Hà Nội nói gì về đề xuất chặt hạ Sưa trắng vì lo có độc?

18/05/2017 10:00

Sở Xây dựng, công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã có những chia sẻ với báo Người Đưa Tin trước ý tưởng chặt sưa trắng vì lo có độc của một số nhà khoa học.

Thông tin một số nhà khoa học mới đây có đề xuất chặt hạ, loại bỏ cây Sưa trắng trên đường phố Hà Nội vì lo ngại loại cây này có độc tố thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến trái chiều, phản bác việc chặt cây được các chuyên gia dược học và cây xanh nêu ra.

Bên cạnh đó, phần đông độc giả PV báo Người Đưa Tin theo dõi cũng có chung ý kiến cho rằng, đề xuất chặt hạ cây sưa trắng không thỏa đáng vì loài cây này được trồng trên đường phố từ lâu, hơn nữa ở Hà Nội cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng vì độc tố của loài cây này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần phải xem xét đề xuất trên xem chất độc của sưa trắng có thực ảnh hưởng đến con người hay không?

Sưa trắng mọc nhiều trên đường phố Hà Nội tạo nên vẻ đẹp lãng mạn cho không gian (Ảnh: Internet)

Trao đổi cùng PV, một lãnh đạo sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sưa trắng hay còn gọi là Thàn Mát là cây nằm trong danh mục cây đô thị. Do đó, việc lo ngại cây có độc thì cần xem xét kỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sở Xây dựng chưa nhận được đề xuất nào.Trước những ý kiến trên, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ trao đổi cùng lãnh đạo sở Xây dựng Hà Nội.

Cùng trao đổi ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, sưa trắng được trồng không đồng đều trên đường phố Hà Nội. Loại cây này chủ yếu có từ lâu và qua làm việc, tiếp xúc với nhiều nhà khoa học thì chưa ghi nhận phản ánh nào về việc sưa trắng có chất độc ảnh hưởng đến con người.

Một lãnh đạo khác của công ty này bày tỏ, sưa trắng được trồng từ lâu trên đường phố nhưng đây là lần đầu có ý kiến cho rằng loài này có độc. Do vậy, nếu nhà khoa học có ý kiến lên TP thì công ty sẽ thực hiện theo chỉ đạo của TP.

Trong khi đó, một chuyên gia gạo cội trong ngành sinh vật học xin được giấu tên khẳng định, đề xuất chặt sưa trắng vì có độc là vô lý. “Cây này có độc nhưng không đến mức phải chặt”, vị chuyên gia khẳng định với PV.

Nhất Nam/Nguoiduatin.vn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang