL của khái niệm như thế nào là sự thái quá của người thực hành (vì hiện tại khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015 mới chỉ đề cập đến việc không phải chịu TNHS của người đồng phạm khác đối với hành vi vượt quá của người thực hành mà thôi);

3) Mặc dù thực tiễn áp dụng PLHS trong nước thời gian gần đây đã khẳng định sự cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế pháp lý hình sự để đấu tranh có hiệu quả với tình hình phạm tội có tổ chức nhưng trong PLHS thực định nước nhà đến nay vẫn chưa ghi nhận ĐNPL của khái niệm tổ chức tội phạm là gì (?).

GS.TSKH. Lê Văn Cảm

Giám đốc Trung tâm Luật hình sự và Tội phạm học

của Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

(1) Xem cụ thể hơn: Lê Văn Cảm, Nhận thức khoa học về Những quy định chung trong BLHS năm 2015, tạp chí Kiểm sát số 03 – tháng 2/2016, các tr.29-37; Lê Văn Cảm, Nguyễn  Quang Long và Nguyễn Văn Thủy, Nhận thức khoa học về Những quy định chung trong BLHS năm 2015, tạp chí Kiểm sát số 04 – tháng 2/2016, các tr.27-34.

(còn tiếp)

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

(Kiemsat.vn) - Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang